36 bị can bị đề nghị truy tố trong vụ Đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Có vốn đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng nhưng vừa xây xong đã hư hỏng nghiêm trọng. Riêng 65km thuộc giai đoạn 1 có tới 380 điểm hư hỏng.

Trung bình 1 km có tới 6 vị trí hư hỏng

Cơ quan Cảnh sát điều tra (CQĐT) - Bộ Công an vừa ra Kết luận điều tra vụ án “Vi phạm quy định về đầu tư xây dựng công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”, xảy ra tại Dự án Đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi.

Vụ án có 35 bị can người Việt gồm Nguyễn Mạnh Hùng, Lê Quang Hào – cùng giữ chức Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Đầu tư phát triển Đường cao tốc Việt Nam (VEC), nguyên Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu cơ sở Dự án Đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi; Hoàng Việt Hưng – Giám đốc Ban quản lý Dự án Đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi (BQL) và 32 người khác là cán bộ, kỹ sư tư vấn giám sát thuộc BQL.

Một số bị can trong vụ án.

Một số bị can trong vụ án.

Có một bị can người Nhật Bản là Takao Inami – Tư vấn trưởng, Giám đốc Văn phòng tư vấn giám sát dự án. Tất cả 36 bị can đều bị CQĐT đề nghị viện kiểm sát truy tố về tội “Vi phạm quy định về đầu tư xây dựng công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”.

Theo Kết luận điều tra, Dự án Đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi do VEC làm chủ đầu tư, có tổng chiều dài gần 140km, trong đó giai đoạn 1 của dự án dài 65km từ TP Đà Nẵng tới TP Tam Kỳ (Quảng Nam); giai đoạn 2 dài hơn 74km.

Dự án được khởi công năm 2013 và đưa vào sử dụng 65km của giai đoạn 1 từ tháng 9-2018. Tuy nhiên, khi vừa đi vào sử dụng, đường cao tốc đã xuất hiện rất nhiều điểm hư hỏng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới vận hành khai thác, gây bức xúc trong nhân dân nên CQĐT đã vào cuộc làm rõ.

Kết quả điều tra cho thấy, dự án này là công trình trọng điểm quốc gia, có vốn đầu tư rất lớn là hơn 34.500 tỷ đồng. Quá trình thi công, cả chủ đầu tư, nhà thầu, tư vấn giám sát và các đơn vị liên quan đã không thực hiện đúng quy định về pháp luật xây dựng.

Từ đó, Đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi được đưa vào sử dụng dù không đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, yêu cầu thiết kế dự án dẫn đến chất lượng công trình không đảm bảo.

CQĐT khẳng định, đến nay, riêng 65km thuộc giai đoạn 1 dự án đã có tới 380 điểm hư hỏng trên tuyến chính (trung bình 1km có 6 điểm hư hỏng).

Phân viện Khoa học công nhệ giao thông vận tải phía Nam đã giám định tư pháp và cho kết quả, chất lượng công trình không đảm bảo đúng kỹ thuật, gây hư hỏng khi vận hành nhất là trong điều kiện nắng nóng kéo dài hay mưa nắng đột ngột kết hợp tác động của trọng tải và lưu lượng xe đi qua.

Ngoài 36 bị can bị đề nghị truy tố nêu trên, CQĐT còn chuyển hồ sơ 2 gói thầu, phần thi công cho Cơ quan điều tra hình sự - Bộ Quốc phòng thụ lý.

Ông Mai Tuấn Anh – Tổng giám đóc VEC giai đoạn 2011 – 2017 và Chủ tịch HĐQT VEC giai đoạn 2017 – 2020 cũng bị CQĐT xác định có sai phạm, thiếu trách nhiệm trong công tác làm ảnh hưởng chất lượng công trình.

Cơ quan Cảnh sát điều tra – Bộ Công an đã tách hành vi liên quan sai phạm có dấu hiệu thiếu trách nhiệm của ông Mai Tuấn Anh và một số đối tượng người nước ngoài ở đơn vị thi công, giám sát ra xử lý trong giai đoạn 2 của vụ án.

Các sai phạm có dấu hiệu tội phạm trong giai đoạn 2 Dự án Đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi (dài hơn 74km) cũng được tách ra xử lý sau khi có kết quả giám định tư pháp về chất lượng công trình.

Kiến nghị bỏ tình trạng “băm nhỏ” gói thầu

Kết quả điều tra cũng cho thấy, Đường cao tốc Đà Năng – Quảng Ngãi là dự án trọng điểm, có vốn lên tới 34.516 tỷ đồng nhưng riêng giai đoạn 1 dài 65km đã có 380 điểm hư hỏng khi vừa đi vào sử dụng. Giai đoạn 2 dài hơn 74km cũng có những sai phạm nhưng được tách ra xử lý sau vì phải chờ giám định tư pháp về chất lượng công trình.

Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi vừa đưa vào khai thác đã hư hỏng nghiêm trọng.

Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi vừa đưa vào khai thác đã hư hỏng nghiêm trọng.

Quá trình điều tra, CQĐT đã phát hiện nhiều lỗi vi phạm trong quá trình thiết kế, thi công, giám sát, nghiệm thu cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi như chất lượng vật liệu kém; có dấu hiệu nhân bản, ghi khống số liệu đánh giá khả năng chịu tải; không nghiệm thu các hạng mục công trình…

CQĐT khẳng định, giá trị các hạng mục công trình không đảm bảo nhưng chủ đầu tư là Tổng công ty Đầu tư phát triển Đường cao tốc Việt Nam (VEC) cùng các đơn vị liên quan đã thanh toán số tiền hơn 811 tỷ đồng cho các đơn vị thi công.

Quá trình xử lý vụ án, CQĐT phát hiện nhiều bất cập, tồn tại, sơ hở trong công tác quản lý, thực hiện đầu tư, xây dựng nên đã tham mưu cho Bộ Công an báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải một số nội dung.

Cụ thể, cần khẩn trương rà soát hệ thống văn bản pháp luật có liên quan công tác thi công, giám sát, thanh quyết toán… Lý do, đơn vị thiết kế kỹ thuật dự án đã không tham gia vào công tác điều chỉnh thiết kế khi có phát sinh; không tham gia giám sát tác giả thiết kế…

Cũng theo CQĐT, việc lựa chọn nhà thầu nước ngoài tham gia thi công, giám sát có chi phí rất lớn nhưng thực tế lại do các đơn vị, kỹ sư người Việt Nam thực hiện ở hiện trường. Vấn đề chia nhỏ gói thầu khi thực hiện dự án làm mất kiểm soát chất lượng trong công tác thi công; phân bổ và bố trí nguồn vốn thực hiện dự án.

Để tăng hiệu quả dự án xây dựng, CQĐT cho rằng cần thể chế hóa, quy định cụ thể về năng lực, tài chính, nhân sự, máy móc… của nhà thầu phụ và các cá nhân được nhà thầu chính chọn thực hiện thi công, giám sát. Trong đó, các dự án quan trọng của quốc gia cần có quy định, điều kiện tiêu chuẩn cao hơn.

Đặc biệt, CQĐT cho rằng cần tránh tình trạng chia nhỏ các gói thầu; nhà thầu chính giao cho nhiều nhà thầu phụ (B’,B’’) không đủ năng lực dẫn tới không kiểm soát được chất lượng công trình.

Kiến nghị của CQĐT cũng cho rằng, cần tháo gỡ khó khăn về vốn để chủ đầu tư, nhà thầu thi công hoàn thành các hạng mục công trình, hoàn trả các đường công vụ, đường dân sinh, đường mượn của nhân dân nơi có dự án đi qua.