10 loại xe tăng trang bị giáp tốt nhất thế giới (1)

ANTĐ - Dù có rất nhiều hệ thống bảo vệ hiện đại khác nhau, nhưng lớp giáp xe tăng vẫn là lớp phòng về cuối cùng, đáng tin cậy nhất của bất kỳ chiếc xe tăng nào.

Tuy ngày nay có nhiều ý kiến đánh giá thấp vai trò của xe tăng trong chiến tranh hiện đại khi mà không quân với các loại đạn diệt tăng thông minh dường như đang làm chủ chiến trường. Những ý kiến này có vẻ chính xác khi chúng ta nhìn nhận lại các sự kiện lịch sử gần đây như sự bất lực của xe tăng Iraq trước hỏa lực máy bay trực thăng AH-64 Apache hay máy bay cường kích A-10 Thunderbolt hoặc thiệt hại nặng nề của lực lượng tăng thiết giáp Nga tại chiến tranh Cherchen lần thứ nhất trước các hỏa lực diệt tăng cá nhân.

Tuy nhiên, nếu vì những sự kiện trên mà coi nhẹ hiệu quả của xe tăng trong chiến tranh hiện đại thì rõ ràng là một sai lầm. Trong một cuộc chiến tranh tổng lực, mọi yếu tố phi đối xứng sẽ không còn, những chiếc trực thăng diệt tăng dễ dàng làm mưa làm gió trong chiến trường vùng vịnh những năm 90 sẽ khó có thể hoạt động thoải mái trước hỏa lực phòng không tầm thấp, tầm trung hiện đại như các hệ thống pháo bắn nhanh 35-40 mm điều khiển điện tử, những hệ thống tên lửa cơ động với xác suất diệt mục tiêu cao như Pantsir, Morfey… Thậm chí, chiến tranh du kích nội đô kiểu Cherchen lần thứ nhất cũng dần không còn phát huy tác dụng dưới hỏa lực dọn đường của pháo hạng nặng, tên lửa nhiệt áp Buratino và xe chiến đấu hộ tăng BMPT. Khi đó, các loại xe tăng với pháo lớn, giáp dày vẫn là một phương tiện bảo vệ bộ binh, phục vụ chiến thuật thọc sâu đánh chiếm vô cùng hữu hiệu.
Hiện nay, các loại xe tăng trên thế giới đều được bảo vệ bằng nhiều tầng phòng thủ. Các hệ thống phòng thủ chủ động như Trophy của Israel, Arena của Nga có khả năng bắn hạ tên lửa hay đạn phóng lựu diệt tăng. Hệ thống phòng thủ quang điện bị động như Shtora có thể đánh lạc hướng tên lửa có điều khiển. Tuy vậy, vũ khí chống tăng cũng không ngừng phát triển, tên lửa CKEM với tốc độ 2 km/s có thể dễ dàng đánh bại các hệ thống như Shtora; súng chống tăng RPG-30 với đầu đạn mồi cũng có khả năng vô hiệu hóa các hệ thống phòng thủ chủ động như Trophy, Arena, cuối cùng, chiếc xe tăng vẫn phải trông đợi vào chính lớp giáp dày của mình để sống sót giống như trong tác chiến tăng thiết giáp cách đây 70 năm.

Dưới đây là danh sách một số loại xe tăng với vỏ giáp dày hàng đầu hiện nay (dựa trên các thông số đã công bố).

10. Type-90 Kyu-Maru (Nhật Bản)

Xe tăng Type-90 bắt đầu được đưa vào biên chế của lục quân lực lượng phòng vệ Nhật Bản từ năm 1990 và hiện nay là nòng cốt chính của lực lượng xe tăng nước này . Dù có ngoại hình tương tự như xe tăng Leopard 2A4 của Đức nhưng Type-90 đã có một số cải tiến đáng kể như giảm khối lượng xe (50 tấn so với 52 tấn của Leopard 2A4), giúp xe có tỷ số công suất hp trên tấn tăng đến 30. Ngoài ra, Type-90 cũng được lắp đặt máy nạp đạn tự động giúp kíp lái xe tăng giảm xuống chỉ còn 3 người.

