Nên giao cho Bộ nào?

ANTĐ - Bế mạc kỳ họp thứ tám, với đa số phiếu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Quốc hội quyết định xã hội hóa công tác biên soạn sách giáo khoa, trao quyền lựa chọn sách giáo khoa cho nhà trường và thầy cô giáo. Chính phủ ban hành cơ chế tài chính đảm bảo công bằng trong việc biên soạn và sử dụng sách giáo khoa. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông. Các cơ sở giáo dục lựa chọn sách để sử dụng dựa trên ý kiến của giáo viên, học sinh và phụ huynh theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT.

Sau các hội nghị, hội thảo với rất nhiều ý kiến tranh  luận, đề xuất của các nhà giáo, chuyên gia giáo dục, Quốc hội đã nhấn nút chủ trương xã hội hóa trong tiến trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Theo đó, Bộ GD-ĐT sẽ ban hành tiêu chí đánh giá sách giáo khoa và phê duyệt sách được phép sử dụng trên cơ sở kết quả thẩm định của Hội đồng quốc gia; hướng dẫn việc lựa chọn sách giáo khoa trong các cơ sở giáo dục phổ thông.

Nghị quyết đặc biệt nhấn mạnh, bộ sách được thẩm định, phê duyệt phải đảm bảo công bằng với các sách do tổ chức, cá nhân biên soạn. Từ năm học 2018-2019, sẽ bắt đầu áp dụng chương trình và sách giáo khoa mới theo hình thức cuốn chiếu đối với mỗi cấp học. Điểm mới được dư luận quan tâm là giáo dục cơ bản đảm bảo trang bị tri thức phổ thông nền tảng, đáp ứng “phân luồng” mạnh sau trung học cơ sở. Giáo dục định hướng nghề nghiệp đảm bảo học sinh tiếp cận nghề nghiệp, chuẩn bị giai đoạn học sau phổ thông có chất lượng.

Tuy nhiên, Luật Giáo dục nghề nghiệp dù đã được thông qua tại kỳ họp này nhưng vẫn để ngỏ cơ quan quản lý nhà nước chung cho hệ thống các trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề sau khi đã quy về một đầu mối. Ý kiến của các đại biểu Quốc hội về phương án giao cho Bộ GD-ĐT hay Bộ LĐ-TB&XH làm đầu mối quản lý đều không có phương án nào nhận được trên 50% số đại biểu nhất trí. Mỗi bộ đều có thuận lợi, thế mạnh và hạn chế riêng. Đổi mới chương trình, sách giáo khoa đã có hướng đi rõ rệt, nhưng còn giáo dục nghề nghiệp vẫn đang lúng túng giữa ngã ba đường. Nên giao cho bộ nào quản vẫn là câu hỏi “treo” cầm tìm lời giải, hướng đi.