21 bệnh nhân phong nặng nhiều lần bị bỏ đói

ANTĐ - Mấy ngày nay xuất hiện thông tin 21 bệnh nhân phong nặng của Trung tâm Da liễu Hà Đông hiện đang điều trị tại khoa Điều trị nội trú (trụ sở tại xã Đông Yên, huyện Quốc Oai, Hà Nội) bị y bác sĩ bỏ đói, cho ăn thức ăn sống sít. Ngày 10-5, phóng viên ANTĐ đã có mặt tại đây để tìm hiểu.

Bị bỏ đói vì… hết gas

Bà Vũ Thị Bớt kể lại sự việc bị bỏ đói ngày 4-5

Cả 21 người nói trên đều là những bệnh nhân phong nặng, thuộc diện được chăm sóc toàn diện, tức được chăm lo toàn bộ quá trình ăn ở, sinh hoạt. Nhiều người trong số họ đã bị cụt tay, cụt chân, khả năng tự sinh hoạt cũng không còn. Thế nhưng chỉ vì một lý do là… nhà bếp hết gas mà các hộ lý của khoa đã phát gạo, rau, thịt sống cho người bệnh để họ tự xoay sở. Câu chuyện “lùm xùm” này được tiết lộ từ khoa Điều trị nội trú của Trung tâm Da liễu Hà Đông vào ngày 5-5 vừa qua khi một y tá của khoa đi thăm khám cho bệnh nhân phát hiện một số bệnh nhân kêu khóc vì không có cơm ăn. Dù được phát đầy đủ gạo, thịt theo tiêu chuẩn nhưng vì không còn khả năng tự sinh hoạt nên 21 bệnh nhân đành nhịn đói, một số ít được điều dưỡng hoặc những bệnh nhân nhẹ hơn giúp đỡ “cắm” hộ nồi cơm điện hoặc pha cho gói mì ăn liền…

Nằm tựa lưng vào đồi, tọa lạc trong một diện tích khá rộng và rất yên tĩnh, khoa Điều trị nội trú của BV Da liễu Hà Đông tại xã Đông Yên được phân thành 3 khu riêng biệt với tổng cộng 91 bệnh nhân. Trong đó, 70 bệnh nhân nhẹ được phân sang một khu, 21 bệnh nhân mắc bệnh nặng không còn khả năng tự sinh hoạt được phân sang khu riêng. Tại trung tâm này có không ít bệnh nhân đã gắn bó gần như cả đời với phòng bệnh, như trường hợp ông Bùi Văn Hữu (66 tuổi, ở thị trấn Phùng) vào điều trị từ năm 1969 khi mới ngoài 20 tuổi đời. Thế nhưng vài năm trở lại đây, những rắc rối, bất đồng giữa người bệnh với y bác sĩ, hộ lý bắt đầu xuất hiện. Qua phản ánh từ những bệnh nhân với chúng tôi, đây không phải là lần đầu tiên họ bị bỏ đói, cũng không phải lần đầu họ bị các hộ lý của khoa đối xử nhẫn tâm.  

Kể lại với chúng tôi câu chuyện xảy ra sáng 4-5, giọng bà Vũ Thị Bớt, 89 tuổi (mắt mờ, chân cụt, 2 tay dính vào nhau) bùi ngùi: “Sáng đó khi các hộ lý mang đến phòng 5 lạng gạo, một vài miếng thịt sống cùng ít rau, tôi hỏi thì các cô ấy trả lời hết gas không nấu được nên phát đồ sống cho chúng tôi muốn làm thế nào thì tùy. Tôi được một hộ lý cắm giúp nồi cơm và hấp thịt nhưng trưa đó tôi mệt và tủi thân quá nên cũng không ăn được miếng nào, cả chiều chỉ nằm khóc…”. Thực tế, trong những tháng cuối năm 2011, những bệnh nhân phong ở đây cũng đã bị nợ tiền ăn đến 3, 4 tháng, ngay đến tiêu chuẩn về quần áo họ cũng bị nợ, không được phát đầy đủ. 

