Trung Quốc coi quân đồn trú Philippines ở bãi Cỏ Mây là “dân tị nạn”

ANTĐ - Trang mạng Đông Phương trích dẫn nguồn tin từ Báo Nhân dân của Trung Quốc cho biết, ngày 19/06 vừa qua, cả Bộ trưởng quốc phòng và Tổng tham mưu trưởng quân đội Philippines đã xác nhận, hải quân đánh bộ nước này đã hoàn tất việc thay quân ở đảo Ayungin (bãi Cỏ Mây thuộc chủ quyền của Việt Nam) tại quần đảo Trường Sa trên biển Đông. 

Đồng thời, từ ngày 27/06 đến ngày 02/07, hải quân Philippines và hải quân Mỹ cũng tổ chức cuộc diễn tập với quy mô cực lớn Carat-2013 cách bãi cạn Scaborough (Trung Quốc gọi là đảo Hoàng Nham) không xa. Trong buổi trả lời phỏng vấn của Đài truyền hình Trung ương, chuyên gia quân sự Trung Quốc Đỗ Văn Long đã tuyên bố, Trung Quốc không thừa nhận sự chiếm đóng thực tế của Philippines ở đảo Ayungin, lực lượng đang đồn trú trên con tàu đắm ở bãi cạn này chỉ là “dân tị nạn”.

Ngày 19/06 vừa qua, Bộ trưởng quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin thông báo, họ đã hoàn tất quá trình bổ sung cho đảo Ayungin, bao gồm việc thay quân và bổ sung, tiếp tế. Ở khu vực đó cũng có vài tàu công  vụ Trung Quốc nhưng họ không có hành động nào ngăn cản hoạt động của hải quân đánh bộ Philippines.

Mỹ và Philippines đang diễn tập Carat-2013 cách Scaborough không xa


Ồng Đỗ Văn Long cho biết, về vấn đề này, người phát ngôn của Bộ ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã khẳng định, về con tàu và lực lượng hải quân đánh bộ Philippines đang đồn trú ở trên đó, Trung Quốc không coi đó là sự chiếm đóng thực tế của quân đội Philippines, danh sách 8 đảo Bắc Kinh yêu cầu Manila phải rút quân không có tên đảo Ayungin.

Bà Hoa Xuân Oánh nói tiếp, trên đảo Ayungin không có lực lượng hải quân đánh bộ Philippines, con tàu này cũng không phải là tàu tác chiến mà chỉ là một con tàu mắc cạn. Chúng tôi vì chủ nghĩa “nhân đạo”, nên đã cho phép hành động “tiêp tế cho nạn dân” mà thôi. Philippines không được coi là có hành động “chiếm đóng thực tế” trên đảo Ayungin.

Cứ điểm đồn trú của hải quân đánh bộ Philippines trên đảo Ayungin 

Ông này nói tiếp, thực tế là ở khu vực này cũng có một “giới hạn đỏ”, ví dụ như hoạt động vận chuyển vật liệu xây dựng, máy móc công trình để xây dựng các công trình mang tính chất nhân tạo là giới hạn đỏ, những hành động đó không được phép triển khai ở đây.

Họ (chỉ lực lượng hải quân đánh bộ Philippines) có thể tiếp tục ở lại con tàu đó, được phép tiếp tế lương thực và vật dụng, cũng có thể cải tạo tiện nghi sinh hoạt trên con tàu, nhưng nếu có bất kỳ hành động nào mang tính chất chiếm đóng quân sự thực tế thì đó là những hành động xâm phạm không thể chấp nhận được.