53/63 tỉnh có đường dây nóng phản ánh về thi tốt nghiệp THPT

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Ngày 15-6, Bộ GD-ĐT thông tin kỳ thi tốt nghiệp THPT tổ chức trên quy mô lớn với trên 1 triệu thí sinh dự thi, khoảng 250.000 người tham gia công tác tổ chức thi.
Các tỉnh thành thiết lập đường dây nóng để nhận thông tin phản ánh kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023

Các tỉnh thành thiết lập đường dây nóng để nhận thông tin phản ánh kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023

Chánh Thanh tra Bộ GD-ĐT Nguyễn Đức Cường cho biết, với tinh thần chủ động, phòng ngừa từ sớm, từ xa, cả nước đã có 53/63 tỉnh thành lập đường dây nóng để phản ánh thông tin kịp thời, đảm bảo an ninh, an toàn kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023.

Được biết, Thanh tra Bộ đã thành lập 10 đoàn tham gia kiểm tra sâu các nội dung chuẩn bị, tổ chức kỳ thi tại một số địa phương.

Các đoàn triển khai công tác thanh tra, kiểm tra tại các địa phương, phối hợp chặt chẽ với Thanh tra tỉnh tại các địa phương để đảm bảo an toàn, chặt chẽ, cẩn trọng ở tất cả các khâu. Phải đảm bảo các khâu của kỳ thi đều được kiểm tra. Không được để một cán bộ nào không được tham gia tập huấn mà tham gia vào kỳ thi. Cán bộ phải được tập huấn đầy đủ, hiểu công việc được giao, được làm.

Bộ GD-ĐT cũng đã có văn bản phân công các cơ sở giáo dục đại học cử người tham gia các đoàn kiểm tra công tác coi thi tại các địa phương. Theo đó, huy động gần 8.000 cán bộ, viên chức các cơ sở giáo dục đại học để tổ chức 63 đoàn kiểm tra công tác coi thi của Bộ và 63 đoàn kiểm tra công tác chấm thi của Bộ tại 63 sở GD-ĐT.

Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng (Bộ GDĐT) Huỳnh Văn Chương cho biết, năm nay cả nước có tất cả 1.024.063 thí sinh đăng ký dự thi. Trong đó có 37.841 thí sinh tự do, chiếm 3,69% tổng số thí sinh; có 968.160 thí sinh đăng ký trực tuyến, chiếm 95% tổng số thí sinh.

Tổng số thí sinh đăng ký miễn thi Ngoại ngữ là 46.670 thí sinh chiếm 4,55% tổng số thí sinh.

Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng cho biết, trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo cấp quốc gia tiếp tục tổ chức các đoàn làm việc, các đoàn kiểm tra với các địa phương về công tác chuẩn bị tổ chức thi, công tác coi thi và chấm thi; kết nối thường xuyên với Ban Chỉ đạo cấp tỉnh các địa phương để phối hợp tổ chức thi an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế; tiếp tục triển khai công tác truyền thông, gắn với các công việc cụ thể theo tiến trình tổ chức Kỳ thi.

Trên cơ sở kết quả làm việc của các đoàn Ban Chỉ đạo cấp quốc gia và Lãnh đạo Bộ, kết quả kiểm tra của 10 đoàn kiểm tra của Bộ, nếu cần thiết Ban Chỉ đạo cấp quốc gia sẽ có văn bản lưu ý các địa phương trước khi kỳ thi chính thức bắt đầu.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh, kỳ thi tốt nghiệp THPT tổ chức trên quy mô lớn, cùng một thời điểm với sự tham gia của trên 1 triệu thí sinh, khoảng 250.000 người tham gia công tác tổ chức thi, tổ chức ở các vùng miền địa hình khác nhau, nên công tác bảo đảm an ninh, an toàn cần phải có kế hoạch, giải pháp.

Cùng với đó, Kỳ thi có thể xảy ra nhiều tình huống bất thường, chưa có tiền lệ, từ thiên tai, thời tiết, đến phương tiện kỹ thuật, yếu tố con người - cần lường trước để rà soát tối đa cũng như có phương án dự phòng.