40 cây cừ thép và 9 năm tù
(ANTĐ) - Vỗn dĩ mải chơi, lười học từ nhỏ, chính vì thế, chật vật mãi, Trần Hảo mới học xong lớp 4 phổ thông. Bằng đó kiến thức tích lũy được ở trường lớp chỉ đủ để bị cáo này viết một tờ đơn xin việc vào làm “chân” bảo vệ cho một công ty. Nhưng từ khi chịu trách nhiệm quản lý, trông coi số tài sản lớn của công ty, những đồng tiền đã biến Trần Hảo thành chủ mưu của vụ án tham ô tài sản với cái giá phải trả đắt với 9 năm tù.
Hoa mắt vì tiền
Phải đến tháng 11-2001, nhờ mối quan hệ quen biết, Hảo được một công ty tư nhân nhận vào làm việc thuộc sự quản lý của Phòng Cơ giới vật tư. Thời gian đầu, do cũng đã kịp trang bị cho mình một tấm giấy phép lái xe, Hảo được Ban Giám đốc công ty bố trí cho một “chân” lái máy đào.
Tuy vậy, cũng chỉ được ít lâu, do năng lực chuyên môn không thể đáp ứng được công việc, Hảo bị điều về làm bảo vệ với nhiệm vụ quản lý, trông coi nguyên vật liệu của công ty tại một công trường trên địa bàn quận Cầu Giấy, Hà Nội. Và từ đây, kẻ bảo vệ tham lam đã không còn giữ được mình khi tự ý “tuồn” một khối lượng lớn cừ thép cho đồng phạm nhằm chiếm đoạt tài sản.
Ngày 9-3-2006, Hảo đi xe máy tới thôn Đa Hội, huyện Từ Sơn, Bắc Ninh để gặp Trần Thị Hả - làm nghề kinh doanh sắt thép. Tại buổi gặp gỡ, Hảo đã thông báo cho Hả về nguồn hàng cừ thép cây còn mới 100% cần bán.
Sau ít phút trao đổi, hai bên đã nhanh chóng đi đến thống nhất, theo đó giá cừ thép sẽ được Hả mua với giá 4.600đồng/kg, và hẹn đến ngày 12-3-2006 sẽ giao cừ thép và tiền. Đúng hẹn, Hả cùng chồng đến kho hàng của công ty của Hảo, Hảo chỉ cho vợ chồng Hả số cừ thép đang để trong kho bãi và cùng bàn bạc cách thức vận chuyển số thép trên.
Hảo sẽ chịu trách nhiệm trả tiền thuê xe và trực tiếp chỉ đạo chuyện cẩu toàn bộ 40 cây thép lên 2 ôtô chở về nhà Trần Thị Hả, vợ chồng Hả phải trả cho Hảo 163 triệu đồng tiền bán thép.
Để hợp thức hóa số cừ thép đã chiếm đoạt cũng như che giấu hành vi phạm tội của mình, Trần Hảo đã viết hai biên bản bàn giao cừ thép vào ngày 6-3-2006, đồng thời cũng tự sáng tác ra hai tên cùng địa chỉ người nhận thép là Nguyễn Văn Quang và Nguyễn Văn Duy, rồi Hảo nhờ bạn gái ký nhận giả mạo vào hai biên bản này.
Với 40 cây thép trên, sau khi mua lại của Trần Hảo, Trần Thị Hả đã thông qua một trung gian có tên Trần Hữu Thủy để bán cho một công ty xây dựng khác “ăn” chênh lệch. Trong quá trình điều tra vụ án, cơ quan công an đã thu hồi được 40 cây thép trên và trả lại cho chủ sở hữu.
Có bỏ lọt đồng phạm?
Tại phiên tòa, Trần Hảo đã khai nhận mọi hành vi phạm tội và cho rằng, do công việc trực tiếp tiếp xúc, trông coi số tài sản lớn, công tác quản lý lại lỏng lẻo, nên Hảo nảy sinh ý định chiếm đoạt. Trước đó, trong quá trình điều tra, truy tố, gia đình bị cáo đã khắc phục hậu quả được 120 triệu đồng, Trần Thị Hả cũng nộp lại cơ quan chức năng 45 triệu đồng tiền bán thép chênh lệch nên đã được HĐXX xem xét, chấp nhận làm tình tiết giảm nhẹ.
Xem xét hành vi của chồng Trần Thị Hả để chứng minh có hay không dấu hiệu đồng phạm, cơ quan chức năng nhận định, chồng Hả mặc dù có tham gia vào quá trình mua bán 40 cừ thép, nhưng do không cùng bàn bạc với Hảo và vợ về việc lấy tài sản của công ty nên được miễn xem xét truy cứu hình sự.
Cùng với hành vi tương tự, đối với Phạm Hữu Thủy, dù có tham gia vào quá trình mua đi bán lại số thép trên, tuy nhiên, Thủy cũng chỉ là người giới thiệu để nhận khoản chênh lệch, không hề biết rằng đó là số thép do tham ô mà có, do vậy, cơ quan VKS không truy tố hành vi này.
Trong phần nhận định, HĐXX xác định Trần Hảo là kẻ chủ mưu của vụ án, đã cùng đồng phạm Trần Thị Hả với vai trò giúp sức tham ô số cừ thép trên.
Theo đó, áp dụng các quy định của pháp luật với hành vi phạm tội, HĐXX tuyên Trần Hảo 9 năm tù, nhẹ hơn 2 năm là mức án dành cho đồng phạm Trần Thị Hả với cùng tội danh tham ô tài sản.
Bảo Vinh