"Chính phủ nên giao một Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế biển"

ANTĐ - Đó là kiến nghị của đại biểu (ĐB) Bùi Thị An tại buổi thảo luận dự thảo Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

Sáng 28-5, Quốc hội nghe Tờ trình dự án Luật trưng cầu ý dân; báo cáo thẩm tra dự án Luật Trưng cầu ý dân; báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo

Mở đầu buổi họp, Chủ tịch Hội luật gia Việt Nam Nguyễn Văn Quyền trình bày Tờ trình dự án Luật Trưng cầu ý dân, kết cấu gồm 9 chương, 56 điều. Tiếp đó, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Trưng cầu ý dân.

Theo đó, Ủy ban pháp luật nhận thấy, trưng cầu ý dân tuy đã được ghi nhận trong Hiến pháp từ năm 1946, nhưng ở nước ta hình thức này chưa được thực hiện trên thực tế. Ủy ban Pháp luật tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Trưng cầu ý dân, nhằm kịp thời cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013, tạo cơ sở pháp lý cho người dân tham gia vào các công việc của Nhà nước, trực tiếp thể hiện quyền làm chủ của mình đối với các vấn đề quan trọng của đất nước. 

"Chính phủ nên giao một Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế biển" ảnh 1

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Trưng cầu ý dân

Về phạm vi điều chỉnh, dự thảo Luật sẽ điều chỉnh việc trưng cầu ý dân; nguyên tắc trưng cầu ý dân; những vấn đề đề nghị trưng cầu ý dân; quyền đề nghị trưng cầu ý dân; thẩm quyền quyết định và tổ chức trưng cầu ý dân; trình tự, thủ tục tổ chức trưng cầu ý dân; kết quả và hiệu lực của kết quả trưng cầu ý dân.

Dự kiến chiều 3-6, các ĐBQH sẽ thảo luận tại tổ và chiều 23-6, thảo luận tại hội trường về dự án Luật Trưng cầu ý dân.

Cũng tại buổi họp sáng nay, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và công nghệ của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Đây là vấn đề được cử tri cả nước rất quan tâm. Tại phần thảo luận, Quốc hội ghi nhận ý kiến của 8 ĐBQH xung quanh dự thảo luật.

"Chính phủ nên giao một Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế biển" ảnh 2

Quốc hội làm việc sáng 28-5

Đóng góp ý kiến thảo luận tại hội trường, ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) phát biểu: "Việt Nam có trên 3.200km bờ biển, có nhiều tiềm năng dầu khoáng sản chưa kể vùng đặc quyền thềm lục địa. Điều này cho thấy ban hành Luật Tài nguyên môi trường biển và hải đảo là cần thiết.

Tại Điều 4 dự án Luật, tôi đề nghị bổ sung: Nhà nước chịu trách nhiệm quy hoạch tổng thể biển, hải đảo, sau đó phân cho các chuyên ngành làm quy hoạch chuyên ngành".

ĐB Bùi Thị An cho rằng, thời gian qua việc quản lý biển hải đảo bị chia cắt nhỏ, còn chồng chéo, việc quy hoạch và đánh giá tiềm năng chưa hiệu quả: "Vì vậy tôi đề nghị thành lập Bộ Kinh tế biển, vì hiện nay ngành này đóng góp 50% GDP cả nước. Đồng thời, Chính phủ nên giao cho một Phó Thủ tướng phụ trách về hoạt động kinh tế biển".

"Chính phủ nên giao một Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế biển" ảnh 3

ĐB Bùi Thị An phát biểu thảo luận tại hội trường

Cùng quan điểm này, ĐB Nguyễn Viết Nhiên (Hải Phòng) phát biểu: "Trách nhiệm quản lý tổng hợp tài nguyên môi trường biển, hải đảo của Chính phủ, các bộ ngành chưa cụ thể, còn chung chung dẫn đến chồng chéo trong hoạt động".

"Tôi cũng đề nghị bổ sung rõ nội dung liên quan, chỉ rõ trách nhiệm của Bộ NN&PTNT, Bộ Quốc phòng… Đồng thời quy định rõ trách nhiệm của Bộ NN&PTNT trong hoạt động kinh tế biển, nhất là lực lượng kiểm ngư hỗ trợ ngư dân khai khác trên biển. Bổ sung nhiệm vụ tuyên truyền biển, hải đảo cho các bộ, ngành liên quan", ĐB Nguyễn Viết Nhiên kiến nghị.

Tham gia thảo luận dự án Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, ĐB Lê Việt Trường (An Giang) phát biểu: "Nhiệm vụ quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên môi trường biển, hải đảo bền vững là rất quan trọng. Hiện nay khu vực Trường Sa, ngoài đảo nổi còn rất nhiều bãi chìm, bãi đá, bãi cạn, san hô, nửa chìm nửa nổi… Vì vậy phải quy định rõ để tạo thuận lợi trong việc đấu tranh bảo vệ quyền chủ quyền, quyền tài phán của nước ta".

ĐB Đoàn Nguyễn Thùy Trang (TP Hồ Chí Minh) nêu ý kiến: "Dự thảo luật thiếu các công cụ kết nối các ngành trong bảo vệ tài nguyên môi trường biển và hải đảo nên cần bổ sung. Vai trò của người dân, doanh nghiệp tham gia bảo vệ còn mờ nhạt, phân cấp quản lý cho địa phương còn chưa cụ thể. Thời gian qua nhiều chủ đầu tư được cấp phép, sử dụng bờ biển ảnh hưởng đến quyền tiếp cận biển của người dân. Do đó, theo tôi cần quy định bảo đảm nguyên tắc được tiếp cận biển của cộng đồng".

ĐB Trần Văn Huynh (Kiên Giang) nhấn mạnh: "Hiện nay, tài nguyên, môi trường biển và hải đảo không chỉ vấn đề kinh tế mà còn bảo vệ chủ quyền quốc gia. Các thông tin về tài nguyên thiên nhiên, hạ tầng, biện pháp quản lý rủi ro kinh doanh đều còn thiếu dẫn tới e ngại của các nhà đầu tư. Tôi đề nghị bổ sung hệ thống thông tin, quy hoạch, cơ sở dữ liệu… tiến tới công bố, tạo cơ chế để tổ chức, cá nhân tiếp cận thông tin rõ ràng".

Ngày 25-6, Quốc hôi sẽ xem xét, biểu quyết thông qua Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.