Làm gì để chống buôn lậu?

ANTĐ - Tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Trưởng ban Ban Chỉ đạo Quốc gia 389 về phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, đã khẳng định: Tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, kinh doanh trái phép, trốn lậu thuế đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu, trong đó ở Việt Nam trầm trọng hơn và phạm vi rộng hơn. 

Vâng, chống buôn lậu có thể coi là công việc thường xuyên, năm nào cũng làm và đã từ lâu rồi, năm nào cũng chưa hiệu quả, có lẽ sang năm chúng ta vẫn nhận được kết luận là chưa ngăn chặn hiệu quả được nạn buôn lậu, trốn thuế.

Theo ước tính, mỗi năm, lượng hóa nhập lậu qua biên giới nước ta lên đến hàng chục tỷ USD. Đã có rất nhiều lý do được đưa ra: Cán bộ thiếu và yếu, thiếu trang thiết bị, thiếu sự phối hợp giữa các lực lượng và địa phương, hệ thống pháp luật còn khập khiễng, mức phạt chưa đủ sức răn đe, các đầu nậu hoạt động nhiều thủ đoạn, địa hình miền núi có nhiều đường mòn khó phát hiện... để thấy rằng công tác chống buôn lậu không phải dễ. Đúng là chống buôn lậu là mặt trận hết sức khó khăn. Nói thì dễ, làm không dễ. Nhưng nói đi thì cũng phải nói lại. Chúng ta vẫn còn để hổng nhiều kẽ hở để đối lượng buôn lậu luồn lách, vẫn còn nhiều câu hỏi đặt ra đối với công tác chống buôn lậu nhưng chưa trả lời được. Một loạt câu hỏi được đặt ra  mà nếu trả lời được thì có lẽ mọi sự đã tốt hơn nhiều, công tác chống buôn lậu đã hiệu quả hơn nhiều.

Đó là các câu hỏi: Tại sao hàng vạn tấn hàng lậu có thể xuôi theo những con đường quốc lộ rộng thênh thang, bay qua bao nhiêu trạm kiểm soát cả cơ động lẫn cố định, qua bao nhiêu barie, bao nhiêu lực lượng, vào sâu trong nội địa? Tại sao các con đường mòn mỗi đêm hàng tỷ tiền hàng lặng lẽ bật đèn pin với hàng trăm người nào cửu vạn, nào “xe ôm” nào ô tô rậm rịch một vùng, ai cũng biết vậy mà địa phương luôn kêu thủ đoạn tinh vi không tìm được? Tại sao có rất cuộc vây ráp của lực lượng liên ngành không bắt được gì vì mới lập kế hoạch đầu nậu buôn lậu ở cả hai bên biên giới đều biết? Tại sao chỉ bắt một xe hàng lậu mà nhiều cán bộ gọi điện, đến tận nơi thương lượng xin trả hàng? Và tại sao, chỉ có lực lượng cán bộ điều tra của Công an vào cuộc thì mới bắt được những vụ rất lớn, hàng chục, hàng trăm tỷ đồng tiền hàng? Chỉ có một câu trả lời: Vấn đề con người, vấn đề cán bộ. Nếu cán bộ, đặc biệt cán bộ địa phương, không vì nhiều lý do để buông lỏng cho các tội phạm buôn lậu, tệ nạn này không thể hoành hành như thời gian qua. 

Vậy có thể nói ngay, công việc đầu tiên của chiến dịch tấn công mạnh mẽ vào các loại tội phạm thương mại trong đó có buôn lậu là tấn công vào sự yếu kém của lực lượng chống buôn lậu.

Tại phiên họp Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng yêu cầu phải thống nhất lại lực lượng chủ công, trong đó trung tâm là lực lượng quản lý thị trường thì mới triển khai thành công được. Đặc biệt, lực lượng này phải trong sạch, hiện tượng tiếp tay, thông đồng khá nhiều, qua các vụ bắt rồi, xử rồi mới biết được. Muốn chống buôn lậu phải thực hiện mạnh các giải pháp để đẩy lùi buôn lậu, gian lận thương mại, sao cho năm 2015 có chuyển biến. Ông nói: “Những con sâu cứ lằng nhằng thế này, đất nước không cách nào phát triển được... Đây không phải lời hứa mà trách nhiệm với nhân dân, nhất là khi đất nước gặp nhiều khó khăn”.