366 ngày oan trái

(ANTĐ) - Từ cầu Cai Kinh trên Quốc lộ 1A, rẽ phải vào con đường mòn dốc nối dốc, đầy ổ gà và sống trâu chừng 3 cây số là tới nhà của ông Đào Văn Nhẫn ở xóm Hồng Châu, xã Cai Kinh, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn. Ngôi nhà nằm cheo leo trên sườn đồi, bao quanh là những vạt sắn xanh um và rất nhiều cây lưu niên. Bốn bề im ắng quá. Chỉ nghe thấy gió và tiếng chim ríu rít đâu đây. Nhưng ít ai biết rằng, trong ngôi nhà này, giông bão đã đi qua 15 năm và đến hôm nay, nỗi đau dường như còn nguyên vẹn...

366 ngày oan trái

Kỳ 1: Lật lại hồ sơ một vụ án

(ANTĐ) - Từ cầu Cai Kinh trên Quốc lộ 1A, rẽ phải vào con đường mòn dốc nối dốc, đầy ổ gà và sống trâu chừng 3 cây số là tới nhà của ông Đào Văn Nhẫn ở xóm Hồng Châu, xã Cai Kinh, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn. Ngôi nhà nằm cheo leo trên sườn đồi, bao quanh là những vạt sắn xanh um và rất nhiều cây lưu niên. Bốn bề im ắng quá. Chỉ nghe thấy gió và tiếng chim ríu rít đâu đây. Nhưng ít ai biết rằng, trong ngôi nhà này, giông bão đã đi qua 15 năm và đến hôm nay, nỗi đau dường như còn nguyên vẹn...

Ngọn đồi - nơi xảy ra vụ án mạng 17 năm về trước
Ngọn đồi - nơi xảy ra vụ án mạng 17 năm về trước

Thoạt nhìn, ông Nhẫn già hơn so với tuổi 70 của mình với bước đi chậm chạp, khuôn mặt hằn nếp thời gian cùng mái tóc và bộ râu bạc trắng. Đôi tai ông có phần nghễnh ngãng nên cuộc trò chuyện càng khó khăn hơn. Chắp nối rất nhiều những mẩu vụn của quá khứ, cuối cùng, tôi cũng phần nào biết được những biến cố xoay quanh cuộc đời ông. Từng tiếp xúc với rất nhiều mảnh đời bất hạnh, oan ức, nhưng với ông, điều khiến tôi nhớ hơn cả lại chính là những bi kịch ông đã trải qua, sự lăn lộn mưu sinh và trách nhiệm lớn lao của một người đàn ông trụ cột trong gia đình.

... Ông sinh năm 1940 tại xã Tự Nhiên, huyện Thường Tín, Hà Nội. 18 tuổi ông xin vào làm công nhân địa chất ở Bộ Thủy lợi. Tuổi trẻ thích bay nhảy, được đóng góp nhiều cho đất nước nên trong những năm làm địa chất, ông và đồng nghiệp đã đặt chân đến không biết bao nhiêu những vùng đất xa xôi của Tổ quốc. Rồi ông lấy vợ, một cô gái đảm đang tên là Trần Thị Gắng. 5 đứa con lần lượt ra đời khiến cuộc sống gia đình ngày càng khó khăn, túng thiếu. Một mình bà bươn chải không thể gánh hết những nỗi lo chồng chất nên năm 1976, ông xin về nghỉ mất sức, hai vợ chồng cùng bàn tính những kế hoạch lâu dài.

Đầu năm 1980, sẵn có một số mối quan hệ từ trước, một mình ông lặn lội lên vùng Hữu Lũng, Lạng Sơn làm nương, phát hoang. Hồi đó nơi đây còn hoang vu lắm. Bao quanh những ngôi nhà nép mình bên sườn đồi là bạt ngàn rừng rậm, vắng người qua lại. Ông không nề hà bất cứ việc gì. Nhà nào có việc cần thuê, ông làm hết, miễn là có tiền gửi về cho vợ nuôi các con. Bà Gắng cũng là người đàn bà chịu thương, chịu khó. Đất làng chật chội khó kiếm sống, bà tình nguyện đi xây dựng vùng kinh tế mới ở Lâm Đồng. Gần hai năm sau, bà lại trở về quê.

Phải đến năm 1985, khi đã dựng được một nếp nhà và phát hoang mấy sào đất trồng trọt, ông mới đưa vợ con lên sống tại đây. Là quê hương thứ hai nhưng nó gắn bó với gia đình ông lâu nhất và cũng là nơi mang lại cho ông nhiều nỗi đau nhất, như một định mệnh nghiệt ngã của cuộc đời.

