100 năm nữa Nhật Bản sẽ biến mất trong tro bụi núi lửa?

ANTĐ - Vào ngày 20-11-2013, Hải quân Nhật đã phát hiện hòn đảo mới cùng cột khói, hơi nước mù mịt xen lẫn tro bụi và đá nóng phun lên từ miệng núi lửa phun trào dưới đáy biển ở Thái Bình Dương, cách Thủ đô Tokyo khoảng 1000km về hướng Nam. Ban đầu, hòn đảo này có đường kính khoảng 200m, nằm ngoài khơi đảo Nishinoshima thuộc quần đảo Ogasawara - chuỗi 30 hòn đảo lớn nhỏ nằm trong lãnh hải Nhật Bản.
100 năm nữa Nhật Bản sẽ biến mất trong tro bụi núi lửa? ảnh 1

Các quan chức thuộc bộ phận quản lý và theo dõi đảo mới hình thành do núi lửa cho biết, hòn đảo nhỏ này đã nối liền với một núi lửa không người khác có tên là Nishino-shima, thuộc chuỗi đảo Ogasawara (Bonin) giúp hòn đảo này đã mở rộng diện tích gấp hơn 3 lần so với kích thước ban đầu, với chiều rộng từ đông sang tây là 450m và từ bắc xuống nam là 500m. Các nhà chức trách Nhật Bản đã chính thức đặt tên cho nó là đảo Niijima. Căn cứ hình ảnh được chụp từ vệ tinh quan sát NASA, hiện nay kích thước của Niijima gấp 8 lần kích thước ban đầu và nhô khỏi mặt biển từ 20-25m. Các nhà khoa học Nhật Bản cho biết, họ hy vọng hòn đảo này sẽ tồn tại ít nhất là vài năm.

Những đợt phun trào núi lửa tương tự vào những năm 70 và 80 của thế kỷ trước từng tạo ra nhiều đảo nhỏ ở Nhật. Tuy nhiên, những hòn đảo này đã biến mất một phần hoặc hoàn toàn. Và mới đây, các nhà khoa học vừa lên tiếng cảnh báo về tình trạng núi lửa hoành hành hiện nay sẽ khiến đất nước “Mặt trời mọc” biến mất trong vòng 100 năm nữa.

Theo một nghiên cứu gần đây được thực hiện bởi các chuyên gia thuộc Đại học Kobe, Nhật Bản cho hay, ngay trong thế kỷ này sẽ có rất nhiều đợt phun trào núi lửa và một vài trong số đó thậm chí sẽ “san phẳng” Nhật Bản, khiến 127 triệu dân của nước này gặp nguy hiểm, phần lớn trong số đó có thể không sống sót. Nghiên cứu này của các nhà khoa học được cho là lời cảnh tỉnh ở một quốc gia thường xuyên xảy ra động đất, phun trào núi lửa như Nhật Bản.

Gần đây nhất vào tháng 9 vừa qua, một núi lửa mang tên Ontake nằm giữa tỉnh Gifu và Nagago đã khiến 51 người chết và một vài trong đó là trẻ em. Nhiều ngày sau khi núi lửa Ontake, nằm cách thủ đô Tokyo, Nhật Bản 200 km bất ngờ tỉnh giấc, những trận mưa tro bụi và đá tiếp tục trút xuống làng mạc nằm trên sườn núi. Nhiều công trình sập mái vì không chịu được sức nặng của tro bụi. Nhiều nạn nhân bị chôn vùi dưới lớp tro dày của núi lửa.

Núi lửa Ontake ở Nhật Bản bất ngờ phun trào sau 35 năm không có vụ phun trào lớn nào là một hiện tượng cực kỳ hiếm hoi, khiến nhà chức trách bất lực trong việc triển khai các biện pháp phòng ngừa. Thông thường thì thời gian có đủ để cảnh báo người dân sống ở khu vực ảnh hưởng đi sơ tán, hay đưa ra các lệnh cấm du khách đến những vùng nguy hiểm, nhưng vụ phun trào quá đột ngột như núi lửa Ontake thì việc cảnh báo chỉ vài phút trước khi vụ phun trào xảy ra không thể hiệu quả. Theo nhà núi lửa học Bardintzeff, thuộc Đại học Paris-Sud Orsay và Cergy-Pontoise, đây là loại phun trào núi lửa đặc biệt nguy hiểm bởi tốc độ quá nhanh của các đợt bùng nổ, khiến không có dấu hiệu nào báo trước thảm họa có thể xảy ra.

Hai chuyên gia đến từ Đại học Kobe là giáo sư Yoshiyuki Tatsumi và Keiko Suzuki - thành viên chủ chốt của nhóm nghiên cứu - đã phân tích dựa vào một núi lửa khổng lồ nằm trên đảo Kyushu. Đây là hòn đảo đã xảy ra tới 7 lần phun trào dung nham 120.000 năm qua. Theo kết quả nghiên cứu, các chuyên gia cho rằng nếu hòn đảo phía Nam Nhật Bản này phun trào, nó sẽ chôn vùi khoảng 7 triệu dân dưới dòng dung nham chỉ trong vài giờ. Đồng thời, gió Tây sẽ mang hàng triệu tấn tro bụi đến đảo Honsu – đảo chính và tập trung nhiều dân nhất (khoảng 120 triệu người) của Nhật Bản khiến cuộc sống nơi đây là điều không thể. Các nơi khác cũng sẽ bị lớp tro bụi này làm ảnh hưởng. Tỷ lệ phun trào trở lại trong vòng 100 năm tới của núi lửa là khoảng 1%.

Cho dù đây là tỷ lệ rất nhỏ nhưng các chuyên gia cảnh báo không nên đánh giá thấp nó. Bởi trong quá khứ, một dự đoán tương tự vào năm 1995 cho một trận động đất mạnh 7,2 độ richter là 1%. Năm đó, trận động đất đã tàn phá thành phố Kobe, khiến 6.400 người chết và 4.400 người bị thương. “Bởi vậy, sẽ không có gì ngạc nhiên nếu một vụ phun trào núi lửa khổng lồ xảy ra bất cứ lúc nào trong thời gian tới”, công trình nghiên cứu nhấn mạnh.