“Cái lý” của y bác sĩ 

Khi đề cập đến việc cán bộ trung tâm bỏ đói bệnh nhân, ông Vũ Văn Trình, Phó Giám đốc Trung tâm Da liễu Hà Đông thừa nhận sự việc trên là hoàn toàn có thật. Ông kể: “Ngày 4-5, tôi có cuộc họp trên Sở nên không có mặt tại Trung tâm. Trên đường đi, tôi nhận được điện thoại từ khoa Điều trị nội trú thông báo về việc bếp ăn bị hết gas. Ngay lập tức tôi đã chỉ đạo nhân viên lấy số điện thoại ghi trên bình để gọi gas. Nhưng sau đó, họ không gọi được gas và cũng không báo cáo lại dẫn đến sự việc đáng tiếc trên”. Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi lại ai là người chỉ đạo thực hiện phương án phát thịt sống, rau sống cho bệnh nhân tự xoay sở, ông Trình cũng thừa nhận đó là quyết định của mình nhưng chỉ là giải pháp tình thế. Hơn nữa, do đặc thù các bệnh nhân phong ở đây đều đã gắn bó với trung tâm lâu năm, nhiều người tự nấu ăn được và đã tự trang bị nồi niêu… nên “nhiều khi họ còn thích được tự nấu ăn để phù hợp khẩu vị” - ông Trình phân trần.

Nếu như ông Trình đã nhận khuyết điểm trước Sở Y tế về lỗi trong chỉ đạo của mình khiến các bệnh nhân bị bỏ đói thì bác sĩ Nguyễn Quốc Hồng, Trưởng khoa Điều trị nội trú, người gắn bó trực tiếp với các bệnh nhân nơi đây lại khẳng định không có việc bỏ bê chăm sóc bệnh nhân. Theo ông Hồng, cán bộ y bác sĩ của trung tâm đều rất khổ tâm vì phận “làm dâu trăm họ” khó mà làm hài lòng hết mọi người được. Ông Hồng nói: “Đối với những người đồng bệnh đôi khi chăm sóc nhau còn cãi vã chứ chưa kể hộ lý, khó mà làm vừa lòng hết toàn bộ. Nhiều bệnh nhân ở đây không chỉ mắc bệnh phong mà còn gặp nhiều bệnh khác. Có người cho ăn rồi lại bảo là chưa, phát tiền hôm trước hôm sau lại đòi tiếp”. Ông Hồng cũng trần tình thêm về việc phát gạo, thịt sống cho bệnh nhân tự xoay sở bữa ăn: “Mỗi bệnh nhân được phát tiêu chuẩn 15kg gạo và 300.000 đồng tiền ăn trong 1 tháng. Có những bệnh nhân tự nấu ăn được, họ muốn tự nấu ăn để bớt gạo, bớt tiền ăn nhằm có thêm tiền sinh hoạt như mua sợi chỉ cái kim, hoặc họ muốn đổi bữa sang ăn mì, phở, ngũ cốc…”. 

Cũng theo báo cáo từ lãnh đạo trung tâm này, sở dĩ có sự việc bỏ đói bệnh nhân vì… hết gas là do Trung tâm mới triển khai đun nấu bằng gas cách đây 2 tuần. “Do mới triển khai đun nấu bằng gas nên tình huống hết gas chưa được nghiên cứu và đưa quy định trong nội quy. Vì vậy, khi trục trặc xảy ra đã dẫn tới việc xử lý không đúng” - lãnh đạo Trung tâm nhận khuyết điểm và hứa “sẽ rút kinh nghiệm”.

Tạm thời đình chỉ điều hành của ông Vũ Văn Trình

Chiều 10-5, ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, Sở đã có quyết định tạm thời đình chỉ việc quản lý, điều hành đối với ông Vũ Văn Trình, Phó Giám đốc Trung tâm da liễu Hà Đông kiêm phụ trú để kiểm điểm làm rõ trách nhiệm. Đồng thời Sở cũng lập tức chỉ đạo BV Da liễu Hà Nội cử một kíp bác sĩ và 1 kíp điều dưỡng xuống tăng cường, hỗ trợ Trung tâm Da liễu Hà Đông rà sát lại quy trình điều trị, chăm sóc bệnh nhân, đảm bảo hoạt động tại khoa nội trú trở lại bình thường. Trước đó, ngay sau khi có thông tin về vụ việc ngày 4-5, chiều 5-5, Sở cũng đã lập tổ công tác do Phó Giám đốc Sở trực tiếp xuống khoa điều trị nội trú của Trung tâm Da liễu Hà Đông để kiểm tra, xác minh thông tin và kịp thời chỉ đạo hướng giải quyết.