... Năm 1990, người con trai thứ hai của ông là Đào Văn Nguyên vừa tròn 20 tuổi, không đi thoát ly mà ở nhà làm ruộng. Nguyên và Trần Thị Thúy cùng xóm  Hồng Châu có quan hệ yêu đương, được hai gia đình nhất trí cho qua lại, tìm hiểu nên tình cảm hai người càng gắn bó, thân thiết. Bố mẹ Nguyên cũng sang nhà Thúy dạm ngõ, bàn nhau những kế hoạch cho đôi bạn trẻ và nếu không có những biến cố xảy ra, hẳn hai người sẽ nên vợ thành chồng vào dịp cuối năm ấy.

Khoảng tháng 5-1992, chị Thúy quen với anh Trần Mạnh Hà, làm phụ xe ôtô mà mẹ chị Thúy và mẹ Nguyên thường theo xe lên Đồng Mỏ bán dứa. Từ lúc Thúy biết anh Hà, Nguyên đã thấy có một điều gì đó bất ổn. Nguyên lén theo dõi và thấy giữa Thúy và Hà mỗi lần gặp nhau thường chuyện trò rất vui vẻ. Thậm chí, Hà còn tặng Thúy một chiếc nhẫn bằng đồng. Vào thời đó, nam nữ quan hệ và tặng nhau những món quà như thế thường bị người khác nghĩ là rất thân thiết. Mỗi lần nhìn thấy cảnh tượng này, máu trong người Nguyên lại sôi lên. Không cần tìm hiểu kỹ mọi vấn đề cũng như tìm cảm thật của Thúy với Hà, Nguyên cho rằng Thúy đã phản bội tình yêu. Tuổi trẻ sốc nổi và dại dột, Nguyên không thể chấp nhận được và tìm cách trả thù.

Tối 5-11-1992, Nguyên sang nhà và rủ Thúy lên đỉnh đồi ngồi tâm sự đến 2h sáng mới về. Chiều tối hôm sau, Nguyên lại đạp xe sang nhà Thúy, đèo Thúy đến nhà một người quen xem video. Trước khi đến nhà Thúy, Nguyên dừng xe ở một quán ven đường ăn bát mỳ tôm, uống một cốc rượu rồi mới đi tiếp. Tới nơi, thấy cả nhà Thúy đang ăn cơm, Nguyên ngồi trên giường chờ và nhìn thấy một con dao đặt ở đầu giường liền giấu con dao vào người. Sau đó, Nguyên đèo Thúy đến xem video ở nhà ông Nguyễn Văn Thanh. Xem xong thì trời đã khuya, hai người không về nhà ngày mà lại lên bãi cỏ đêm hôm trước đã ngồi tâm sự.

Ngồi với nhau một lúc, Nguyên lại căn vặn Thúy về quan hệ giữa Thúy với Hà khiến Thúy rất khó chịu dẫn đến việc hai người to tiếng. Thúy khẳng định với Nguyên là không hề có chuyện đó nhưng Nguyên không tin. Bất ngờ, Nguyên rút con dao đâm liên tiếp vào khắp người Thúy. Thấy Thúy kêu rên, vật vã, Nguyên bỏ chạy xuống sườn đồi, vứt dao và về nhà lấy quần áo, ra ga đi về quê ngoại ở Hưng Yên bỏ trốn.

Mãi đến 10 ngày sau, gia đình Thúy mới phát hiện xác con gái mình trên đỉnh đồi đang thời kỳ phân hủy mạnh.

Tại bản án sơ thẩm số 17 ngày 30-3-1994 của TAND tỉnh Lạng Sơn đã tuyên phạt Đào Văn Nguyên 20 năm tù về tội giết người. Buộc bị cáo bồi thường cho gia đình ông Trần Văn Niên ở Hồng Châu, Cai Kinh, Hữu Lũng, Lạng Sơn về tiền mai táng phí đã bỏ ra là 3,5 triệu đồng. Ngay sau đó, đại diện gia đình bị hại, ông Trần Văn Niên đã liên tiếp gửi đơn kháng cáo với nội dung: Xét lại tội trạng của bị cáo vì ông cho rằng bị cáo còn có dấu hiệu phạm tội hiếp dâm. Ngoài ra, ông cũng đề nghị tòa phúc thẩm tăng mức bồi thường bởi số tiền 3,5 triệu đồng án sơ thẩm quyết định gia đình không nhất trí.

