Ông Victor Conte có tuyên bố gây sốc
Trước phát ngôn này của ông Conte, nhiều bạn đọc đã phản ứng và bình luận rằng một người có thành tích đen như ông đang "cố gắng" làm hỏng hình ảnh của thể thao. Tuy nhiên cũng có một số ý kiến cho rằng phát biểu của Conte không phải không khiến ta suy nghĩ.
Đơn cử như trường hợp của Justlin Gatlin - người đã đoạt HCĐ cự ly 100m tại London 2012. Vận động viên này từng bị cấm thi đấu rất lâu vì sử dụng doping nhưng nay lại đường hoàng có huy chương. Hay như trường hợp của vận động viên Anh Dwain Chambers, người cũng từng bị cấm hai năm do sử dụng chất cấm, cũng đã có mặt tại London 2012.
Ngoài ra phải kể đến cuarơ người Kazakhstan Vinokourov khi từng bị cấm thi đấu do doping, đã đoạt HCV xe đạp tại London 2012.
Biếm họa về việc các vận động viên chạy sử dụng chất kích thích - Ảnh: toolpool
Hay như ở cự ly chạy 100m nam, từ năm 1984 đến nay chỉ có hai nhà vô địch Olympic không dính dáng đến doping. Năm 1988, Carl Lewis - nhà vô địch Olympic 1984 người Mỹ - bị phát hiện có sử dụng chất kích thích. Ngay tại Olympic Seoul 1988, Ben Johnson (người Canada gốc Jamaica) người về nhất cự ly chạy 100m nam, đã bị phát hiện doping, bị tước HCV và trao cho Carl Lewis.
Vận động viên Anh Linford Christie, HCV cự ly 100m nam tại Olympic Barcelona 1992, từng bị phát hiện dùng chất cấm vào năm 1988 và đến năm 1999 lại một lần nữa bị phát hiện dùng chất kích thích. Maurice Greene, người đoạt HCV tại Sydney 2000, thừa nhận từng mua bán chất cấm. Rồi Justin Gatlin, HCV Athens 2004 từng bị cấm bốn năm vì doping.
Cho tới nay chỉ có vận động viên người Canada, Donovan Bailey, HCV tại Atlanta 1996 cự ly chạy 100m là trong sạch cho đến khi giải nghệ. Ngoài ra, hiện nay cũng không có nghi án nào xung quanh việc Usain Bolt - người đoạt HCV cự ly 100m tại Bắc Kình 2008 và London 2012 - có sử dụng chất cấm.
Còn ở nội dung 100m nữ, đình đám nhất chính là việc nữ hoàng tốc độ người Mỹ Marion Jones bị tước 2 HCV tại Sydney 2000 và thậm chí phải ngồi tù vì "lậm" sâu vào chất cấm. Ngoài ra thế giới điền kinh vẫn còn nghi án doping của Florence Griffith Joyner, người đã qua đời chỉ ít ngày sau khi Seoul 1988 kết thúc. Nhưng kỷ lục thế giới ở cự ly 100m và 200m mà huyền thoại người Mỹ này lập được trong năm 1988 vẫn còn đứng vững tới ngày nay. Thậm chí chưa có vận động viên nào có thể tiếp cận được thành tích này.
Ngày nay, việc doping bằng thuốc là "xưa rồi". Các vận động viên đã tiến lên doping máu - có thể hiểu là trữ máu lúc bình thường và bơm thêm máu vào cơ thể lúc thi đấu. Hàng loạt vận động viên xe đạp Mỹ đã sử dụng biện pháp này. Theo tin mới nhất từ Ủy ban Olympic quốc tế (IOC), vụ án kéo dài tám năm về việc kết tội doping máu đối với cuarơ người Mỹ, Tyler Hamilton đã kết thúc. Trong tuần này, Hamilton sẽ bị tước chiếc HCV xe đạp có được tại Athens 2004.
Nhưng tiên tiến nhất chính là doping gene - đó là dùng một dạng virus thụ động đưa ADN vào cơ thể giúp vận động viên tăng cường cơ bắp cũng như lưu lượng oxy và máu, tăng khả năng chịu đau... Điều này đã được các nhà khoa học thực hiện trong phòng thí nghiệm, tạo ra các chú chuột đầy cơ bắp và sống khỏe mạnh. Họ đặt tên cho những chú chuột này là "chuột Schwarzenegger".
Và doping gene chính là điều mà HLV bơi lội kỳ cựu của Mỹ, John Leonard nghi ngờ kình ngư 16 tuổi, Ye Shiwen của Trung Quốc đã sử dụng.