4 báo cáo, đề án quan trọng trình xin ý kiến của Trung ương

ANTĐ - Trong phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 10 khóa XI, Tổng Bí thư  Nguyễn Phú Trọng đã nêu ra một trong những nội dung của Hội nghị lần này là Trung ương sẽ cho ý kiến về một số báo cáo, đề án để Bộ Chính trị tiếp thu, chỉ đạo hoàn thiện và lãnh đạo tổ chức thực hiện. Báo ANTĐ trân trọng giới thiệu tới bạn đọc về nội dung của 4 báo cáo, đề án quan trọng này.  

4 báo cáo, đề án quan trọng trình xin ý kiến của Trung ương ảnh 1Các đại biểu biểu quyết thông qua chương trình Hội nghị

Báo cáo tổng kết 30 năm đổi mới (1986 - 2016) 

Để tiếp tục đổi mới và cung cấp cơ sở khoa học cho việc xây dựng các dự thảo văn kiện trình Đại hội XII của Đảng, ngày 12-6-2013, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 66 về tổng kết một số vấn đề lý luận - thực tiễn qua 30 năm đổi mới (1986 - 2016), trọng tâm là 10 năm gần đây (2006 - 2016), và đã lập Ban Chỉ đạo tổng kết do đồng chí Tổng Bí thư làm Trưởng ban. Từ đó đến nay, Ban Chỉ đạo đã chỉ đạo các ban cán sự đảng, đảng đoàn, lãnh đạo của 48 ban, bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương, cơ quan nghiên cứu khoa học, lý luận chính trị và 16 tỉnh uỷ, thành uỷ tiến hành tổng kết 10 vấn đề và 8 mối quan hệ lớn. Kết quả tổng kết đã được tổng hợp, nghiên cứu, chắt lọc, xây dựng thành dự thảo Báo cáo tổng kết một số vấn đề lý luận - thực tiễn qua 30 năm đổi mới. Bộ Chính trị đã xem xét, chỉ đạo hoàn thiện trình Trung ương cho ý kiến tại Hội nghị lần này. 

Tổng Bí thư đề nghị các đồng chí Ban chấp hành Trung ương tại Hội nghị này dành thời gian nghiên cứu, cho ý kiến để Bộ Chính trị tiếp thu, tiếp tục chỉ đạo hoàn thiện Báo cáo, làm tài liệu nghiên cứu, phục vụ quá trình chuẩn bị và tiến hành đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Chú ý cân nhắc kỹ những nhận định, đánh giá bối cảnh quốc tế, trong nước và quá trình phát triển đường lối đổi mới của Đảng ta qua 30 năm; những thành tựu, hạn chế, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm của 30 năm đổi mới, nhất là 10 năm gần đây; và phương hướng tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới toàn diện và đồng bộ, tạo sự thống nhất cao trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội. 

Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2014 

Thực hiện quy chế làm việc, vừa qua Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã tiến hành kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của tập thể và cá nhân các đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2014. Bộ Chính trị nhận thấy: “Năm 2014, bên cạnh những thời cơ và thuận lợi, đất nước ta cũng đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện hoạt động của cả hệ thống chính trị, các lĩnh vực của đời sống xã hội và đạt được những kết quả quan trọng. Nền kinh tế nước ta đã có những chuyển biến tích cực hơn, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, kinh tế tăng trưởng cao hơn năm 2013; an sinh xã hội và phúc lợi xã hội được bảo đảm; cơ bản hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra. Xử lý đúng đắn, kịp thời những diễn biến mới, phức tạp liên quan tới Biển Đông và quan hệ Việt Nam - Trung Quốc; giữ vững môi trường hoà bình, ổn định để phát triển đất nước, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới. Đã tập trung chỉ đạo chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XII của Đảng, cùng với việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI về xây dựng Đảng. Các đồng chí Bộ Chính trị, Ban Bí thư giữ gìn phẩm chất đạo đức; kiên định, vững vàng, tận tuỵ, nêu cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, làm việc có hiệu quả”. 

Tuy nhiên, theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư trên một số lĩnh vực có mặt còn hạn chế. Kinh tế vĩ mô chưa thật sự ổn định vững chắc; việc cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng còn chậm; kiểm soát nợ công, xử lý nợ xấu, bội chi ngân sách, tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước và các tổ chức tín dụng còn nhiều khó khăn. Công tác tuyên truyền có việc, có lúc chưa theo kịp những diễn biến phức tạp của tình hình. Một số vấn đề xã hội bức xúc kéo dài chưa được giải quyết có hiệu quả, dứt điểm. Đời sống nhân dân, nhất là công nhân các khu công nghiệp, khu chế xuất chậm được cải thiện. Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí chưa đáp ứng yêu cầu. Một số chủ trương của Đảng chậm được cụ thể hoá, chưa đi vào cuộc sống. Công tác xây dựng Đảng, nhất là việc ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên kết quả chưa được như mong muốn. Lãnh đạo, chỉ đạo cải cách hành chính, cải cách tư pháp có mặt chưa tiến bộ rõ rệt. 