Xe tăng Type-90 có thiết kế tương tự Leopard 2A4 của Đức nhưng đã được người Nhật cải thiện tốt hơn rất nhiều
Xe tăng Type-90 có thiết kế tương tự Leopard 2A4 của Đức
nhưng đã được người Nhật cải thiện tốt hơn rất nhiều
Xe tăng Type-90 sử dụng loại giáp composite hỗn hợp từ rất nhiều lớp thép và gốm, giúp tăng cường khả năng chống lại các loại đạn động năng sử dụng thanh xuyên hiện đại. Tuy nhiên, do sử dụng thiết kế giáp đứng kiểu cũ, Type-90 chưa thể so sánh được với các loại xe tăng đầu bảng của các cường quốc quân sự khác. Độ dày tương ứng giáp thép đồng nhất (RHA) của lớp giáp này như sau :

- Chống lại đạn động năng (KE): Tháp pháo: 800 – 840 mm, thân trước xe: 420 mm

- Chống lại đạn nổ lõm (HE): Tháp pháo: 1.430 mm, thân trước xe: 670 mm

9. T-90S (Nga)

Xe tăng T-90S là biến thể đã biên chế đại trà hiện đại nhất của Nga hiện nay. Loại xe tăng này đã phục vụ trong quân đội Nga từ năm 1992 và đã được xuất khẩu cho nhiều nước như Algeria, Ấn Độ.

Một xe tăng T-90S biểu diễn khả năng vượt địa hình

Một xe tăng T-90S biểu diễn khả năng vượt địa hình


Là dòng tăng "nhẹ" trong số các loại MBT, T-90S chỉ có khối lượng 46,5 tấn. Xe sử dụng pháo 125 mm với thiết bị nạp đạn tự động với kíp lái ba người. Ngoài các loại đạn thanh xuyên APFSDS và đạn nổ (HEAT, HEF), xe tăng T-90S có thể sử dụng cả đạn tên lửa 9M119 Refleks-M với khả năng tiêu diệt mục tiêu từ khoảng cách tới 5 km.
Cận cảnh lớp giáp phản ứng nổ Kontakt-5 ở tháp pháo và nóc xe tăng T-90S

Cận cảnh lớp giáp phản ứng nổ Kontakt-5 ở tháp pháo và nóc xe tăng T-90S

Lớp giáp phía trong của T-90S được chế tạo từ thép composite hỗn hợp sử dụng các lớp gốm làm từ ôxit kim loại cứng xen lẫn thép. Bảo vệ phía bên ngoài của xe là giáp phản ứng nổ thế hệ hai Kontak-5 với khả năng bẻ gãy thanh xuyên, giúp khả năng chống đạn động năng của xe tăng đáng kể. Tuy vậy, do kích cỡ bé, độ dày giáp vật lý thực tế của xe cũng bị hạn chế, do đó, xe tăng T-90S chỉ có thể xếp thứ 9 trong bảng xếp hạng này. Độ dày tương ứng giáp thép đồng nhất (RHA) của lớp giáp xe tăng T-90S như sau:

- Chống lại đạn động năng (KE): Tháp pháo: 420, 750 hoặc 920 mm tùy từng vị trí , thân trước xe: 670 - 710 mm

- Chống lại đạn nổ lõm (HE): Tháp pháo: 580 – 1.350 mm, thân trước xe: 990 – 1070 mm

8.T-80U

Khác với đồng hương của mình là T-90, T-80 được phát triển từ loại xe tăng T-64 tại xưởng Omsk, vốn là loại xe tăng chỉ được sử dụng trong quân đội Liên Xô và không được xuất khẩu.

