11 lao động bị lừa đi Angola: Không tìm thấy “thiên đường”

ANTĐ - Cắm “sổ đỏ”, vay nợ ngân hàng cả trăm triệu đồng, hơn chục ngư dân nghèo khó của thôn Nam Vượng, xã Ngư Lộc, Hậu Lộc, Thanh Hóa hy vọng sẽ đạt được giấc mơ đổi đời khi đi xuất khẩu lao động tại Angola. Thế nhưng sau 5 tháng, họ quay trở lại sân bay Nội Bài với thân hình tiều tụy và những ám ảnh về cuộc sống địa ngục nơi đất khách…

11 lao động bị lừa đi Angola: Không tìm thấy “thiên đường”  ảnh 1
Anh Tô Văn Phúc - nạn nhân bị lừa XKLĐ sang Angola


Giấc mơ thoát nghèo

Ngày 20-5, trong chuyến bay từ Angola (quá cảnh tại Hồng Kông, Trung Quốc) về sân bay Nội Bài có 8 hành khách đặc biệt, tất cả đều thiểu não và không một xu dính túi. Sau khi máy bay hạ cánh, 2 người trong số họ phải nhập viện khẩn cấp vì tình trạng sức khỏe vô cùng tồi tệ, trong đó có anh Tô Văn Phúc. Anh Phúc vào bệnh viện Giao thông vận tải với triệu chứng ban đầu là suy kiệt cơ thể do sốt rét ác tính, đây là hậu quả của những chuỗi ngày lang thang xứ người để tìm kiếm việc làm, dẫu rằng trước đó anh đã ký một hợp đồng đi XKLĐ đầy hứa hẹn.

Nước da mai mái, môi khô khốc, anh Phúc thều thào nói đến tận bây giờ anh vẫn không tin là mình còn sống. Câu chuyện của anh Phúc cũng bắt đầu như hàng nghìn nông dân khác, tất cả đều từ giấc mơ thoát nghèo: “11 anh em chúng tôi quê đều ở Ngư Lộc. Với người dân xã này, cái tên Nguyễn Văn Hà không hề quá xa lạ bởi anh ta là người cùng thôn, sống và làm việc tại Hà Nội, nhưng lại quá nổi tiếng bởi anh ta đã đưa hàng trăm người ở quê đi XKLĐ. Cuối năm ngoái anh Hà hứa hẹn sẽ đưa chúng tôi đi Angola làm việc với mức lương 800USD/ tháng. Đổi lại, mỗi đầu người anh ta thu tổng cộng số tiền là 136 triệu đồng. Nào ngờ, sau một thời gian dài chờ đợi, chúng tôi cũng đến được Angola, nhưng rút cuộc lại bị bỏ rơi tại đó. Và cho đến bây giờ, chúng tôi hoàn toàn trắng tay…”.

Ngày anh Phúc bước lên máy bay cũng là lúc vợ anh chị Mai Thị Nga nhập viện sinh con. Để có tiền cho chồng đi XKLĐ, chị cắn răng cắm “sổ đỏ” ngân hàng lấy tiền cho chồng làm thủ tục. Ai dè ngày trở về cả nhà lại phải tiếp tục vay tiền cho chồng nằm viện. Chị Nga đau khổ: “Quê em nghèo lắm, phần lớn chỉ biết trông vào nghề biển. Để làm thủ tục, gia đình em phải đóng tiền trước gần 1 năm rồi mới đến lượt. Trong từng ấy thời gian, tháng nào em cũng phải còng lưng trả lãi ngân hàng. Bây giờ rơi vào tình cảnh thế này, em cũng chẳng biết phải tính sao nữa”.

