Đặc nhiệm Bangladesh:

12 giờ đối đầu căng thẳng, tiêu diệt khủng bố, giải cứu con tin

ANTĐ - Cuộc khủng hoảng bắt cóc con tin kéo dài nhiều giờ tại nhà hàng Holey Artisan Bakery ở khu ngoại giao Gulshan của Thủ đô Dhaka, Bangladesh đã kết thúc sáng 2-7 khi lực lượng an ninh nước này đột kích nhà hàng, tiêu diệt 6 tay súng và giải cứu 13 con tin. Đáng tiếc là 20 người đã thiệt mạng, trong đó có người nước ngoài.

Lập hàng rào an ninh bên ngoài nhà hàng xảy ra vụ khủng bố, bắt cóc con tin

Thảm kịch trong ngày cuối cùng của tháng Ramadan

Vụ đột kích bắt đầu lúc 7h40 sáng 2-7 khi hơn 100 lính đặc nhiệm được huy động tham gia chiến dịch giải cứu con tin. Những tiếng súng nổ vang lên khi đội đặc nhiệm gồm lính biệt kích quân đội và cảnh sát được sự yểm trợ của các xe bọc thép tấn công vào bên trong nhà hàng, nơi hàng chục người nước ngoài và Bangladesh bị các tay súng bắt làm con tin.

Sau một hồi đấu súng dữ dội, lực lượng đặc nhiệm đã tiêu diệt 6 tay súng và bắt sống một tên, giải cứu thành công 13 con tin trong đó có 3 người nước ngoài và 10 người Bangladesh. “Chiến dịch giải cứu đã kết thúc. Tình hình hiện đã được kiểm soát hoàn toàn”, Đại tá Rashidul Hasan, Người phát ngôn quân đội Bangladesh cho biết. 

Cuộc đột kích trên diễn ra sau khi lực lượng an ninh phong tỏa các tuyến đường cách xa nhà hàng Holey Artisan Bakery tới 9,6km, đồng thời yêu cầu tắt đèn đường trong lúc các nhà đàm phán nỗ lực thương thuyết với những tay súng nhưng bất thành. Trước đó, vào tối 1-7, những kẻ tấn công đã xông vào nhà hàng Holey Artisan Bakery, nơi người nước ngoài thường xuyên lui tới, trong những ngày cuối cùng của tháng ăn chay   Ramadan của người Hồi giáo. 

Một nhân chứng may mắn trốn thoát nói với kênh truyền hình địa phương ATN News rằng, lúc đầu, chúng đe dọa mọi người bằng những phát súng chỉ thiên, rồi ra lệnh cho nhân viên nhà hàng tắt đèn và dùng vải đen bịt kín các camera giám sát.

“Các tay súng yêu cầu mọi người đọc thuộc lòng kinh Kôran. Những người thuộc lòng được tha. Chúng thậm chí còn cho họ ăn tối. Những người khác bị tra tấn”, ông Rezaul Karim cho biết. Tờ Hindustan Times dẫn lời Sumon Reza, nhân viên quán Holey Artisan Bakery đã kịp thoát thân, cho biết một số tay súng xông vào, bắt bếp trưởng làm con tin. “Chúng cho nổ một số quả bom, gây hoảng loạn trên diện rộng. Tôi cố xoay xở để thoát ra trong thời điểm hỗn loạn này”, anh nói.

Một nguồn tin tại hiện trường cho biết những kẻ tấn công còn ném lựu đạn vào cảnh sát. Hai cảnh sát bị bắn chết, 40 người bị thương, trong đó một số do bị bắn, một số trúng mảnh bom.

Ở bên ngoài hàng rào an ninh của cảnh sát, hơn 200 người trong đó có hàng chục người thân và bạn bè của các con tin, đã chờ đợi suốt đêm, lo lắng cho số phận của họ. Một số người nhắn tin và liên lạc với các con tin qua mạng xã hội.

Một số nhân viên nhà bếp đã tự chốt cửa phòng tắm của nhà hàng Holey Artisan Bakery và đăng ảnh lên Facebook. Soumir Roy, 28 tuổi, một trong những nhân viên, nhắn tin cho anh trai của mình rằng: “Chúng em đang ở đây, nếu có thể hãy phá vỡ bức tường phòng tắm để cứu chúng em”.

