6 bài học kinh nghiệm quý từ phong trào thi đua Vì ANTQ

ANTĐ - Báo cáo Tổng kết Phong trào thi đua “Vì An ninh Tổ quốc” 5 năm (2010 - 2015) được trình bày tại Đại hội cho thấy, quán triệt tinh thần an ninh chủ động, trong 5 năm qua, Phong trào thi đua đã đạt được những thành quả toàn diện trên các mặt công tác, nhất là trong thực hiện phong trào thi đua trên lĩnh vực đảm bảo an ninh quốc gia; đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ gìn trật tự an toàn xã hội; trong tham mưu, xây dựng lực lượng, hậu cần, khoa học kỹ thuật và công nghệ, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”…
6 bài học kinh nghiệm quý từ phong trào thi đua Vì ANTQ ảnh 1

Công an tỉnh Quảng Ninh không ngại hy sinh, gian khổ bảo vệ tính mạng, tài sản người dân đang chịu hậu quả nặng nề bởi cơn “đại hồng thủy” lớn nhất trong vòng 40 năm qua

Qua thực hiện các phong trào thi đua, các cuộc vận động đã xuất hiện ngày càng nhiều điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt trong công tác, chiến đấu, trong học tập, trong nghiên cứu khoa học. Nhiều cán bộ, chiến sỹ chấp nhận hy sinh, gian khổ bảo vệ an ninh ở các vùng sâu, vùng xa, ở các lĩnh vực khó khăn, nguy hiểm, nhiều đồng chí nêu cao tinh thần, ý chí tiến công trấn áp tội phạm nguy hiểm, như: giết người, cướp tài sản, bắt cóc con tin, ổ nhóm lừa đảo, cờ bạc, tội phạm buôn bán ma túy, tội phạm nghiện ma túy, nhiễm HIV/AIDS.

Nhiều cán bộ, chiến sỹ dũng cảm xả thân mình trong giặc lửa, vượt qua bão lũ quyết tâm cứu người, cứu tài sản của Nhà nước và của nhân dân. Cũng có những đồng chí sống và chiến đấu âm thầm lặng lẽ, chấp nhận hy sinh, thiệt thòi tình cảm gia đình, quê hương, ngày đêm đeo bám đối tượng, tất cả vì bình yên cuộc sống và hạnh phúc của nhân dân.

Điển hình là các đồng chí: Trung sỹ Đỗ Đăng Long, Công an thành phố Hải Phòng; Đại tá Hà Thái Yềm, Trung úy Sùng A Chư, Công an tỉnh Hòa Bình; Đại úy Lường Phát Chiêm, Thượng úy Bùi Công Nguyên, Công an tỉnh Sơn La; Thượng tá Đỗ Quang Khánh, Hạ sỹ Thái Ngô Nhật, Công an tỉnh Điện Biên; Thượng tá Hứa Văn Tấn, Công an thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn; Ông Nguyễn Trọng Điền, Công an xã Ngọc Sơn, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An và Ông Phan Đức Ninh, Công an viên xã Phú Trung, tỉnh Bình Phước… là những tấm gương dũng cảm hy sinh trong khi làm nhiệm vụ đấu tranh với các loại tội phạm về ma túy, hình sự…

Các đồng chí: Thiếu tá Nguyễn Đức Cường (nay là Thượng tá, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an tỉnh Nghệ An) đã mưu trí, dũng cảm, quyết tâm bắt giữ bằng được đối tượng buôn bán ma túy, bị các đối tượng khác trong đường dây dùng súng bắn xối xả từ trên núi xuống làm đồng chí bị thương nặng; Đồng chí Nguyễn Hoàng Thơ, CATP Cần Thơ mặc dù bị thương nặng, nhưng vẫn kiên quyết tấn công bắt giữ được đối tượng; Trung úy Trần Ngọc Thắng, CATP Nam Định khi truy bắt bị đối tượng chém đứt bàn tay nhưng vẫn kiên quyết không lùi bước, áp sát, quật ngã, bắt giữ đối tượng côn đồ, hung hãn.

