Đắt rẻ là ở cách làm

ANTĐ - Như để phản hồi lại dư luận (và ý kiến của các nhà chuyên môn) cho rằng chi phí làm đường cao tốc ở Việt Nam quá đắt, mới đây Bộ Xây dựng vừa trình Chính phủ báo cáo về chi phí xây dựng 10 tuyến đường cao tốc của Việt Nam có đính kèm chi phí trung bình để xây dựng đường cao tốc của 5 nước khác, gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Tây Ban Nha và Mỹ, để cho thấy suất đầu tư đường cao tốc của Việt Nam chỉ cao hơn Trung Quốc. 

Mọi sự so sánh đều khập khiễng, nhưng các số liệu của Bộ Xây dựng nêu trong báo cáo chỉ thuần là so sánh số học. Không chỉ nhìn vào con số chi phí bỏ ra để đánh giá được chuyện đắt hay rẻ, mà nói đắt, rẻ là nói đến hiệu quả, nên còn phải căn cứ vào chất lượng, phương án đầu tư phù hợp, không để phát sinh khoản kinh   phí lớn phải trả cho chi phí bảo trì bảo dưỡng sau khi công trình hoàn thành.

Đường cao tốc đều là những dự án sử dụng số vốn đầu tư khổng lồ. Thế nên, bất kể chủ đầu tư của dự án là ai, là tư nhân hay Nhà nước, thì cũng cần phải được giám sát hiệu quả chặt chẽ, kể cả dự án thực hiện theo hình thức bằng BOT như nâng cấp mở rộng tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ đang được triển khai. Tuyến đường này đã trở nên quá tải, nhiều đoạn xuống cấp nghiêm trọng, hàng năm mất hàng trăm tỷ đồng để sửa chữa. Tổng mức đầu tư dự án nâng cấp mở rộng tuyến đường là 6.731 tỷ đồng.

Đây là dự án trọng điểm trên địa bàn Hà Nội, nơi có lưu lượng xe tham gia giao thông đông nhất ở Việt Nam, chính vì vậy công tác an toàn giao thông, môi trường và phân luồng xe trong quá trình thi công là rất quan trọng phải được đặc biệt chú trọng.

Thế nhưng dù đã được khởi công mấy tháng nay, các nhà thầu thi công Dự án đầu tư nâng cấp tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ vẫn chậm tiến độ, không có kế hoạch thi công cụ thể, công tác phân luồng giao thông còn chưa hợp lý. Con đường trước đây dù đã xuống cấp nhưng còn hơn tình trạng đang bị cày xới, lổn nhổn ổ gà, ổ trâu, chỗ cao, chỗ thấp, bụi mù mịt… Được biết trong sự phân bổ thì công tác phân luồng đảm bảo an toàn giao thông được bố trí một khoản không nhỏ. Thực tế trên công trình cải tạo đường này, biển báo, công tác phân luồng giao thông còn chưa hợp lý khiến đã xảy ra ùn tắc giao thông, có những vụ va chạm, tai nạn giao thông không đáng có xảy ra. 

Đấy chính là là điều khó để nói chi phí bỏ ra làm đường ở ta đắt hay rẻ. Thêm vào đó trên công trinh có thể thấy số máy móc thi công đếm được trên đầu ngón tay, nên khó biết liệu có xong đúng hẹn không? Nếu các nhà thầu không tăng cường thêm nhiều ca thi công để đảm bảo tiến độ dự án thì dự án chắc chắn chậm tiến độ, dẫn đến kinh phí và giá thành rồi sẽ đội lên.

Mọi chi phí cho các công trình này rồi sẽ được tính trực tiếp vào tiền thuế và phí cầu đường cho người dân nên có thêm một câu hỏi chuyện làm đường đắt hay rẻ rồi đây ai gánh chịu?