Chuyện khó tin ở một bến phà

(ANTĐ) - Tôi có ông bạn nối khố làm nghề lái xe tải, mới đây nhân một chuyến chở hàng từ thị trấn Văn Điển sang Hưng Yên, hắn về hỏi tôi một câu như đánh đố: “Ông làm nhà báo, liệu có biết tuyến đường nào chỉ được vào nhưng cấm được ra không?”. Sợ bị “gài bẫy”, tôi khẳng định ngay: “Bậy, làm gì có chuyện ngược đời như thế”. Bạn tôi cười cười: “Vậy mà có đấy! Nếu ông không tin cứ chịu khó xuống Thanh Trì, đi dọc theo đê Ngũ Hiệp một quãng đến bến phà Vạn Phúc, bến phà Mễ Sở... là sẽ gặp”.

Chuyện khó tin ở một bến phà

(ANTĐ) - Tôi có ông bạn nối khố làm nghề lái xe tải, mới đây nhân một chuyến chở hàng từ thị trấn Văn Điển sang Hưng Yên, hắn về hỏi tôi một câu như đánh đố: “Ông làm nhà báo, liệu có biết tuyến đường nào chỉ được vào nhưng cấm được ra không?”. Sợ bị “gài bẫy”, tôi khẳng định ngay: “Bậy, làm gì có chuyện ngược đời như thế”. Bạn tôi cười cười: “Vậy mà có đấy! Nếu ông không tin cứ chịu khó xuống Thanh Trì, đi dọc theo đê Ngũ Hiệp một quãng đến bến phà Vạn Phúc, bến phà Mễ Sở... là sẽ gặp”.

Bến phà Vạn Phúc
Bến phà Vạn Phúc

Khó tin nhưng... có thật

Với tâm trạng nửa tin nửa ngờ bởi nguồn thông tin “sốt dẻo” kia, tôi lập tức phóng xe xuống Thanh Trì hỏi đường về bến phà Vạn Phúc. Nghe nói từ hồi kháng chiến chống Mỹ, cùng với phà Mễ Sở, bến phà Vạn Phúc này đã tham gia vận chuyển hàng chục nghìn lượt người và xe pháo ra tuyền tuyến. Ngày đó cầu Long Biên bị máy bay Mỹ đánh phá ác liệt nên những bến phà dọc theo tuyến sông Hồng được coi như một cứu cánh của ngành Giao thông vận tải.

Sau bao nhiêu năm, nhiều cây cầu bắc qua sông Hồng liên tiếp ra đời đã khiến cho việc đi lại qua sông được thuận tiện hơn rất nhiều. Tuy thế, nhưng những chiếc phà vẫn đóng vai trò nhất định trong việc giúp người dân của 3 địa phương Hà Nội, Hà Tây và Hưng Yên qua lại thông thương. Vậy mà bỗng nhiên, ở phía đầu bến phà Mễ Sở thuộc địa phận tỉnh Hưng Yên không hiểu tại sao lù lù một loạt các biển cấm với dòng chữ hết sức... lạ đời: “Chỉ cấm ô tô lên bến”. Tương tự như thế, tại bến Dương Liệt (phía đầu Hưng Yên) lại là một tấm biển: “Chỉ cấm ô tô xuống đò”.

Ông Nguyễn Lê Học nhà ngay cạnh bến Dương Liệt giải thích cho cái sự tréo ngoe này bằng một giọng hết sức hài hước: “Chắc tại cơ quan chức năng của tỉnh Hưng Yên sợ người dân dùng thuyền nan để chở... ôtô nên mới dựng biển cảnh báo như thế”. Nếu như suy đoán của ông Học là đúng thì nghĩa là xe ôtô hoàn toàn có thể xuống phà Dương Liệt một cách bình thường bởi tại bến Dương Liệt, hiện nay chưa một ai dám dại dột tới mức dùng đò để chuyên chở ôtô cả. Tất nhiên, điểm khúc mắc về câu chuyện của một loạt các tấm biển lạ đời này không đơn giản chỉ là những suy luận rất “nông dân” của ông Học. Theo ông Đinh Văn Cuông, người ký hợp đồng khai thác vận chuyển với UBND các xã quản lý 2 bến phà này thì câu chuyện bắt đầu từ đầu năm 2007 khi các cơ quan chức năng của Hưng Yên đồng loạt cấm toàn bộ xe ôtô không được lên xuống cả 2 phà Dương Liệt và Mễ Sở. Tuy thế, nhưng tại đầu phà phía Hà Nội và Hà Tây thì lệnh cấm này không hề được ban hành với bất kỳ một bến phà nào. Điều đó đồng nghĩa với việc những chiếc ôtô của Hà Nội, Hà Tây chỉ được phép xuống phà và “dạo chơi” một vòng trên sông Hồng rồi quay trở về bến cũ. Ông Cuông than thở: “Tại sao lại có sự bất bình đẳng như thế? Liệu đây có phải là một cách ngăn sông cấm chợ hay không?”.