Tổng Bí thư đề nghị Trung ương nghiên cứu kỹ Báo cáo kiểm điểm của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cho ý kiến nhận xét, đánh giá về những ưu điểm, khuyết điểm, hạn chế của Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong lãnh đạo, chỉ đạo năm 2014 và góp ý về các nhiệm vụ trọng tâm cần lãnh đạo, chỉ đạo trong năm 2015. 

Đề án tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức 

Thực hiện Kết luận 63 và Kết luận 64 của Hội nghị Trung ương 7 khoá XI, Bộ Chính trị đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện và ban hành Quy định về quản lý biên chế thống nhất của hệ thống chính trị; Ban cán sự đảng Chính phủ đã chỉ đạo Ban cán sự đảng Bộ Nội vụ và các bộ, ngành có liên quan xây dựng dự thảo Đề án và đã hai lần báo cáo Bộ Chính trị cho ý kiến chỉ đạo hoàn thiện trước khi trình Trung ương. 

Tổng Bí thư đề nghị các đồng chí trong Ban chấp hành Trung ương tại Hội nghị này đi sâu phân tích nguyên nhân vì sao từ lâu và nhiều lần, chúng ta đã bàn, đã thống nhất chủ trương và thực tế cũng đã tích cực triển khai thực hiện nhưng đến nay tổ chức bộ máy vẫn có xu hướng ngày càng phình to, biên chế tăng cao, cấp phó còn nhiều; chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chậm được cải thiện? Cái gì thuộc về chủ trương, quan điểm; cái gì thuộc về chỉ đạo thực hiện, cơ chế, chính sách, biện pháp cần phải sửa đổi, bổ sung?... 

Từ đó, Trung ương cần cho ý kiến cụ thể vào các nội dung, vấn đề nêu trong Đề án và Tờ trình; chú ý các đề xuất mới về quan điểm, cơ chế, chính sách, biện pháp có tính đột phá về tổ chức bộ máy và cán bộ của toàn hệ thống chính trị từ trung ương đến cơ sở. Phải chăng cần nêu cao hơn nữa quyết tâm chính trị trong việc hoàn thiện bộ máy tổ chức của hệ thống chính trị phù hợp hơn với điều kiện một đảng duy nhất cầm quyền, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế? 

Tinh giản biên chế cần tiến hành đồng bộ với cải cách hành chính, cải cách chế độ công vụ, công chức, viên chức ở các cơ quan nhà nước và các đơn vị sự nghiệp; đẩy mạnh cải cách các đơn vị sự nghiệp công theo hướng tăng cường xã hội hoá và quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm? Nghiêm túc thể chế hoá và thực hiện đúng các quy định của pháp luật về tổ chức bộ máy nhà nước từ trung ương đến cơ sở và hệ thống các đơn vị sự nghiệp trong cả nước... 

Đề án quy hoạch phát triển và quản lý báo chí 

Xuất phát từ ý nghĩa, tầm quan trọng đặc biệt của báo chí cách mạng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, ngay từ tháng 10-2006, Bộ Chính trị khoá X đã yêu cầu Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo chuẩn bị rà soát, điều chỉnh quy hoạch báo chí trong cả nước. Tháng 1-2014, Bộ Chính trị khoá XI đã đưa vào chương trình làm việc và thành lập Ban chỉ đạo xây dựng Đề án quy hoạch phát triển, quản lý báo chí toàn quốc. 

Khi xem xét Đề án quy hoạch phát triển và quản lý báo chí, Tổng Bí thư đề nghị các đồng chí Ban chấp hành Trung ương tập trung thảo luận làm rõ, tạo sự thống nhất cao về sự cần thiết phải xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí đến năm 2025. Đánh giá đúng kết quả, thành tích đã đạt được và những hạn chế, yếu kém còn tồn tại, những vấn đề đang nổi cộm cần tiếp tục đổi mới, khắc phục trong tổ chức, hoạt động, phát triển và quản lý của hệ thống báo chí nước ta hiện nay, bao gồm cả báo in, báo nói, báo hình và báo điện tử. Chú ý toàn diện các mặt: số lượng, chất lượng, nội dung, hình thức, nhân lực, tài chính, phương thức hoạt động kinh tế của các cơ quan báo chí và sự lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý của các cơ quan, ban, bộ, ngành có liên quan. Chỉ ra nguyên nhân khách quan, chủ quan của những kết quả, thành tích đạt được cũng như những hạn chế, yếu kém còn tồn tại. Đồng thời, cần dự báo thật sát xu thế sắp tới để từ đó xác định đúng đắn các quan điểm, mục tiêu, định hướng quy hoạch và các nhiệm vụ, giải pháp bảo đảm thực hiện thắng lợi Quy hoạch. 

Trong Tờ trình, Ban cán sự đảng Chính phủ đã đề xuất một số vấn đề cụ thể xin ý kiến chỉ đạo, mong Trung ương quan tâm cho ý kiến đối với từng vấn đề, nhất là vấn đề nâng cao chất lượng, thu gọn đầu mối, điều chỉnh cơ quan chủ quản và tăng cường công tác quản lý báo chí trong tình hình mới.