Còn phải chờ đến bao giờ?

(ANTĐ) - Đến thời điểm này, nút giao thông cầu vượt Kim Chung (Đông Anh, Hà Nội) đưa vào sử dụng đã được 1 năm, góp phần làm giảm ùn tắc và tai nạn giao thông tại khu vực này. Tuy nhiên, cũng trong 1 năm qua, hàng nghìn người dân sống tại Đội 6 thôn Bầu, xã Kim Chung lại bị “cô lập” với bên ngoài vì không có đường đi...

Về việc hàng nghìn người dân không có đường đi:

Còn phải chờ đến bao giờ?

(ANTĐ) - Đến thời điểm này, nút giao thông cầu vượt Kim Chung (Đông Anh, Hà Nội) đưa vào sử dụng đã được 1 năm, góp phần làm giảm ùn tắc và tai nạn giao thông tại khu vực này. Tuy nhiên, cũng trong 1 năm qua, hàng nghìn người dân sống tại Đội 6 thôn Bầu, xã Kim Chung lại bị “cô lập” với bên ngoài vì không có đường đi...

Một nhà dân đã dựng quán để lấn chiếm lại lòng đường

Một nhà dân đã dựng quán để lấn chiếm lại lòng đường

Dự án dở dang

Thực hiện kế hoạch mở rộng nút giao thông Kim Chung, ngày 1-4-2002, UBND thành phố Hà Nội đã có Quyết định số 2126/QĐ-UB về việc thu hồi đất để xây dựng cầu vượt và nút giao thông Kim Chung. Để dự án hoàn thành đúng tiến độ, ngày 14-4-2008, UBND xã Kim Chung phối hợp cùng UBND huyện Đông Anh, Ban quản lý dự án họp với đại diện người dân thôn Bầu, xã Kim Chung để giải quyết tồn tại ở khu vực GPMB nút cầu vượt Kim Chung.

Theo đó, sau khi GPMB sẽ tiến hành làm hệ thống mương thoát nước, đường gom dân sinh, đường điện… Trên thực tế sau khi thi công xong nút giao thông cầu vượt Kim Chung các đơn vị thi công đã bỏ lửng, không làm theo kế hoạch đề ra. Ngày 24-10-2008, Báo ANTĐ đã có bài phản ánh về vấn đề này, sau đó các cơ quan chức năng đã tiến hành lắp đặt hệ thống cột điện, sửa lại nền đường tại cầu chui… Tuy nhiên hệ thống mương thoát nước và đường gom vẫn chưa được triển khai.

Đến nay đã hơn 1 năm kể từ ngày mặt bằng được giao nhưng tuyến đường gom sát với đường Thăng Long - Nội Bài và hệ thống mương thoát nước dài khoảng 300 mét vẫn không được thi công. Mỗi khi mưa xuống, nước thải và rác bẩn lại ngập lênh láng trong sân của các gia đình. Khu vực bị “cô lập” này có hàng chục hộ gia đình với hàng nghìn công nhân làm việc tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long thuê trọ.

Để đi lại, người dân đã phải tự làm đường đất rộng khoảng 1m, tự làm cầu tạm bắc qua mương thoát nước... một vài hộ còn tự ý dựng lều, lán trái phép trên phần đất đã được giải phóng. Nếu chính quyền địa phương không có biện pháp quản lý chặt chẽ, các cơ quan chức năng không sớm triển khai dự án thì có lẽ trong thời gian tới sẽ có rất nhiều hộ dân lấn chiếm lại phần đất bỏ hoang này. Khi đó việc cưỡng chế để giải phóng mặt bằng lại là điều khó tránh khỏi.

Đi xe máy từ nhà ra đường kiểu gì cũng vi phạm quy tắc ATGT
 Đi xe máy từ nhà ra đường kiểu gì cũng vi phạm quy tắc ATGT

Vi phạm quy tắc giao thông mới ra được đường

Có mặt tại khu vực này mới thấu hiểu nỗi khổ của hàng nghìn người dân sống tại đây. Để lên được đường Thăng Long - Nội Bài, người dân phải vượt qua một con dốc đường đất tự tạo cao gần 2 mét. Sau khi lên đến đường Thăng Long - Nội Bài, người đi bộ và xe thô sơ thì có thể xuôi theo hướng cầu Thăng Long đi Nội Bài nhưng đối với người đi mô tô, xe máy thì đi đường nào cũng vi phạm quy tắc ATGT.

Nhiều người dân sống tại đây đều có chung một tâm sự: Muốn đi ra ngoài bằng xe máy mà không biết đi đường nào để không vi phạm Luật An toàn giao thông đường bộ. Đi thuận chiều đường theo chiều cầu Thăng Long đi Nội Bài cũng sai luật vì đi vào làn đường dành cho xe thô sơ.

Còn đi theo chiều ngược lại thì vi phạm đi vào đường một chiều và đi vào làn đường dành cho xe thô sơ… “Không lẽ ngày nào cũng dắt xe máy mấy trăm mét để đi ra ngoài….” - anh Trần Văn Tiến, công nhân làm việc tại KCN Thăng Long thuê nhà trọ tại đây bức xúc nói. Ông Lê Hoàng Oanh, người dân sống tại đây phân trần: “Đối với mô tô, xe máy còn có thể dắt được, còn nếu nhà nào có ôtô hay có khách đến chơi bằng ôtô thì không biết để xe ở đâu…”.

Được biết, tại khu vực này hàng ngày đều có 2 tổ công tác của Đội CSGT – CAH Đông Anh và lực lượng CSTT, Công an xã Kim Chung kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm trật tự ATGT. Rất nhiều trường hợp đã bị xử phạt vì đi vào làn đường dành cho xe thô sơ, đi vào đường một chiều…

Trao đổi với phóng viên Báo ANTĐ, lãnh đạo UBND xã Kim Chung cho biết, UBND xã đã có nhiều công văn gửi UBND thành phố Hà Nội, UBND huyện Đông Anh để kiến nghị giải quyết một số tồn tại sau khi GPMB, trong đó có việc kiến nghị về hệ thống tiêu thoát nước hai bên đường Thăng Long - Nội Bài, hệ thống đường gom...

Bên cạnh đó, UBND xã cũng đã kiến nghị với Công ty Quản lý và sửa chữa đường bộ 234 mở dải phân cách mềm để người dân có đường đi... Mặc dù đã liên tục kiến nghị nhưng đến nay tuyến đường gom và mương thoát nước chưa đầy 300m vẫn chưa được xây dựng. Người dân hàng ngày vẫn phải vi phạm quy tắc ATGT để ra đường.

Hải Đăng