“Tôi sắp đi tù”

Đấy là lời tâm sự rất thật của ông Cuông khi chúng tôi tiếp xúc với ông để bắt đầu việc tìm hiểu căn nguyên của những bến phà được mệnh danh là “chỉ xuống không lên” này. Theo lời trần tình của ông thì nếu lấy bến phà Vạn Phúc - Dương Liệt làm mốc xuôi theo sông Hồng về phía cầu Yên Lệnh dài khoảng 40 km nữa còn 8 bến phà vẫn đang hoạt động. Tất cả các bến phà này đều có lai lịch vận chuyển hành khách qua sông từ lâu. Với trường hợp của ông Cuông thì ông bắt đầu ký hợp đồng khai thác bến với các xã sở tại từ năm 2005. Để giành quyền khai thác vận chuyển bến Mễ Sở, ông Cuông đã phải bỏ thầu cho chính quyền sở tại với số tiền lên tới 1,2 tỷ đồng. Sau khi trúng thầu, ông Cuông cũng bỏ tiền đầu tư đóng mới sửa chữa phương tiện hết 700 triệu đồng. Tương tự tại bến Vạn Phúc - Dương Liệt số tiền ông Cuông “ném” vào đây cũng lên tới 1,6 tỷ đồng bao gồm cả đầu tư xây dựng bến bãi đón trả khách và đóng mới tàu bè. Tất cả những chiếc phà dùng để vận chuyển hành khách của ông Cuông đều được đăng kiểm đầy đủ, đảm bảo an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện thủy nội địa. Ông Cuông nói như sắp khóc: “Toàn bộ số tiền đó tôi đều phải đi vay ngân hàng. Lãi mẹ đẻ lại con nhân lên từng ngày. Nợ Nhà nước thì không thể không trả. Bây giờ tỉnh Hưng Yên cấm đoán như thế, làm sao tôi có thể thu hồi lại vốn? Nếu cảnh này cứ tiếp tục diễn ra, tôi cầm chắc sẽ phải đi tù vì... vỡ nợ”.

Không chỉ các ông chủ khai thác bến mới rơi vào tình trạng “tiến thoái lưỡng nan” như vậy mà những bác tài qua sông cũng bất bình vì quá nhiều lần phải cho xe quay lại. Cũng tâm trạng bức xúc như thế, anh Nguyễn Hiển Vinh, người thôn Phú Thị, xã Mễ Sở, lái xe 89K - 3504 thắc mắc: “Bao nhiêu năm nay tôi vẫn qua lại bến đò này như một lẽ tất nhiên, thế mà không hiểu tại sao bây giờ bến Mễ Sở này lại cấm ôtô cả lên và xuống, rất bất lợi cho lái xe chúng tôi”. Lái xe (xin được giấu tên) 89K - 294... bức xúc: “Bến Dương Liệt đi sang bên kia là bến Vạn Phúc, thuộc xã Vạn Phúc huyện Thanh Trì là một quãng đường ngắn, rất thuận lợi cho chúng tôi đi vào nội thành Hà Nội hoặc về Hà Tây. Qua phà chỉ mất 15-20 phút kể cả thời gian chờ phà. Nếu không đi qua đây, buộc chúng tôi phải đi qua cầu Yên Lệnh, nghĩa là phải ngược lên khoảng 40km nữa qua tỉnh Hà Nam ra Quốc lộ 1, tốn thêm bao nhiêu chi phí xăng dầu, cầu đường”. Còn lái xe mang BKS  89K - 160... thì gay gắt hơn: “Đây là một cái bẫy. Đầu phà phía Hà Nội và Hà Tây thì không hề có lệnh cấm xe qua lại. Nhưng cứ hễ chúng tôi “thò mặt” lên, phía Hưng Yên sẽ chặn xe viết giấy phạt ngay. Thà rằng đã cấm thì tất cả các tỉnh cùng cấm hẳn, chứ cái kiểu “cát cứ địa phương”, “ngăn sông cấm chợ” thế này, tội vạ chỉ cánh lái xe là khổ nhất. Chỉ cần làm một bài toán nhỏ thì có thể thấy ngay rằng việc cấm đoán này sẽ gây ra rất nhiều lãng phí cũng như tạo lên tâm lý bức xúc cho người dân.

