2 triệu dân có... 27 trường học

ANTĐ - Hà Nội sẽ có hơn 2 triệu dân sống tại các khu đô thị mới, tức là bằng một nửa dân số Hà Nội trước mở rộng nhưng số trường học hiện có mới dừng ở con số 27! Thế nên, nếu không có những động thái quyết liệt ngay từ bây giờ, TP Hà Nội sẽ phải đối mặt với nguy cơ thiếu trầm trọng trường học ở tất cả các cấp bậc học tại các khu đô thị trong vài năm tới.

Với sức ép của quá trình đô thị hóa, các trường học trong khu vực

nội thành cũng đang rơi vào tình trạng quá tải


Đô thị mới “ép” đô thị cũ

Hiện Khu đô thị Mỹ Đình - Mễ Trì (huyện Từ Liêm), quy mô khoảng 9 nghìn dân, đã có trên 4.000 người tới ở nhưng thiếu cả 3 loại trường học (mầm non, tiểu học và THCS, THPT). Trạm y tế, trụ sở công an hay cơ quan hành chính cũng chưa có, nhà văn hóa, điểm vui chơi của các cháu chưa biết bố trí chỗ nào... Trong 3 ô đất dành xây trường học, một ô rộng 8.900m2 dành xây trường THPT mới được thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư. Một ô rộng 4,395m2 để xây trường mầm non đã giao trường Mầm non tư thục Vườn Xanh làm chủ đầu tư từ năm 2008 nhưng nay vẫn chưa xây dựng gì. Ô đất thứ ba, rộng 11.600m2 dành để xây trường tiểu học hiện nay cũng bỏ không, còn chưa xác định được chủ đầu tư.

Rà soát mới nhất của UBND TP Hà Nội cho biết, tình trạng thiếu trường học như Khu đô thị Mỹ Đình - Mễ Trì không phải hiếm gặp. Hầu hết các khu đô thị đã có người tới ở hiện nay đều chưa hoàn thành đồng bộ hệ thống trường học. Rà soát 10 khu đô thị cho thấy, theo quy hoạch có 38 trường học nhưng mới xây dựng, đưa vào sử dụng 27 trường, trong đó, có 4 trường công lập, tỷ lệ 10,5%. Nổi lên trong số những khu nhà ở thiếu trường học là Khu đô thị Mỹ Đình - Mễ Trì, Khu đô thị Đại Kim - Định Công, Pháp Vân - Tứ Hiệp... UBND TP nhận định: “Thông thường, các chủ đầu tư chỉ quan tâm xây nhà kinh doanh để thu hồi vốn, chưa quan tâm thỏa đáng tới hạ tầng xã hội. Nhiều khu đô thị đã đưa dân vào ở nhưng không có trường học, hoặc có nhưng học phí cao, không phù hợp với điều kiện chung...”. Ghi nhận có thực tế cắt xén đất dành cho hạ tầng xã hội để xây nhà ở bán, ông Nguyễn Khánh Thăng, Phó Chủ tịch UBND huyện Từ Liêm nói: “Huyện Từ Liêm đã phát hiện ra một số trường hợp, có báo cáo UBND TP để xử lý...”.

Có đất - không xây, muốn xây - không đất

Phê bình các khu đô thị, ông Nguyễn Khánh Thăng kể khổ: “Nhiều khu không có trạm y tế, đồn công an, nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng trong khi quy mô dân số khoảng 1 vạn người (tương đương với 1 phường) là phải có các thiết chế này. Bãi đỗ xe cũng rất thiếu. Xe cộ tới khu đô thị hầu hết đỗ trên đường hoặc vỉa hè, rất lộn xộn...”. Nhiều khu đô thị mang tiếng có “chợ” nhưng lại là siêu thị cao cấp, không phải chợ dân sinh. Hệ quả là người bán - người mua tự phát hình thành nên chợ cóc lề đường. Ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị hay ùn tắc giao thông đều từ đó mà ra. Trường học cũng như vậy, không có công lập mà hầu hết là dân lập, thu học phí rất cao nên dân thường không vào học nổi.

Thừa nhận tình trạng thiếu trường ở Khu đô thị Mỹ Đình - Mễ Trì, ông Đặng Thế Đô, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Sông Đà (Sudico), chủ đầu tư dự án Khu đô thị Mỹ Đình - Mễ Trì phân trần: “Nhìn những ô đất bỏ không đó chúng tôi cũng chạnh lòng, biết là lãng phí nhưng mấy dự án này quá tầm giải quyết của công ty. Tiền vốn Sudico không thiếu nhưng trường học đâu phải cứ có tiền là xây được, nên đành phải chờ các chủ đầu tư chuyên ngành thôi...”. Nhìn vào các dự án trường học ở khu Mỹ Đình - Mễ Trì, ông Nguyễn Khánh Thăng cho rằng: “Giao đất từ năm 2008 tới nay chưa làm được gì chắc năng lực có vấn đề rồi. Thành phố cứ thu hồi và giao lại đất cho huyện Từ Liêm sẽ đầu tư xây dựng đường trường công lập cho các cháu học.” Đại diện huyện Từ Liêm còn nhấn mạnh: “Phải làm thế nào để khi xây thêm các khu đô thị mới, khu nhà ở là tăng thêm lợi ích cho người dân địa phương chứ không phải gia tăng thêm áp lực về hạ tầng xã hội lên cộng đồng dân cư sở tại...”.