Thiếu tá Nguyễn Vinh Cảnh, Công an tỉnh Hà Tĩnh, truy bắt đối tượng hình sự nguy hiểm bị đối tượng bắn trọng thương, 3 lần phải nhập viện; Thiếu tá Nguyễn Quang Ánh, Bác sỹ Bệnh xá trưởng, Trại giam Thủ Đức cùng vợ bị phơi nhiễm HIV (do ảnh hưởng nghề nghiệp) nhưng đã vượt qua khó khăn, tận tụy điều trị phạm nhân; Thiếu tá Nguyễn Thị Thùy Dương, Công an tỉnh Phú Thọ bị bệnh hiểm nghèo, vẫn lạc quan yêu đời, yêu nghề, tận tâm, tận lực với công việc, vừa công tác vừa truyền đạt kinh nghiệm cho cán bộ trẻ.

Thượng úy Sằn A Phật, Công an tỉnh Quảng Ninh vừa công tác vừa nỗ lực tự học thêm 4 thứ tiếng dân tộc khác để vận động đồng bào vùng sâu, vùng xa… Thượng sỹ Đoàn Khánh Linh, Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy Nghệ An dũng cảm, không ngại hy sinh đu mình xuống vực sâu gần 100 mét để cứu người bị nạn. Đồng chí Bùi Đức Hưng, Công an tỉnh Thái Nguyên đã dũng cảm lao xuống dòng nước chảy siết, kịp thời cứu sống người bị đuối nước tại sông Cầu.

Thượng tá Lê Đức Đoàn, nguyên cán bộ Cảnh sát giao thông CATP Hà Nội, vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ được phân công vừa cứu sống gần 40 người có ý định tự tử trên cầu Chương Dương đã tạo được ấn tượng tốt về hành động và tấm lòng nhân ái, bao dung của người chiến sỹ Công an vì hạnh phúc và bình yên cuộc sống của nhân dân. 

Từ kết quả phong trào thi đua, 6 bài học kinh nghiệm đã được rút ra: Một là, phải tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng để mọi cán bộ, chiến sỹ có chuyển biến nhận thức và hành động về công tác thi đua, khen thưởng, phải làm cho phong trào thi đua trở thành phong trào hành động cách mạng tự giác của mỗi tập thể, cá nhân. 

Hai là, cấp ủy và thủ trưởng công an các cấp cần nhận thức đầy đủ ý nghĩa to lớn và tác dụng thiết thực của công tác thi đua, khen thưởng từ đó tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức tốt phong trào thi đua và công tác khen thưởng; đảm bảo tính thiết thực, hiệu quả, chính xác, khách quan, công bằng và kịp thời trong công tác khen thưởng. 

Ba là, nội dung phong trào thi đua phải gắn chặt với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị và điều kiện cụ thể của từng địa phương, đơn vị. Kế hoạch tổ chức thực hiện phong trào thi đua phải mang tính thiết thực hiệu quả, tránh phô trương, hình thức. 

Bốn là, công tác khen thưởng phải gắn với phong trào thi đua; từ phong trào thi đua phát hiện ra các nhân tố điển hình để khen thưởng kịp thời và nhân rộng điển hình tiên tiến. Khen thưởng phải khách quan, chính xác và kịp thời; tránh tình trạng khen thưởng tràn lan, khen thưởng mang tính chất cào bằng. 

Năm là, xây dựng một đội ngũ cán bộ tham mưu giỏi về công tác thi đua, khen thưởng. 

Sáu là, tăng cường công tác tuyên truyền để nhân rộng điển hình tiên tiến. Công tác tuyên truyền phải bám sát vào mục đích, yêu cầu và nội dung của phong trào thi đua. Cần lựa chọn các điển hình tiêu biểu, những cách làm hay, những việc làm tốt để tuyên truyền nhân rộng.