Trung Quốc đẩy nhanh hiện đại hóa bằng… ăn cắp

ANTĐ - Sau vụ việc 7 đối tượng người Trung Quốc bị bắt giữ vì liên quan đến đường dây tinh vi chuyên ăn cắp hạt ngô giống và bằng nhiều phương thức đưa về đại lục, các chuyên gia phân tích cho rằng, hoạt động gián điệp kinh tế của Bắc Kinh có thể là một phần trong xu hướng hiện đại hóa đất nước trong những thập niên gần đây. Việc giành lấy các công nghệ bí mật một cách bất hợp pháp sẽ ít tốn kém và giúp Trung Quốc đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa bằng cách bỏ qua các vấn đề đòi hỏi nhiều năm nghiên cứu để giải quyết.

Bằng cách bỏ qua các vấn đề đòi hỏi nhiều năm nghiên cứu, Trung Quốc “ăn cắp hạt giống” của Mỹ

Bới đất trộm hạt giống giữa ban ngày

Mới đây nhất, ngày 1-7, vụ bà Mạc Vân vợ tỷ phú Trung Quốc Thiệu Căn Hỏa bị cảnh sát Mỹ bắt giữ và bị kết tội ăn trộm bí mật thương mại trị giá hàng chục triệu USD từ các tập đoàn nông nghiệp của Mỹ là              Monsanto, Dupont, Pioneer Hi-Bred và LG Seeds cho công ty cây giống của chồng mình - tỷ phú Trung Quốc Thiệu Căn Hỏa - nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Tập đoàn Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Đại Bắc Bắc Kinh (Tập đoàn DBN).  Tập đoàn này luôn tự giới thiệu là một doanh nghiệp công nghệ cao cấp nhà nước, với triết lý kinh doanh là “nông nghiệp yêu nước” và đang phấn đấu để dẫn đầu thị trường. 

Trước đó, hồi tháng 12-2013, 6 nhân viên của Tập đoàn DBN cũng bị bắt, vì liên quan đến đường dây tinh vi chuyên ăn cắp hạt ngô giống và bằng nhiều phương thức đưa lậu số hạt giống này về Trung Quốc. Bản tường trình vụ việc được mô tả lại khá chi tiết rằng, một người quản lý của DuPont đã nhìn thấy một người đàn ông Trung Quốc đào bới tại một trong số những cánh đồng nghiên cứu của công ty ở Iowa, trong khi một người đàn ông Trung Quốc khác đứng canh chừng gần đó. Khi ông giáp mặt 2 người lạ này thì một trong số họ, tên là Mạc Hải Long (em ruột của Mạc Vân), nói anh ta đang đi dự một hội nghị gần đó. Đúng lúc đó, người quản lý có điện thoại và khi ông nói chuyện điện thoại xong thì 2 người đàn ông lạ mặt kia vội vã nhảy lên một chiếc ô tô lẩn mất

Cuối cùng, Hải Long cũng bị FBI bắt giữ và bị truy tố vào tháng 12-2013, cùng với 5 đồng phạm. Mạc Hải Long là Giám đốc Kinh doanh quốc tế của Tập đoàn DBN. Vương Lũy, người đồng phạm bị bắt quả tang đang đào trộm hạt giống ngô, là Phó Chủ tịch công ty Hạt giống Kings Nower ở Bắc Kinh. Tất cả những người bị bắt, trừ một người chưa được tiết lộ công việc và chức danh, đều hoạt động trong lĩnh vực kỹ thuật nông nghiệp.

Sự việc này đã dấy lên một số nghi ngại bởi hiếm khi có chuyện gián điệp công nghệ nhúng tay vào lĩnh vực hạt ngô giống. Theo CNN, rất có thể đây là vụ gián điệp liên quan đến lợi ích của chính phủ đối với một ngành công nghiệp lớn trong ánh mắt thèm muốn của đối thủ nước ngoài, và một âm mưu gắn với quyền lực và sự thâu tóm.

Ăn cắp công nghệ để “đi tắt đón đầu”

Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã trở thành một quốc gia nhập khẩu ngô khá nhiều nên việc đánh cắp những sản phẩm công nghệ cao như hạt giống ngô lai được cho là có thể đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy trồng ngô ở đất nước đông dân nhất thế giới này.

Các chuyên gia phân tích cho rằng, hoạt động gián điệp kinh tế của Bắc Kinh có thể là một phần trong xu hướng hiện đại hóa đất nước trong những thập niên gần đây. Do đó, việc giành lấy các công nghệ bí mật một cách bất hợp pháp sẽ ít tốn kém và giúp Trung Quốc đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa bằng cách bỏ qua các vấn đề đòi hỏi nhiều năm nghiên cứu để giải quyết.

Trung Quốc luôn có tham vọng về ngành công nghệ hạt giống. Bởi trên thực tế, nước này đang phải đối mặt với khủng hoảng nông nghiệp - cả về nguồn lương thực cho người và thức ăn gia súc. 

Có một sự trùng hợp về khoảng thời gian đáng chú ý. Mạc Hải Long và 5 đồng phạm bị phát giác đóng gói 113kg hạt giống ngô lai vào 32 bao đựng trong 5 hộp để chuyển từ Illinois (Mỹ) về Hồng Kông, rồi chuyển về Trung Quốc cho Công ty Hạt giống Kings Nower ở Bắc Kinh vào thời điểm giữa tháng 9-2011 và tháng 10-2012. Đây cũng là khoảng thời gian Bộ Tài nguyên và Đất đai Trung Quốc bắt đầu nghiên cứu sự suy giảm đất trồng ở Trung Quốc.

Trong khi đó, những đối tượng trên nói họ thực hiện các vụ ăn trộm hạt giống từ tháng 9-2011 đến tháng 12-2012, nhưng mãi đến hơn 1 năm sau, vào tháng 12-2013 mới bị phát giác. Trong thời gian này, họ muốn tìm kiếm 1.000 mẫu giống chất lượng cao hiện có tại Mỹ và trồng thử nghiệm các hạt giống gốc. Các hạt giống gốc sẽ thụ phấn chéo và cần thực hiện với các hạt giống khác để tạo ra các hạt giống lai, sau đó bán cho nông dân.

Quá trình nghiên cứu để tạo ra các hạt giống gốc vừa mất thời gian vừa tốn kém. Theo thông cáo báo chí của FBI, thường phải mất 5-8 năm để phát triển các hạt giống gốc, với chi phí nghiên cứu và phát triển ít nhất là 30-40 triệu USD. Các công ty như Dupont Pioneer, Monsanto và LG Seeds đã phải mất nhiều năm, tiêu tốn hàng chục triệu USD để nghiên cứu ra các sản phẩm này. Chúng có thể chống lại côn trùng, cỏ dại và sinh trưởng tốt trong điều kiện bất lợi. Tuy nhiên, các công nghệ hạt giống được cấp bằng sáng chế và hạt biến đổi gene thường có giá bán cao hơn bình thường.