Ngày 19-5-1994, Tòa phúc thẩm TANDTC đã xét xử vụ án trên. Bản án nhận định: Hành vi phạm tội của bị cáo Đào Văn Nguyên là đặc biệt nghiêm trọng. Bởi vậy, việc xét xử nghiêm khắc đối với bị cáo là điều cần thiết. Tuy nhiên, án sơ thẩm phạt bị cáo 20 năm tù là có phần nhẹ. Song, sau khi án sơ thẩm xét xử không bị kháng nghị yêu cầu tăng án. Đại diện gia đình nạn nhân kháng cáo đề nghị xét lại tội trạng của bị cáo. Ông Niên cho rằng, ngoài tội giết người thì còn có dấu hiệu tội hiếp dâm, yêu cầu tăng mức bồi thường.

Nỗi đau thể xác và tinh thần khiến sức khỏe vợ chồng ông Nhẫn ngày càng suy sụp
Nỗi đau thể xác và tinh thần khiến sức khỏe vợ chồng ông Nhẫn ngày càng suy sụp

Tại phiên tòa phúc thẩm, lúc đầu gia đình bị hại yêu cầu tăng mức án, đề nghị xử phạt bị cáo mức án tử hình. Nhưng sau khi đại diện VKS phát biểu kết luận, ông Niên lại thay đổi ý kiến và ông trình bày, về tội danh và mức hình phạt ông không có ý kiến gì và đề nghị tòa giữ nguyên mức hình phạt 20 năm tù như án sơ thẩm đã tuyên với bị cáo. Còn phần bồi thường, ông đề nghị tăng lên 10 triệu đồng. Đây là đề nghị chính đáng, xét thấy cần được chấp nhận. Vì các lẽ đó, án phúc thẩm quyết định: xử phạt bị cáo Đào Văn Nguyên 20 năm tù về tội giết người, buộc bị cáo phải bồi thường cho ông Trần Văn Niên (bố đẻ nạn nhân) 3,5 triệu đồng chi phí mai táng, 5 triệu đồng khoản mất thu nhập, tổng cộng hai khoản là 8,5 triệu đồng.

Theo tài liệu được lưu trữ tại Trung tâm Thông tin quốc gia về tội phạm thuộc Cục Hồ sơ Cảnh sát - Bộ Công an, sau khi bản án có hiệu lực pháp luật, tháng 11-1994, Đào Văn Nguyên chấp hành bản án tại Trại giam Tân Lập. Ngày 14-10-1997, Nguyên phải vào bệnh viện cấp cứu và vào hồi 23h35 ngày 15-10-1997, Nguyên đã chết vì suy hô hấp cấp.

Có thể nói, vụ án đã khép lại từ lâu khi cả nạn nhân và hung thủ giờ đã yên nghỉ dưới ba tấc đất. Song, sự việc không dừng lại ở đó bởi trong quá trình điều tra vụ án, ngày 8-12-1992, ông Đào Văn Nhẫn bị bắt theo lệnh tạm giam số 04 của VKSND tỉnh Lạng Sơn. Đến ngày 9-12-1993, VKSND tỉnh mới có Quyết định số 356 trả tự do cho ông. Nghĩa là ông đã phải sống trong trại tạm giam 366 ngày.

Vậy vì sao ông bị bắt? Qua tìm hiểu nhiều người đến nay còn nhớ lại sự việc, họ cho tôi biết rằng, hồi đó, ông bị bắt vì có thông tin cho rằng ông là người “xúi giục” con trai mình giết chị Thúy - người phản bội tình yêu để có điều kiện tìm hiểu cô gái khác tốt nết hơn. Lại có ý kiến cho rằng, sau khi Nguyên giết Thúy, ông Nhẫn còn tạo mọi điều kiện cho Nguyên bỏ trốn hoặc bao che cho con trai. Trong Quyết định trả tự do cho ông chỉ ghi vẻn vẹn mấy chữ: Đào Văn Nhẫn không có hành vi liên quan đến vụ án! và người ta còn dặn ông nhiều lần: Về nhà làm ăn tử tế và nhớ đừng có kiện tụng gì!

Khi bài viết này đến với bạn đọc, qua trao đổi với Viện trưởng VKSND tỉnh Lạng Sơn, tôi được biết, VKSND tỉnh Lạng Sơn đã có giấy mời ông lên để cùng trao đổi, thương lượng về viềc bồi thường oan sai theo Nghị quyết 388 của ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đấy là việc của ngày hôm nay, sau 15 năm ông chịu bao đắng cay, tủi nhục. Còn ngược thời gian 15 năm về trước, đó sẽ là một câu chuyện dài bởi trong những năm tháng ấy, ông và gia đình đã phải vượt qua không biết bao nhiêu khổ đau, cùng quẫn để sống, chờ đợi và hy vọng.

(Còn nữa)

Nguyễn Tuấn - Việt Cường