20 năm tù cho tiến sĩ tâm lý… quỵt nợ

ANTĐ - Đứng trên bục giảng của một trường đại học nghệ thuật ở Thủ đô với học vị tiến sĩ, nhưng Trương Thị Bích Hà (SN 1954, trú ở phường Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội) không chịu bằng lòng với những gì đang có. Sa đà vào làm ăn, nữ tiến sĩ này đã vay mượn tiền, tài sản của nhiều người rồi quỵt nợ.

Trương Thị Bích Hà tại phiên tòa ngày 14-9

Từ mối quan hệ thân thiết, tháng 9-2005, Trương Thị Bích Hà vay của bà Lê Thu Hiền (cùng trú ở phường Mai Dịch) 120.000 USD để làm ăn với cam kết sẽ hoàn trả sau 1 tháng cùng lãi suất 1,3%. Tuy nhiên, hết thời hạn vay và sau vô số lần gia hạn, Hà vẫn không chịu thanh toán tiền cho chủ nợ. Không còn cách nào khác, bà Hiền buộc phải làm đơn trình báo cơ quan công an về hành vi “thất tín” của người bạn.

Để vay được số tiền trên, Hà đã phải dùng giấy chứng nhận QSDĐ của mẹ đẻ và “mượn” giấy nộp tiền đặt cọc mua căn hộ chung cư cao cấp của người khác để thế chấp cho bà Hiền. Khi không trả được tiền, Hà đã lập giấy bán căn hộ cao cấp này cho chủ nợ. Khi làm thủ tục mua bán, bà Hiền “ngã ngửa người” vì căn hộ mà Hà đứng bán không phải của đối tượng và giấy đặt cọc mua căn hộ dùng để thế chấp cũng không còn giá trị. Trớ trêu là trước đó, vì quá tin vào những lời “đường mật” của nữ tiến sĩ tâm lý, bà Hiền đã chấp thuận cho Hà “xin” lại giấy chứng nhận QSDĐ “cầm cố”…

Giống như bà Hiền, ông Nguyễn Bính (trú ở phường Ngọc Khánh, Ba Đình) cũng phải “ngậm đắng nuốt cay” khi trót gửi niềm tin vào vị “tiến sĩ tâm lý” là Trương Thị Bích Hà. Khoảng 2-2009, ông Bính đưa con trai đến phòng tư vấn tâm lý của Hà điều trị bệnh. Để trả ơn “bác sĩ tâm lý”, tháng 5-2009, gia đình ông Bính đã không ngần ngại cho Hà mượn “nóng” 30.000 USD, trong khi chỉ cầm giữ mỗi CMND và sổ hộ khẩu gia đình làm tin. Một thời gian sau, do cần dùng đến giấy tờ tùy thân nên Hà đã mượn giấy chứng nhận QSDĐ của một người ở Đông Anh, đồng thời giả mạo hợp đồng mua bán mảnh đất đó để thế chấp cho ông Bính thay sổ hộ khẩu gia đình. Tính đến thời điểm bị khởi tố và bắt giữ theo lệnh truy nã, toàn bộ số tiền vay mượn của ông Bính, Trương Thị Bích Hà vẫn chưa hoàn trả cho “khổ chủ” một đồng nào.

         

Không dừng ở 2 trường hợp trên, lợi dụng “mác” tiến sĩ, vị thế giảng viên của một trường đại học và cùng với những lời hứa hẹn “chắc như đinh đóng cột”, Hà còn chiếm đoạt tiền, tài sản của 4 nạn nhân khác bằng những thủ đoạn hùn vốn đầu tư, vay mượn trả lãi suất cao và bán nhà, đất “ảo”. Đáng buồn hơn, tất cả những bị hại trong vụ án đều là người thân quen hoặc đồng nghiệp với đối tượng.

Quá trình điều tra, cơ quan công an đã làm rõ từ tháng 12-1995 đến tháng 5-2009, Trương Thị Bích Hà đã lạm dụng lòng tin để chiếm đoạt tài sản của 6 cá nhân với tổng số tiền lên đến 2 tỷ 895 triệu đồng. Từ kết quả điều tra, VKSND TP Hà Nội đã cáo buộc và truy tố Trương Thị Bích Hà ra trước tòa án cùng cấp về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, theo điểm a, khoản 4, Điều 140-BLHS.

Tại phiên tòa sơ thẩm hôm qua (14-9), Trương Thị Bích Hà thành khẩn khai nhận lại toàn bộ hành vi chiếm đoạt tài sản của mình đối với các bị hại theo như truy tố. Lý giải về động cơ phạm tội, bị cáo nại ra rằng do làm ăn thua lỗ. Do hành vi phạm tội của Hà là rất rõ ràng nên luật sư bào chữa cho bị cáo nhìn nhận ý thức chiếm đoạt tài sản của bị cáo chỉ hình thành khi chuyện làm ăn đổ bể. Ngoài ra cũng chỉ biết đề nghị HĐXX xem xét các tình tiết về nhân thân và sự thành khẩn khai nhận để giảm nhẹ hình phạt khi lượng hình.

Từ nhận định chỉ vì muốn có thật nhiều tiền để thỏa mãn nhu cầu cá nhân, bị cáo đã không từ thủ đoạn vay mượn tiền, tài sản của nhiều người rồi chiếm đoạt, TAND TP Hà Nội đã tuyên phạt Trương Thị Bích Hà 20 năm tù. Mức án này cao hơn hẳn đề nghị của đại diện VKS trước đó, từ 14 - 15 năm tù giam.