5 thách thức lớn với tân Thủ tướng Anh Boris Johnson

ANTD.VN - Sau khi chính thức dọn vào số 10 phố Downing, công việc đầu tiên của ông Boris Johnson trên cương vị Thủ tướng mới của nước Anh là thành lập và công bố nội các vào ngày 25-7. Tuy nhiên, giới phân tích đánh giá, ít có Thủ tướng thời bình nào của nước Anh lại nhậm chức trong bối cảnh có nhiều thách thức như hiện tại.

5 thách thức lớn với tân Thủ tướng Anh Boris Johnson ảnh 1Tân Thủ tướng Anh Boris Johnson tại số 10 phố Downing ở Thủ đô London ngày 24-7-2019

Thách thức đầu tiên mà ai cũng nhận thấy đó là thỏa thuận Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) hay còn gọi là Brexit. Ngày 24-7, trong bài phát biểu đầu tiên sau khi nhậm chức Thủ tướng Anh, ông Boris Johnson cam kết sẽ đưa nước Anh rời khỏi EU vào đúng thời hạn chót 31-10.

Ông Johnson hiểu rõ đâu là “chướng ngại vật” khi người tiền nhiệm Theresa May đã 3 lần đề xuất kế hoạch Brexit nhưng đều không được Quốc hội thông qua. Có hai vấn đề ở đây: Đầu tiên là thời gian, sự thay đổi lãnh đạo ở London và Brussels mùa hè này sẽ tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán lại vào khoảng tháng 9 và tháng 10 trước thời hạn chót của Brexit vào 31-10. Bên cạnh đó, 27 quốc gia thành viên EU đã nhiều lần khẳng định họ sẽ không đàm phán lại Thỏa thuận Rút khỏi, vốn đặt ra mối quan hệ tương lai giữa Anh và EU.

Bởi vậy, giải pháp của ông Johnson là cần thuyết phục Nghị viện phê chuẩn “những điều tốt nhất” trong kế hoạch của bà Theresa May, chẳng hạn như quyền của công dân EU và mở rộng các hiệp định hợp tác quốc phòng và an ninh. Tuy nhiên, ông Boris Johnson cũng cảnh báo Vương quốc Anh phải chuẩn bị kịch bản cho khả năng Brexit không thỏa thuận nếu EU tiếp tục từ chối đàm phán lại. Ông nói rằng Anh đã chuẩn bị đầy đủ cho kịch bản đó, bất chấp cảnh báo rằng điều này sẽ gây tổn hại cho nền kinh tế của Anh với ít nhất là một cuộc suy thoái kéo dài 1 năm.

 Thứ hai là thách thức về quản trị. Thành lập và điều hành chính phủ là điều hiển nhiên, nhưng nhiệm kỳ Thủ tướng của ông Boris Johnson có thể bị cắt ngắn rất nhanh, khi  Công đảng đối lập có thể kêu gọi một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Quốc hội 650 ghế ngay từ ngày thứ hai ông tại vị. Đảng Bảo thủ của ông Boris Johnson không có đa số ghế cần thiết để vị tân Thủ tướng tồn tại trong một cuộc bỏ phiếu như vậy.

Thứ ba là quan hệ với Iran và Trung Quốc. Chương trình hạt nhân Iran là vấn đề mới nổi thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận quốc tế. Trong khi nước Mỹ sau khi rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran hồi năm ngoái muốn gây áp lực đòi tăng trừng phạt với Iran thì Liên minh châu Âu lại có quan điểm khác, họ đề nghị Iran tôn trọng thỏa thuận và chủ trương giải quyết căng thẳng bằng đàm phán. Anh cùng với Đức và Pháp vẫn là những thành viên ký kết thỏa thuận hạt nhân Iran nhưng quan hệ giữa Anh và Iran gần đây căng thẳng do các vụ đụng độ tàu chở dầu ở vùng Vịnh. Các đồng minh châu Âu sẽ theo dõi xem liệu Thủ tướng đương nhiệm, cựu Ngoại trưởng Anh sẽ lựa chọn chính sách quan hệ ngoại giao như thế nào về vấn đề này.

Tương tự, quan hệ giữa Vương quốc Anh với Trung Quốc cũng gặp khó khăn không kém. Chính phủ Trung Quốc đã cảnh báo Anh rằng việc loại trừ công ty viễn thông Huawei của Trung Quốc khỏi mạng 5G của Anh có thể gây tác dụng ngược về mối quan hệ thương mại và đầu tư trong tương lai mà Anh đang hy vọng thành lập bên ngoài EU.

Thứ tư là quan hệ với Tổng thống Mỹ Donald Trump. Mỹ vẫn là đồng minh quân sự thân cận nhất của nước Anh. Có lẽ thách thức lớn nhất hiện giờ với ông Boris Johnson là làm sao đạt được một thỏa thuận thương mại tự do với Mỹ để bù đắp cho việc mất đối tác thương mại lớn nhất - EU. Tuy nhiên, mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương ít nhiều ảnh hưởng sau vụ rò rỉ về nhận xét “khiếm nhã” của Đại sứ Anh tại Mỹ về ông Trump. Phản ứng dữ dội của Tổng thống Trump về việc này đã khiến Thủ tướng Theresa May vội vàng xoa dịu và Đại sứ Kim Darroch đã phải từ chức nhưng dư âm của nó chưa thể nguôi ngoai trong ngày một ngày hai.

Cuối cùng, quan trọng không kém là thách thức đoàn kết lại nước Anh. Nhiệm vụ lớn lao mà ông Johnson sẽ phải làm là đưa một quốc gia bị chia rẽ sâu sắc trở lại đúng quỹ đạo, cả ở trong nước và trên trường quốc tế. Quá trình này sẽ phụ thuộc vào mức độ ảnh hưởng của Brexit đối với nền kinh tế. Và ở một góc độ nào đó, việc giải quyết vấn đề kinh tế và chính trị đôi khi dễ dàng hơn là tìm ra phương thuốc cho tâm lý của đất nước đã bị tổn thương.