Thông tin này được đăng tải trên tờ báo Anh Financial Times số ra ngày 17-4. Các doanh nghiệp lớn của châu Âu và Mỹ lo ngại rằng việc áp đặt các biện pháp trừng phạt lên nền kinh tế Nga trong các lĩnh vực dầu khí, tài chính sẽ gây nên những hậu quả kinh tế nghiêm trọng đối với phương Tây.
Trong số các công ty phản đối việc trừng phạt kinh tế Nga có người khổng lồ dầu mỏ BP của Anh, BASF của Đức và ENI của Ý.
Tập đoàn năng lượng ENI của Ý tuyên bố rằng, châu Âu hiện đang mua 30% lượng khí đốt từ Gazprom sẽ không dám áp đặt các lệnh trừng phạt năng lượng nhằm vào Nga.
Theo tờ Financial Times, các nước châu Âu hiện chưa đưa ra được quan điểm thống nhất về vấn đề trừng phạt kinh tế đối với Nga, mà quyết định như vậy đòi hỏi phải có sự đồng thuận của tất cả 28 nước thành viên EU.

Hiện nay, Bulgaria, Phần Lan và Slovakia gần như 100% phụ thuộc vào khí đốt của Nga. Pháp, Italia và Đức phải nhập khẩu từ 20 đến 40 % khí từ Nga, còn toàn bộ EU đang phụ thuộc Nga tới gần 30%.
Hẳn Liên minh châu Âu còn nhớ, trong các năm 2006 và 2010, do tranh cãi giữa Nga và Ukraine xung quanh giá khí đốt, tập đoàn dầu khí Gazprom từng hạn chế lượng khí đốt xuất sang các nước Tây Âu và Ukraine khiến cả châu lục lao đao.
Hiện dầu mỏ và khí đốt chiếm tới 70% trong tổng số hơn 500 tỷ USD xuất khẩu hàng năm và 52 % ngân sách liên bang Nga. EU tuy giữ vai trò là thị trường tiêu thụ khí đốt lớn nhất của Nga, cung cấp sức mạnh tài chính cho Moscow, nhưng lại không thể biến khí đốt thành đòn bẩy chính trị.