28% doanh nghiệp phải trả phí ngoài luồng

ANTĐ - Đó là một trong những thông tin đáng chú ý tại Báo cáo Kết quả khảo sát năm 2015 về mức độ hài lòng của doanh nghiệp đối với thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan vừa được công bố sáng qua (12-11). 

28% doanh nghiệp phải trả phí ngoài luồng ảnh 1Nhiều doanh nghiệp phản ánh còn gặp khó khăn khi làm thủ tục hải quan (Ảnh minh họa)

Không chi sẽ bị làm khó

Cuộc khảo sát được tiến hành từ tháng 4 đến tháng 6-2015. Các doanh nghiệp tham gia khảo sát là doanh nghiệp có tần suất làm thủ tục hải quan cao. Trong số hơn 10.000 phiếu khảo sát được phát đi, đã có hơn 3.100 phiếu được các doanh nghiệp phản hồi, qua đó đưa ra các đánh giá trên các phương diện là tiếp cận thông tin, thực hiện thủ tục hành chính, kết quả giải quyết công việc và đánh giá chung về pháp luật hải quan. 

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho biết, có 94% doanh nghiệp tham gia khảo sát đánh giá sự chuyển biến của chính sách, pháp luật hải quan là tích cực. Tuy nhiên, trong việc thực hiện thủ tục hành chính hải quan, phần lớn doanh nghiệp đánh giá ở mức bình thường. Một số thủ tục doanh nghiệp đánh giá là khó và rất khó thực hiện thủ tục hoàn thuế, không thu thuế (31%) và thủ tục xem xét miến thuế (26%).

Về những khó khăn mà doanh nghiệp gặp phải trong quá trình thực hiện các thủ tục hải quan, ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng ban Pháp chế VCCI nêu rõ: “Trong quá trình thực hiện thủ tục thông quan, có 58% doanh nghiệp từng gặp khó khăn nhất định. Trong đó, có 83% doanh nghiệp cho rằng, biểu mẫu khó khai báo và hay thay đổi. 48% doanh nghiệp phản ánh việc bị yêu cầu cung cấp thông tin, giấy tờ ngoài quy định. Khảo sát cũng cho thấy, có 28% doanh nghiệp cho biết có chi trả các chi phí ngoài quy định trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan. Bên cạnh đó, 35% doanh nghiệp được hỏi từ chối trả lời câu hỏi về việc trả phí ngoài quy định vì xác định đây là vấn đề nhạy cảm”.

Đại diện VCCI nhấn mạnh, có 36% doanh nghiệp cho biết, nếu không trả chi phí ngoài quy định, có thể sẽ bị phân biệt đối xử. Đặc biệt, tại một số địa phương, 80% doanh nghiệp được khảo sát lo ngại vấn đề trên. Các doanh nghiệp cho biết, trường hợp không trả chi phí ngoài quy định, họ thường bị kéo dài thời gian làm thủ tục, bị yêu cầu bổ sung, giải trình các chứng từ không theo quy định và phải đối mặt với thái độ thiếu văn minh, lịch sự của cán bộ, công chức hải quan.  

Quản lý theo rủi ro sẽ là giải pháp  

Đánh giá về kết quả khảo sát, các chuyên gia cho rằng, kết quả cải cách thủ tục hành chính hải quan vẫn còn khoảng cách khá xa so với kỳ vọng của doanh nghiệp. Theo Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc: “Sự phối hợp giữa các cơ quan chuyên ngành khi thực hiện thủ tục hải quan đang là lực cản trong quá trình cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp”. 

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) chia sẻ: “Doanh nghiệp ngành thủy sản hiện phải liên hệ với 6 bộ, ngành trong quá trình xuất nhập khẩu. Thực tế, không phải bộ, ngành nào cũng coi doanh nghiệp là đối tác để tạo điều kiện khi làm thủ tục”.

“Các doanh nghiệp vẫn gặp vướng mắc vì quản lý chuyên ngành quá nặng nề. Chúng tôi mong Bộ Tài chính có thêm ý kiến với các bộ, ngành khác để cải cách nhanh hơn”, ông Nguyễn Hoài Nam kiến nghị. 

Theo các chuyên gia, vướng mắc trên bắt nguồn từ quy định phải có kết quả kiểm tra chuyên ngành mới được thông quan. Quy trình này có thể mất 7 đến 10 ngày trong khi có thể rút ngắn nếu chuyển sang kiểm tra sau thông quan. Nhiều bộ vẫn cho rằng, đây là biện pháp cần thiết và từ chối việc kiểm soát theo rủi ro. Các chuyên gia cho rằng, tư duy này cần phải xem xét lại bởi quản lý hàng hóa theo rủi ro chính là giải pháp quan trọng giúp tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. 

Từ góc độ quản lý, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn chỉ ra rằng: “Tỷ lệ kiểm tra chất lượng hàng hóa hiện ở mức 38% lô hàng là quá cao, trong khi hiệu quả chưa tốt. Trong khi đó, tại một số nước như Singapore, tỷ lệ kiểm tra chuyên ngành với hàng xuất nhập khẩu chỉ khoảng 8-9%. Phạm vi kiểm tra rộng trong khi chất lượng kiểm tra thấp chính là thách thức cần giải quyết”. 

Từ thực tế trên, rõ ràng, ngành hải quan cần đẩy mạnh sửa đổi nội dung liên quan đến tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, giảm tỷ lệ kiểm tra từ 38% xuống mức thấp hơn theo nguyên tắc quản lý rủi ro như đúng các cam kết của Hiệp định TPP. Cụ thể là chỉ kiểm tra với hàng hóa đến từ quốc gia có rủi ro cao. 

“Cơ quan chức năng đã có đề án kiểm tra tiêu chuẩn chất lượng và hy vọng có thể ban hành trong năm nay. Với đề án này, hàng hóa không cần kiểm tra tại chỗ có thể kiểm tra sau thông quan”, Thứ trưởng Bộ Tài chính thông tin thêm.