Nhưng sau khi tiếng súng và tiếng nổ từ các hoạt động giải cứu kết thúc, anh trai và chị gái của Soumir Roy không nhận được tin nhắn của Roy nữa, họ ngồi khóc bên vệ đường, chờ đợi tin tức về số phận của em trai. Xe cứu thương sau đó được nhìn thấy rời khỏi hiện trường. 

Hãng tin Reuters dẫn nguồn tin thân cận với cuộc điều tra cho biết, những kẻ tấn công đã yêu cầu tất cả những người Bangladesh đứng lên trước khi bắt đầu sát hại những người nước ngoài. Cảnh sát nói rằng, hầu hết nạn nhân bị chúng dùng dao sát hại trước khi lực lượng đặc nhiệm đột kích bên trong nhà hàng sau 12 giờ đối đầu căng thẳng với những kẻ tấn công. Trong số 20 con tin bị sát hại có ít nhất 9 người Italia, 7 người Nhật Bản và 1 người Mỹ.

Kiên quyết đấu tranh chống khủng bố

“Tất cả tay súng là người Bangladesh. 5 tên trong số chúng bị đưa vào danh sách phiến quân và các nhân viên thực thi pháp luật đã tìm cách bắt giữ chúng”, Cảnh sát trưởng quốc gia Bangladesh, Shahidul Hoque nói với các phóng viên ở Dhaka vào cuối ngày 2-7. Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã lên tiếng nhận trách nhiệm và đăng các bức ảnh mà chúng tuyên bố là những người nước ngoài bị sát hại trong vụ tấn công trên.

Tuy nhiên, phía chính quyền Bangladesh chưa xác nhận về thủ phạm đứng sau vụ tấn công. Hiện nhà chức trách nước này đang điều tra mối liên hệ giữa những tay súng và các nhóm khủng bố quốc tế. 

Vụ tấn công trên đánh dấu sự leo thang bạo lực nghiêm trọng tại Bangladesh, đất nước có 160 triệu dân, hầu hết là người Hồi giáo. Các cuộc tấn công trước đó, thủ phạm chủ yếu dùng dao phay, nhằm vào các blogger và những người theo tôn giáo thiểu số. Sau vụ tấn công hôm 1-7, Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina đã tuyên bố hai ngày Quốc tang (ngày 3 và 4-7) để tưởng niệm các nạn nhân.

Trước đó, phát biểu sau khi lực lượng an ninh kết thúc chiến dịch giải cứu con tin, Thủ tướng Hasina khẳng định Bangladesh kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố dưới mọi hình thức. Bà lên án hành động tàn ác của những kẻ gây ra vụ tấn công kinh hoàng ngay tại Thủ đô Dhaka, đồng thời hoan nghênh tất cả cơ quan an ninh đã phản ứng kịp thời khi vụ việc xảy ra.

Người Việt tại Dhaka vẫn an toàn và hạn chế đi lại

Trả lời câu hỏi về tình hình bảo hộ công dân Việt Nam, ông Lê Hải Bình - Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 3-7 cho biết, đến nay chưa có thông tin về công dân Việt Nam bị ảnh hưởng bởi vụ tấn công khủng bố tại Thủ đô Dhaka của Bangladesh.

Cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Bangladesh và nhân viên Văn phòng đại diện của Công ty FPT tại Dhaka nằm trong khu cách nơi xảy ra vụ việc khoảng 200m vẫn an toàn, được hướng dẫn hạn chế đi lại trong một thời gian, tránh đến nơi đông người sau 18 giờ hàng ngày.

Nêu phản ứng của Việt Nam trước vụ tấn công khủng bố trên, ông Lê Hải Bình nêu rõ: Việt Nam lên án các hoạt động khủng bố dưới mọi hình thức và cho rằng vụ tấn công nhằm vào dân thường là “một hành động dã man không thể chấp nhận được”.

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết. Việt Nam xin gửi lời chia buồn sâu sắc đến Chính phủ, nhân dân Bangladesh và những nước có công dân bị thiệt mạng và gia đình những người bị nạn; đồng thời tin tưởng rằng những kẻ chủ mưu sẽ sớm bị trừng trị thích đáng.