Tòa nhà sứt sẹo chưa biết tới ngày nào mới được dỡ bỏ
Cuối tháng 3-2011, ngôi nhà 5 tầng tại địa chỉ 49 Huỳnh Thúc Kháng bị đổ sập, ảnh hưởng nghiêm trọng tới chung cư kề bên (51 Huỳnh Thúc Kháng), vốn là nơi an cư của 42 hộ gia đình. Sau khi sự cố xảy ra, qua khảo sát chất lượng hiện trạng công trình, Sở Xây dựng Hà Nội và đơn vị tư vấn đều thống nhất, đơn nguyên 1 (tòa nhà gồm 2 đơn nguyên) có mức độ nguy hiểm cấp D (cấp cao nhất) trong khi đơn nguyên 2 ở mức nguy hiểm cấp B.
Trước thực tế này, Sở Xây dựng Hà Nội đã kiến nghị “lập dự án đầu tư xây dựng mới công trình nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng, đáp ứng nhu cầu phục vụ dân sinh”. UBND TP Hà Nội đã chấp thuận giao Công ty CP Đầu tư phát triển nhà Hà Nội số 5 (Handico 5) làm chủ đầu tư dự án cải tạo, xây dựng nhà chung cư 51 Huỳnh Thúc Kháng. Liền sau đó, các cơ quan liên quan cũng đã phải lập phương án di dời 19 hộ gia đình khỏi tòa nhà, chuyển về nơi tạm cư tại Khu đô thị mới Đại Kim - Định Công. Tuy nhiên, hiện nay, dự án vẫn chưa có chuyển động gì ngoài việc được quây rào tôn bên ngoài. Tòa nhà nguy hiểm, với mặt tiền trống hoác, “sứt sẹo” thảm hại vẫn “nằm im” một chỗ.
Theo ông Trần Văn Can, Giám đốc Handico 5, với phương án tái định cư tại chỗ dự kiến (cho 42 hộ dân), căn hộ mới có diện tích ở ít nhất bằng 1,5 lần diện tích hợp pháp cũ (sẽ không phải trả tiền), tòa nhà mới sẽ chiếm “hết” 7 tầng nhà. Do vậy, theo tính toán của chủ đầu tư, để cân đối đủ tài chính cho dự án, quy mô tòa nhà được đề xuất cao 17 tầng và 1 tầng hầm. Diện tích 1 sàn xây dựng từ tầng 1 đến tầng 8 là 886,6m2; từ tầng 9 trở lên diện tích sàn thu lại, chỉ còn 637m2. Như vậy, tổng diện tích sàn xây dựng toàn nhà là 12.828m2 (không kể tầng hầm) với khoảng 100 căn hộ. Tổng mức đầu tư của dự án dự kiến khoảng 166 tỷ đồng.
Theo Giám đốc Handico 5, do tính chất đặc thù của dự án (công trình nhà nguy hiểm) và các hộ dân đã di dời theo phương án tạm cư, nên phía chủ đầu tư phải chủ động, khẩn trương trong triển khai dự án để các hộ dân sớm có thể trở lại nơi ở cũ. Tuy nhiên, dự án hiện nay vẫn chưa qua được “cửa” quy hoạch. Bởi theo thông tin từ Sở QH-KT Hà Nội, “chiều cao của công trình xây dựng tại khu đất cần được xem xét theo quy chế quản lý công trình cao tầng trong trung tâm thành phố, có nền tảng cơ sở là thiết kế đô thị được cấp có thẩm quyền phê duyệt”! Đây là yêu cầu cực kỳ bất lợi với dự án bởi không biết tới bao giờ một bản quy chế như vậy mới có thể được ban hành.
Dù vậy, Sở QH-KT cũng gợi mở thêm, “trong bối cảnh hiện nay, có thể cân nhắc phương án xây lại nhà 51 Huỳnh Thúc Kháng với quy mô 8 tầng, chiều vào thấp hơn 28m...”. Với “hạn mức” này, chủ đầu tư cho rằng, không đủ để bù đắp chi phí cho dự án bởi thực tế bố trí tái định cư đã hết 7 tầng nhà. “Thực tế là trên tuyến phố Huỳnh Thúc Kháng đã có một số công trình cao từ 17 - 25 tầng. Do đó, chúng tôi đề xuất UBND TP và các sở, ngành tạo cơ chế đặc thù, cho phép dự án được xây 17 tầng mới đủ cân đối đầu tư cho dự án, đáp ứng được nguyện vọng tái định cư tại chỗ cho các hộ dân...” - ông Trần Văn Can nói.
Liên quan tới dự án cải tạo lại nhà 51 Huỳnh Thúc Kháng, UBND TP Hà Nội vừa giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan khẩn trương nghiên cứu đề nghị của Handico 5, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Khôi chỉ đạo: “Căn cứ quy định của pháp luật và thực tế triển khai việc phá dỡ, cải tạo chung cư nguy hiểm này, các ngành đề xuất, báo cáo UBND TP xem xét, quyết định trong tháng 8-2012”. Ở dự án này, nếu các sở, ngành tháo được “nút thắt” quy hoạch sớm ngày nào, người dân sẽ được trở về nơi ở cũ sớm ngày đó.