Điều hành tỷ giá cần linh hoạt hơn

ANTĐ - TS Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) - chủ biên Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2015 đã có cuộc trao đổi với báo chí nhằm chia sẻ thêm những nhận định, dự báo về tình hình kinh tế năm 2015. 
Điều hành tỷ giá cần linh hoạt hơn ảnh 1

Điều chỉnh tỷ giá linh hoạt theo thị trường sẽ giúp đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô

- PV: Kinh tế Việt Nam kể từ đầu năm được đánh giá là có dấu hiệu tích cực thông qua các con số như tăng trưởng GDP cao hơn, ông đánh giá như thế nào?

- TS Nguyễn Đức Thành: Cho đến nay kinh tế Việt Nam vẫn đang trong tiến trình cải thiện. Kể từ năm 2013 có sự phục hồi nhẹ, năm 2014 và đến nửa đầu năm 2015, mặc dù sự phục hồi chưa thực sự rõ ràng nhưng là một tiến trình có thật. Tôi cho rằng, sẽ có những cải thiện về con số trong năm nay và các năm tiếp theo. 

Điều hành tỷ giá cần linh hoạt hơn ảnh 2

TS Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) - chủ biên Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2015

-  Báo cáo đưa ra hai kịch bản tăng trưởng kinh tế, các mức dự báo tại các kịch bản được đưa ra trên cơ sở nào và ông có khuyến nghị gì đối với vấn đề tăng trưởng kinh tế 2015?

- Các kịch bản chúng tôi đưa ra dựa trên sự tính toán tương đối thận trọng về khả năng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Khuynh hướng chung là tăng nhẹ, không có bứt phá đột biến, nhưng đồng thời có nhiều rủi ro vĩ mô có thể đi cùng. Nhưng nếu cố gắng sử dụng các biện pháp, công cụ, chính sách để đẩy kinh tế lên thì vô hình trung tạo ra môi trường vĩ mô mất cân đối. 

- Ông có đánh giá gì về tiềm năng hội nhập của kinh tế Việt Nam trong thời gian tới đây?

- Tiềm năng hội nhập của Việt Nam rất lớn vì chúng ta nằm ở tâm điểm của những dòng hội nhập trong khu vực. Cộng đồng kinh tế ASEAN đi vào thực hiện từ đầu năm sau, các hiệp định được ký kết với EU, Hàn Quốc, khối thuế quan chung và Hiệp định TPP có nhiều triển vọng kết thúc trong thời gian tới. Việc hội nhập mang lại rất nhiều cơ hội cho Việt Nam về thương mại và đầu tư nhưng nếu không có nỗ lực cải tổ mạnh mẽ về kinh tế xã hội, đi liền là các vấn đề về thể chế, về thủ tục hành chính và các vấn đề cốt lõi của nền kinh tế như thị trường vốn, lao động, đất đai thì lợi ích chúng ta thu được sẽ ít hơn nhiều so với tiềm năng. Thậm chí đôi khi biến thành thách thức, khó khăn và kinh tế Việt Nam sẽ ngày càng mất sức cạnh tranh, bị giãn ra xa trong quá trình hội nhập.

- Báo cáo cũng đề cập tới vấn đề tỷ giá, với góc nhìn của người nghiên cứu kinh tế vĩ mô, ông nhận định thế nào về áp lực điều chỉnh tỷ giá từ nay tới cuối năm?

- Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có đặt ra mục tiêu giữ ổn định tỷ giá, ổn định các hoạt động kinh doanh, sản xuất và xuất nhập khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, tôi cho rằng điều hành tỷ giá thì NHNN hoàn toàn có quyền chủ động khi tình hình ở trong nước có những biến đổi cộng với biến động của thế giới để điều chỉnh linh hoạt. 

- Báo cáo cho rằng, tỷ giá danh nghĩa đang được neo ở mức cao và tiếp tục tích lũy, theo ông cần có sự điều chỉnh như thế nào?

- Kiến nghị của chúng tôi là nên điều chỉnh tỷ giá hàng năm một cách đều đặn và có khung để ít nhất không phá vỡ cấu trúc giữa đồng tiền Việt Nam và đồng USD. Mức điều chỉnh 2% là tương đối chặt, những năm trước điều chỉnh chưa tới 2% do nhu cầu NHNN muốn thực sự bình ổn kinh tế vĩ mô và đó là thành tựu của NHNN. Tôi cho rằng, có những chính sách rất cứng rắn, mạnh mẽ và thành công nhưng thời điểm mới có thể sẽ phải linh hoạt hơn. 

Kinh tế duy trì đà tăng trưởng nhẹ

Đây là dự báo được đưa ra tại Hội thảo Công bố Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2015 do trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) phối hợp cùng Đại sứ quán            Australia tổ chức ngày 28-5. 

Dự báo về tăng trưởng kinh tế và lạm phát năm 2015, Báo cáo đưa ra 2 kịch bản. Theo đó, năm 2015 tiếp tục duy trì đà tăng trưởng nhẹ đã tích lũy từ năm 2013. Kịch bản 1 dự báo mức tăng trưởng GDP đạt khoảng 6,1%, trong khi kịch bản cao hơn cũng chỉ đạt mức 6,3% (theo giá cố định năm 2010). 

Lạm phát của cả năm 2015 trong kịch bản 1 được dự báo tiếp tục duy trì ở mức tương đối thấp, tương tự năm 2014, khoảng 1,9%. Trong khi đó, đối với kịch bản 2, khi nền kinh tế phục hồi cao hơn một chút, thì lạm phát có thể lên tới 3,2% với khuynh hướng tăng diễn ra nhanh hơn vào cuối năm và tiếp tục tăng trong 2016. 

Hùng Anh