Xe tăng T-80U biên chế trong quân đội Nga

Xe tăng T-80U biên chế trong quân đội Nga

Xe tăng T-80U là biến thể hiện đại nhất được biên chế đại trà của dòng xe tăng này, được phát triển từ năm 1985. Tương tự như T-90, T-80 cũng được vũ trang với pháo 125 mm có máy nạp đạn tự động với khả năng bắn tên lửa Refleks-M qua nòng pháo.
Lớp giáp phía trước của T-80U có thể bảo vệ xe rất tốt chống lại cả đạn HE và KE

Lớp giáp phía trước của T-80U có thể bảo vệ xe rất tốt chống lại cả đạn HE và KE


Cũng được bảo vệ bằng giáp phản ứng nổ Kontak-5 như T-90S, nhưng nhờ có cấu trúc tháp pháo khác biệt, T-80U có khả năng chống lại các loại đạn tốt hơn một chút khi so sánh với T-90S. Độ dày tương ứng giáp thép đồng nhất (RHA) của lớp giáp xe tăng T-80U như sau:

- Chống lại đạn động năng (KE): Tháp pháo : 280 - 850 mm tùy từng vị trí, thân trước xe: 780 mm. Phần nóc xe: 290 – 390 mm

- Chống lại đạn nổ lõm (HE): Tháp pháo: 960 – 1.450 mm, thân trước xe: 1080 mm

7. M1A2 SEP

M1A2 SEP là phiên bản nâng cấp hiện đại nhất của dòng xe tăng M1 nổi tiếng đang phục vụ trong quân đội Mỹ hiện nay. Đã tham chiến trên nhiều chiến trường, dù có không ít phàn nàn về vấn đề động cơ hay hỏa lực, M1 vẫn là một trong những loại xe tăng được bảo vệ tốt nhất.

Xe tăng M1A2 sau khi được nâng cấp gói SEP

Xe tăng M1A2 sau khi được nâng cấp gói SEP

Gói nâng cấp SEP (System Enhancement Package – Gói nâng cấp cải tiến hệ thống) giúp bổ sung cho M1 những khối giáp composite mới, cải tiến các khoang chứa nhiên liệu cùng đạn dược. Ngoài ra, ở biến thể này, động cơ xe cũng được cải tiến để có thể sử dụng nhiều loại nhiên liệu khác nhau như xăng hay dầu diesel. Ngoài ra, các hệ thống ngắm bắn, nhìn đêm cũng được nâng cấp. Hiện tại, đã có khoảng 1.000 xe tăng M1 (kể cả loại A1 và A2) đã được nâng cấp theo gói SEP.
Một xe tăng M1A2SEP với gói nâng cấp tác chiến đô thị TUSK (Tank Survival Urban Kit)

Một xe tăng M1A2SEP với gói nâng cấp tác chiến đô thị TUSK (Tank Survival Urban Kit)


Lớp giáp bảo vệ xe M1A2 SEP cũng tương tự như các xe tăng M1 khác là loại composite đa lớp, được bổ sung thêm những lớp uranium nghèo siêu cứng, có tác dụng chống lại các loại đạn thanh xuyên của đối phương. Nhờ kích cỡ lớn, lớp giáp có độ dày vật lý cao khiến cho khả năng bảo vệ của xe tăng M1A2 SEP tốt hơn các đối thủ của nó đến từ Nga. Độ dày tương ứng giáp thép đồng nhất (RHA) của lớp giáp xe tăng M1A2 SEP như sau:

- Chống lại đạn động năng (KE): Tháp pháo: 880 - 900 mm tùy từng vị trí, thân trước xe: 560 - 590 mm. Phần thân dưới phía trước xe: 580 – 650 mm

- Chống lại đạn nổ lõm (HE): Tháp pháo : 1.310 – 1.620 mm, thân trước xe: 510 – 1.050 mm. Phần thân dưới phía trước xe: 800 – 970 mm.