"Bơm" đúng chỗ

(ANTĐ) - Nhiều chuyên gia cho rằng, việc Ngân hàng Nhà nước cắt giảm lãi suất cơ bản, đồng thời đưa ra nhiều chính sách để nới lỏng tín dụng, cho thấy dấu hiệu giảm phát tại Việt Nam. Nên tiếp tục chống lạm phát hay nghiêng về thúc đẩy tăng trưởng?

"Bơm" đúng chỗ

(ANTĐ) - Nhiều chuyên gia cho rằng, việc Ngân hàng Nhà nước cắt giảm lãi suất cơ bản, đồng thời đưa ra nhiều chính sách để nới lỏng tín dụng, cho thấy dấu hiệu giảm phát tại Việt Nam. Nên tiếp tục chống lạm phát hay nghiêng về thúc đẩy tăng trưởng?

Thực tế cho thấy, chỉ số lạm phát vẫn vượt ngưỡng 20%. Việc tăng giá chậm lại chẳng qua là do giá dầu và một số nguyên liệu giảm mạnh trên toàn cầu. Điều đó chứng tỏ lạm phát đang diễn biến chậm lại, không có nghĩa là giảm phát.

Giảm phát tức là giá giảm do cầu thấp hơn cung, khi người dân lo ngại cho tương lai, khiến họ giữ chặt tiền mặt và chỉ chi tiêu những thứ không thể đừng được. Hiện tại còn quá sớm để nói những tác động sau khi Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất và “bơm” tiền vào nền kinh tế. Nguy cơ lạm phát sẽ tăng trở lại nếu Chính phủ nới lỏng tín dụng quá nhanh.

Vậy việc cắt giảm lãi suất cơ bản tới 2 lần trong vòng nửa tháng có phải là quá nhanh? Trước đây các ngân hàng không giảm lãi suất. Việc cắt giảm lãi suất không có ý nghĩa nhiều lắm, vì các ngân hàng vẫn có thể giảm lãi suất ngay cả khi lãi suất cơ bản không giảm. Hiện nay họ bắt đầu giảm lãi suất với lý do là vì Ngân hàng Nhà nước “bơm” thêm tín dụng vào thị trường hơn là vì lý do lãi suất cơ bản giảm.

 “Bơm” thêm tín dụng sẽ tác động như thế nào đến việc chống lạm phát? Nó tùy thuộc vào việc tín dụng đó được sử dụng như thế nào và quan trọng hơn là tác động của động thái này lên “sức khỏe” của đồng tiền Việt Nam. Bởi vì các ngân hàng được huy động và cho vay bằng USD, vì thế khi lãi suất giảm, trong khi lạm phát vẫn ở mức cao, thì người ta sẽ không muốn giữ tiền đồng mà chuyển sang mua vàng hoặc USD.

Vấn đề là Chính phủ phải “để mắt” theo dõi sát tình trạng huy động tiền đồng của các ngân hàng trong thời gian tới để “đo” phản ứng của người dân trước việc giảm lãi suất. Khi dân không muốn giữ tiền đồng nghĩa là tình hình ngoại hối không ổn định, điều này không tốt cho việc chống lạm phát.

Liệu nước ta có phải đối mặt với nguy cơ suy thoái kinh tế? Theo một chuyên gia kinh tế cao cấp của Tổ chức UNDP Liên hợp quốc tại Việt Nam, điều nên làm hiện nay là tiếp tục chống lạm phát, ổn định thị trường ngoại hối và nâng cao “sức khỏe” của các ngân hàng khi nhiều ngân hàng đang có nợ xấu lớn.

Đảm bảo được ba mục tiêu này trong năm 2008, đến năm sau khi tình hình thế giới ổn định thì mới quay lại đẩy mạnh tăng trưởng. Nếu “nóng ruột” muốn tăng trưởng nhanh bằng cách “bơm” thêm nhiều vốn, hậu quả tất yếu sẽ là lạm phát và đồng nội tệ suy yếu.

Thế nhưng, nếu Ngân hàng Nhà nước không “bơm” thêm vốn thì không thể “tiếp sức” vực dậy sản xuất cho các doanh nghiệp. Điều tối quan trọng không phải là “bơm” bao nhiêu vốn mà là vốn được “bơm” sẽ chảy vào đâu.

Vốn lại chảy vào “chỗ trũng” (cho các công ty, tập đoàn kinh tế Nhà nước có hiệu quả đầu tư thấp lại dễ được vay vốn lớn với lãi suất thấp) hay là rót từng giọt cho doanh nghiệp tư nhân - đối tượng tạo ra nhiều việc làm, nhiều lợi nhuận lại khó tiếp cận vốn hoặc phải vay với lãi suất cao.

Đan Thanh