Câu chuyện của anh Phúc là điển hình cho cả 11 lao động cùng địa phương đã bay sang Angola vào đầu năm 2013. Đáng nói là hiện tại mới chỉ có 8 lao động về được tới Việt Nam, 3 người còn lại hiện vẫn phải tự tìm việc làm thuê để kiếm sống qua ngày. Anh Phúc bảo: “Tình hình bên đó cực kỳ rối ren, không rõ họ sẽ trụ được bao lâu nữa. Bản thân tôi cũng không nghĩ rằng mình còn giữ được mạng sống để trở về”.


11 lao động bị lừa đi Angola: Không tìm thấy “thiên đường”  ảnh 2
Đại diện các gia đình nạn nhân tố cáo sự việc với PV Báo ANTĐ


Những ngày trong địa ngục

Anh Tô Văn Cường, một nạn nhân “xuất ngoại” cùng anh Phúc kể lại câu chuyện của mình: “Sau khi nộp tiền cho anh Hà, chúng tôi đề nghị anh ta đưa cho hợp đồng lao động. Nhưng anh ta bảo, hợp đồng của chúng tôi là ký trực tiếp với công ty thuê nhân công của Angola chứ không ký với doanh nghiệp môi giới trong nước, do đó chỉ có một hợp đồng viết toàn bằng tiếng Bồ Đào Nha. Do trước đây, anh Hà cũng đã đưa rất nhiều người đi nước ngoài và không xảy ra sự cố gì nên chúng tôi rất tin tưởng. Chỉ đến khi anh em chúng tôi xuống sân bay tại Angola mà không thấy ai đón, lúc đó mọi người mới biết mình đã bị lừa”.

Không tiền, không việc làm đồng nghĩa với việc không có miếng ăn, tất cả số lao động Việt Nam này tìm cách liên lạc về nước để cầu cứu, nhưng vô vọng. Tá túc tạm trong một căn nhà hoang suốt 1 tuần, sau đó họ được một cai thầu xây dựng người Việt tự giới thiệu là người quen của Hà đến đón và đưa về công trường ở một tỉnh lẻ để làm việc. Tuy nhiên, ông chủ này tuyên bố, chỉ giúp họ làm việc tạm thời tại đây để có miếng ăn trong những chuỗi ngày chờ đợi Hà tìm cho họ một công việc mới.

Anh Cường bảo, mang tiếng làm việc cho người nước ngoài mà công việc thì vô cùng nặng nhọc và ăn uống còn kham khổ hơn thời… kháng chiến. “Chúng tôi phải ăn thứ gạo mục nát lẫn đầy phân gián - nói không ngoa - ở quê cho gà cũng chẳng thèm ăn. Hơn nữa, ở đó ban đêm, muỗi nhiều như vãi trấu. Phần lớn anh em chúng tôi ai cũng bị mắc chứng sốt rét”, anh Cường kể trong số đó có anh Phúc và anh Xuân là bị nặng nhất. “Những lúc các anh ấy lên cơn sốt, chúng tôi còn tưởng họ không qua khỏi. Ngay như anh Xuân bây giờ về Việt Nam vẫn phải đi châm cứu hàng ngày vì một chân hiện giờ cứ như bị liệt”.

Tuy nhiên, theo anh Cường, tất cả những điều đó vẫn chưa thấm gì so với tình hình an ninh tại nơi lao động Việt Nam sinh sống. “Nạn cướp bóc xảy ra liên miên, an ninh vô cùng phức tạp, chúng tôi có thể nghe thấy tiếng súng nổ suốt ngày. Giữa ban ngày, chỉ đi chợ thôi mà chúng tôi cũng bị gí súng vào đầu để cướp tiền. Ai chống cự hoặc bỏ chạy là có thể bị bắn ngay lập tức” - anh Cường nói. Không thể chịu đựng được nữa, tất cả số lao động Việt Nam liên tục gọi điện về yêu cầu Nguyễn Văn Hà phải mua vé đưa họ về nước. Sau mấy tháng trời, có lẽ do áp lực của thân nhân các lao động, Nguyễn Văn Hà buộc phải mua vé đưa 8 lao động này về Việt Nam.

(Còn tiếp)