Tái diễn hiện tượng đầu cơ dự án bất động sản

(ANTĐ) - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Quý Đôn nhận xét: “Chính sách mới về đất đai thoáng hơn, cởi mở hơn nhưng cũng gây không ít khó khăn cho các cơ quan quản lý".

Tái diễn hiện tượng đầu cơ dự án bất động sản

(ANTĐ) - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Quý Đôn nhận xét: “Chính sách mới về đất đai thoáng hơn, cởi mở hơn nhưng cũng gây không ít khó khăn cho các cơ quan quản lý".

Thị trường nhà đất Hà Nội ấm dần lên
Thị trường nhà đất Hà Nội ấm dần lên

Dân có quyền đòi chính quyền thực hiện đúng

- Thưa ông, Nghị định mới của Chính phủ về đất đai (Nghị định 84/CP) động chạm tới rất nhiều vấn đề nhạy cảm, Hà Nội sẽ triển khai như thế nào để đảm bảo được quyền lợi cho người dân?

- Ông Lê Quý Đôn: Hà Nội coi Nghị định 84/NĐ-CP là văn bản pháp lý rất quan trọng trong quá trình triển khai thi hành Luật Đất đai trên địa bàn. Tình hình sẽ phức tạp hơn bởi lượng công việc liên quan sẽ rất lớn.

Hà Nội sẽ sớm đưa ra các quy định chi tiết để triển khai khi Nghị định 84/NĐ-CP chính thức có hiệu lực. Quan trọng nhất là bổ sung các quy định về cấp “sổ đỏ”, việc thực hiện nghĩa vụ tài chính của người dân khi làm thủ tục cấp “sổ đỏ”, cơ chế xã hội hóa có liên quan tới đất đai, chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư, quy trình, thủ tục tổ chức GPMB, thu hồi đất...

- Đối với những trường hợp rất khó như cấp “sổ đỏ” cho đất không giấy tờ, đất cấp trái thẩm quyền, Hà Nội có xử lý rốt ráo không, thưa ông?

Ông Lê Quý Đôn - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội
Ông Lê Quý Đôn - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội

- Ông Lê Quý Đôn: Cấp “sổ đỏ” đối với đất ở Hà Nội làm khá ổn. Số lượng gia đình, cá nhân được cấp “sổ đỏ” đã lên tới 99% số đã đăng ký. Nhưng số lượng cần cấp không dừng ở đó bởi trong quá trình đô thị hóa, rất nhiều trường hợp mới sẽ phát sinh.

Ngay việc cấp “sổ đỏ” cho các tổ chức, Hà Nội cũng chưa làm được bao nhiêu. Quy định mới về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN) lần này rõ và chi tiết hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân có thể kiểm tra và đòi hỏi cơ quan chính quyền thực hiện đúng pháp luật. Đối với các trường hợp xem xét cấp “sổ đỏ” (cả khó và dễ), Hà Nội đều cư xử như nhau theo đúng các quy định pháp luật chứ không phải dễ làm khó bỏ.

Có thể nói là quy định mới chặt chẽ hơn (đối với chính quyền) nhưng lại thoáng hơn (đối với người dân) so với quy định cũ. Chẳng hạn, Nghị định 84/CP quy định đối với đất có tài sản gắn liền là công sản chỉ được phép chuyển mục đích sử dụng sau khi có thỏa thuận bằng văn bản với Bộ Tài chính chứ địa phương không được tự quyết. Rõ ràng, quy định này đã làm cho thủ tục dài thêm, phức tạp thêm.

- Nhiều dự án trọng điểm của Hà Nội đang “tắc” ở khâu GPMB, quy định mới về bồi thường hỗ trợ tái định cư có khơi thông được tình trạng trì trệ này?

-Ông Lê Quý Đôn: Đứng ở góc độ người sử dụng đất, quy định mới đã tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho họ. Nhưng đứng ở góc độ cơ quan quản lý Nhà nước, một số quy định lại có khả năng gây ra sự so sánh giữa các đối tượng sử dụng đất, gây phức tạp thêm cho công tác GPMB.

Nhưng cũng phải nhìn nhận là một chính sách mới ban hành không thể “bao” hết các loại đối tượng được nên nếu đa số được lợi thì thiểu số phải chấp hành. Hơn nữa, cũng phải có quá trình triển khai thực tế mới đánh giá toàn diện được.

Xây dựng “bộ lọc” nhà đầu tư

- Theo ông, Nghị định 84/NĐ-CP sẽ tác động như thế nào  tới thị trường bất động sản đang im ắng hiện nay?

 "Việc cho phép chuyển nhượng dự án có thể sẽ gây nên trào lưu đầu cơ dự án đất đai mới”.

PCT UBND TP Hà Nội Lê Quý Đôn

- Ông Lê Quý Đôn: Các quy định tại Nghị định 84/NĐ-CP rõ ràng là rất cởi mở đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước, đặc biệt là vấn đề chuyển nhượng dự án. Với những điều kiện thuận lợi như thế, thị trường bất động sản rõ ràng sẽ có những chuyển biến tích cực.

