20% cơ sở hành nghề y dược cổ truyền có sai phạm

(ANTĐ) - Theo thống kê của Bộ Y tế, tính đến thời điểm này cả nước có gần 8.000 cơ sở chẩn trị, điều dưỡng, phục hồi chức năng bằng y dược cổ truyền (YDCT). Nhìn chung, mạng lưới YDCT còn mỏng, nhân lực hoạt động trong lĩnh vực này còn thiếu và yếu, sai phạm cũng khá phổ biến.

20% cơ sở hành nghề y dược cổ truyền có sai phạm

(ANTĐ) - Theo thống kê của Bộ Y tế, tính đến thời điểm này cả nước có gần 8.000 cơ sở chẩn trị, điều dưỡng, phục hồi chức năng bằng y dược cổ truyền (YDCT). Nhìn chung, mạng lưới YDCT còn mỏng, nhân lực hoạt động trong lĩnh vực này còn thiếu và yếu, sai phạm cũng khá phổ biến.

Kiểm nghiệm thuốc đông dược tại Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương

Kiểm nghiệm thuốc đông dược tại Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương

Kiểm tra ra nhiều sai phạm

PGS.TS Phạm Vũ Khánh, Vụ trưởng Vụ YDCT - Bộ Y tế cho biết, thời gian gần đây Vụ YDCT phối hợp với Thanh tra Bộ đã chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra và xử lý sai phạm trong các cơ sở hành nghề YDCT tư nhân, đặc biệt tại các cơ sở có thầy thuốc nước ngoài tham gia khám chữa bệnh. Cụ thể, năm 2008, đã thanh, kiểm tra 2.844 cơ sở, phát hiện 593 cơ sở có vi phạm (chiếm 20,9%). Năm 2009, qua thanh, kiểm tra 3.620 cơ sở phát hiện 686 cơ sở có vi phạm (chiếm 19%). Mức độ sai phạm ngày càng nghiêm trọng hơn khi có đến 87 cơ sở (chiếm 13%) bị đình chỉ hành nghề trong năm 2009, số tiền phạt cũng tăng gấp rưỡi so với năm 2008. Nhờ vậy số cơ sở hoạt động YDCT không phép đã giảm mạnh đến hơn một nửa trong vòng 2 năm vừa qua.

Lỗi vi phạm chủ yếu tại các cơ sở hành nghề YDCT tư nhân gồm: hành nghề không phép, quảng cáo không đúng sự thật, dược liệu kém chất lượng… Hàng năm, cả nước sử dụng khoảng 50.000 tấn dược liệu, trong đó nguồn dược liệu nhập khẩu từ Trung Quốc theo con đường phi mậu dịch chiếm tỷ trọng lớn.

Một số dược liệu nhập không rõ nguồn gốc, không rõ tiêu chuẩn, không có phiếu kiểm nghiệm. Đáng nói, do loại hình dịch vụ trong lĩnh vực YDCT ngày càng đa dạng và phát triển nên kéo theo đó các sai phạm trong hành nghề YDCT cũng ngày càng phong phú, khó quản lý. Thực tế, công tác phát triển dược liệu còn mang tính tự phát, chất lượng dược liệu chưa tốt và chưa được kiểm soát thường xuyên. Mới đây nhất (đầu năm 2010), các cơ quan chức năng đã liên tục phát hiện nhiều mẫu chi tử nhiễm Rohdamin B - một chất có nguy cơ gây ung thư.

Báo cáo từ các địa phương về Vụ YDCT cũng cho thấy, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc YDCT ở nước ta hiện nay chủ yếu là hộ gia đình, sản xuất nhỏ, việc đầu tư còn hạn chế dẫn đến gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện lộ trình thực hành tốt sản xuất. Hơn nữa, việc quản lý nhà nước đối với các cơ sở khám chữa bệnh bằng YDCT còn chưa chặt chẽ, đặc biệt là các cơ sở có thầy thuốc nước ngoài hành nghề.

Sẽ “chuẩn hóa lương y”

Ngoài các nguyên nhân do ý thức của chủ các cơ sở hành nghề YDCT chưa cao, nhận thức của người dân về khám chữa bệnh bằng thuốc YDCT còn hạn chế, một nguyên nhân quan trọng khác khiến tình trạng sai phạm trong YDCT còn phổ biến và khó khắc phục chính là do lĩnh vực này chưa thực sự được quan tâm, đầu tư đúng mức. Đại diện Vụ YDCT - Bộ Y tế cho biết, việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về YDCT còn chậm, một số văn bản không còn phù hợp dẫn đến tình trạng vướng mắc trong quá trình triển khai. Trong khi đó, hệ thống quản lý còn mỏng, trình độ cán bộ quản lý chưa tốt, một số địa phương chỉ có cán bộ bán chuyên trách. Sự phối hợp giữa các địa phương và các ban, ngành của địa phương trong lĩnh vực này chưa chặt chẽ, kém hiệu quả…

Theo Vụ YDCT, ngoài các BV YDCT Trung ương và ngành, hiện 78,4% số tỉnh/thành trên cả nước đã có BV YDCT tỉnh và mạng lưới khám chữa bệnh bằng YDCT đến tận cấp xã. Về mạng lưới ngoài công lập, hiện có 3 BV YDCT tư nhân, 7.380 cơ sở chẩn trị YDCT, 582 cơ sở điều dưỡng, phục hồi chức năng bằng YDCT. Thế nhưng hệ thống quản lý lĩnh vực này hiện quá mỏng, mới chỉ có 2/51 tỉnh (số địa phương có báo cáo), Sở Y tế đã thành lập được phòng quản lý YDCT (chiếm 3,9%), cũng còn đến hơn 43% số tỉnh/thành chưa có chuyên viên chuyên trách về lĩnh vực YDCT.

Trình độ nhân lực theo dõi công tác YDCT tại các Sở Y tế cũng còn rất yếu khi chỉ có 5,9% số Sở Y tế có dược sĩ đại học, 26% có bác sĩ YDCT. Do trình độ YDCT còn hạn chế nên đại đa số cán bộ bán chuyên trách không thể tham mưu đầy đủ, kịp thời cho lãnh đạo sở, phòng (hoặc Trung tâm Y tế) triển khai các mặt công tác YDCT một cách toàn diện.

PGS.TS Phạm Vũ Khánh cho biết, trước tình trạng trên Bộ Y tế đã xây dựng và đang trình Chính phủ phê duyệt kế hoạch “chuẩn hóa lương y”. Theo đó, thời gian tới ngành y tế sẽ xây dựng mã ngạch về đào tạo lương y, xây dựng chương trình đào tạo về lương y, mở mã ngạch công chức về YDCT… Đây sẽ là giải pháp hữu hiệu để nâng cao chất lượng ngành YDCT cũng như quản lý tốt hơn lĩnh vực này, góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân.              

      Duy Tiến