Vô lý hay hợp lý?

Khi đi tìm hiểu về nguyên nhân có sự “ngăn sông cấm chợ” này rất nhiều người dân cho rằng lệnh cấm ôtô đưa ra là để dồn cho việc thu phí qua cầu Yên Lệnh được hiệu quả hơn (?!). Một giải thích khác thì nhận định, đây là hệ quả ảnh hưởng từ việc chìm đò ở Chôm Lôm, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An, nên cơ quan chức năng cho rằng những chiếc phà loại nhỏ như ở Vạn Phúc, Mễ Sở không đảm bảo an toàn khi sử dụng để vận chuyển ôtô. Tuy nhiên, cho dù ngăn cấm vì bất kỳ lý do nào, các cơ quan chức năng cũng nên xem xét để cùng có một sự nhất quán trong việc xử lý, tránh tình trạng cùng một bến phà nhưng bên thông, bên cấm. Bên cạnh đó cần phải lưu ý tới quyền lợi chính đáng của người tham gia khai thác, vận tải. Ở đây cũng phải nói thêm một điều, đó là trong công văn số 08-07-HSB của Chi cục Đăng kiểm Hà Sơn Bình gửi Phòng tàu sông cục Đăng Kiểm Việt Nam liên quan đến việc vận chuyển bằng phà tại bến Mễ Sở có đoạn: “Đề nghị Cục suy nghĩ thêm về tính độc lập trong việc cấp giấy chứng nhận an toàn pháp lý duy nhất về mặt kỹ thuật, không nên có đặc thù riêng cho 1 khu vực nào. Vì thực tế phà 1 đầu được hoạt động trên toàn quốc ngay cả Hà Tây, khu vực Sơn Tây - Ba Vì vẫn hoạt động bình thường. Đồng thời kiến nghị với chính quyền Hưng Yên, Hà Tây, Hà Nội nên có một giải pháp thỏa đáng để thông thương hai bên đem lại hiệu quả kinh tế xã hội mà vẫn đảm bảo an toàn tuyệt đối người và phương tiện”. Còn chúng tôi, thiết nghĩ, Bộ Giao thông vận tải nên có quy định cụ thể về bến khách ngang sông, là phà hay là đò để người dân có thể khai thác bến bãi chứ không nên để cảnh bên này Hà Tây cấp giấy phép hoạt động bến khách ngang sông cho phép phà chở ôtô còn bên kia Hưng Yên cấp giấy phép lại chỉ cho chở xe máy để người dân không biết đường nào mà đi.

Ngang qua sông Hồng đã có rất nhiều chiếc cầu được bắc ngang qua, điều đó đánh dấu sự phát triển của một đô thị trên đường đổi mới. Nhưng những chiếc phà loại dưới 30 mã lực vẫn gắn với cuộc sống của người dân như một điều tất yếu vì không phải địa phương nào cũng có cầu và cầu nào cũng đáp ứng thuận lợi nhu cầu của người dân. Chính vì thế những khúc mắc hiện vẫn tồn tại ở các bến phà này hiện gây nên không ít xáo trộn ảnh hưởng đến việc đi lại thông thương giữa địa bàn  của 3 địa phương Hà Nội, Hưng Yên, Hà Tây. Từ ảnh hưởng đó có thể nhìn thấy trước mắt một loạt hệ lụy kèm theo là sự lãng phí và tâm trạng bức xúc do “ngăn sông cấm chợ” đang lớn dần lên trong dư luận. Câu hỏi đặt ra là: Bao giờ thì tình trạng này chấm dứt. Và trong khi chưa có câu trả lời thì những bến “phà xuống không lên” dọc sông Hồng vẫn còn là vấn đề thời sự.

Yên Hưng - Lâm Bình