Tôi dự đoán là vào cuối năm nay, thị trường sẽ ấm lên. Nhưng ở đây chúng ta cũng phải nhìn nhận kỹ càng hơn. Rõ ràng, quy định mới sẽ thúc đẩy thị trường phát triển nhưng cũng cần chú ý tới những sơ hở có thể xảy ra trong quá trình thực hiện bởi việc cho chuyển nhượng dự án (với rất ít điều kiện kèm theo) có thể dẫn tới tái diễn tình trạng “ôm” dự án để đầu cơ như giai đoạn trước đây.

- Như vậy chẳng hóa ra “lợi bất cập hại” thưa ông?

- Ông Lê Quý Đôn: Khi đã lường trước khả năng đó, Hà Nội sẽ giao cho các cơ quan quản lý xây dựng quy định để xây dựng cơ chế, quy định có thể hiểu nôm na là “bộ lọc” các nhà đầu tư.

Thực ra, về việc thẩm định kỹ năng lực của các nhà đầu tư, Hà Nội cũng đã làm từ lâu bởi có anh có tiềm lực thật sự, khả năng tài chính lành mạnh nhưng cũng có anh chỉ quen buôn nước bọt! Đương nhiên, ngoài “bộ lọc” chính sách, phải thường xuyên kiểm tra, giám sát để phát hiện những trường hợp buôn bán, chuyển nhượng dự án chỉ để kiếm lời, gây nhiễu loạn môi trường đầu tư.

- Nhiều ý kiến cho rằng, Hà Nội sẽ không thể thực hiện được quy định bồi thường bằng đất cho người bị thu hồi đất nông nghiệp, ông có thể nói rõ hơn?

- Ông Lê Quý Đôn: Quy định này đã có ở Nghị định 17/NĐ-CP nhưng Hà Nội cũng đã báo cáo là không thể thực hiện nổi. Không chỉ có duy nhất Hà Nội mà những địa phương có tốc độ đô thị hóa cao cũng sẽ rất vướng khi thực hiện việc này.

Với đặc thù quỹ đất tái định cư hạn hẹp của Hà Nội, bồi thường bằng đất nông nghiệp cho người dân bị thu hồi đất đã rất khó chứ nói gì tới đất sản xuất phi nông nghiệp (đất dịch vụ) hay đất ở đô thị. Thêm vào đó, sắp xếp đất dịch vụ cũng phải theo quy hoạch đã duyệt chứ có phải muốn là có ngay đâu.

 Đó là chưa nói tới việc khi áp dụng chính sách này ở nơi còn quỹ đất thì những nơi khác sẽ thắc mắc và tình hình sẽ phức tạp ngay. Có thể ở một số địa phương nào đó chứ ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh quy định này chắc chắn sẽ không khả thi.

Thủ kho phải đúng là thủ kho!

- Chính sách đất đai ngày càng rõ ràng nhưng người dân vẫn lo lắng sẽ bị “hành” bởi chính sách gì cũng do con người thực hiện, ông nghĩ sao?

- Ông Lê Quý Đôn: Chính sách pháp luật của Nhà nước ngày càng hoàn chỉnh, đồng bộ. Đây là yêu cầu tất yếu của quá trình hội nhập quốc tế.

Tuy nhiên, đòi hỏi theo đó là đội ngũ cán bộ làm việc phải năng động và có đủ phẩm chất đạo đức, năng lực, trình độ. ở những nơi nào không nhận thức được điều này, vẫn hành xử theo tư duy cũ, độc đoán chuyên quyền thì nhất định sẽ xảy ra chuyện.

Có thể ở nhiều nơi chỉ là thiếu trách nhiệm, không thực hiện đúng nguyên tắc công khai, dân chủ nhưng khi người cán bộ thiếu cả “cái tâm” trong công việc thì còn dẫn đến nhũng nhiễu, tiêu cực...

- Vậy để phòng ngừa những biểu hiện tiêu cực, Hà Nội sẽ làm gì?

- Ông Lê Quý Đôn: Bên cạnh việc tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm khắc các trường hợp có vi phạm, thành phố luôn yêu cầu đội ngũ cán bộ, công chức đặc biệt là ở cơ sở rèn luyện trình độ nghiệp vụ cũng như nâng cao tinh thần trách nhiệm, lương tâm, đạo đức nghề nghiệp vì chỉ có vậy công việc mới được xử lý tốt.

Nói thật, tham mưu mà làm không chuẩn, cứ trình lãnh đạo tin, ký thì sai hết. Người ta chẳng vẫn nói “thủ kho to hơn thủ trưởng” là thế. Tất nhiên, sai thì có thể sửa nhưng nếu sai nhiều quá thì dân mất lòng tin. Như thế thì rất nguy hiểm!

Chính Trung