Trở về sau 29 năm là “liệt sỹ”

(ANTĐ) - Xấp xỉ 30 năm, gia đình, người thân đến bà con chòm xóm vẫn đinh ninh anh đã hy sinh trên nước bạn Campuchia. Lễ truy điệu và truy phong liệt sỹ cho anh cũng đã được tổ chức tại UBND xã cách đây 29 năm. Nay anh bỗng dưng xuất hiện, người mẹ già vui mừng quá đỗi, chị Nhâm vợ anh chết lặng khi gặp lại chồng.

Trở về sau 29 năm là “liệt sỹ”

(ANTĐ) - Xấp xỉ 30 năm, gia đình, người thân đến bà con chòm xóm vẫn đinh ninh anh đã hy sinh trên nước bạn Campuchia. Lễ truy điệu và truy phong liệt sỹ cho anh cũng đã được tổ chức tại UBND xã cách đây 29 năm. Nay anh bỗng dưng xuất hiện, người mẹ già vui mừng quá đỗi, chị Nhâm vợ anh chết lặng khi gặp lại chồng.

Anh Luận đã trở về với gia đình sau 29 năm lưu lạc

 Anh Luận đã trở về với gia đình sau 29 năm lưu lạc

Sự thực khó tin

Theo hồ sơ, Lê Văn Luận, sinh năm 1954, nhập ngũ năm 1974 tại Trung đoàn 774, Sư đoàn 317 với số hiệu quân nhân: 145.957.74. Sau hòa bình, anh lại cùng đơn vị sang Campuchia chiến đấu giúp nước bạn. Năm 1981, trong một lần truy kích tàn quân PolPot, đơn vị mất liên lạc với Luận. Sau một năm được coi là mất tích, đơn vị đã làm thủ tục xác nhận Lê Văn Luận hy sinh và gửi giấy báo tử về quê. Lễ truy điệu liệt sỹ Lê Văn Luận được tổ chức tại UBND xã Trung Kiên, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên.

Chị Nhâm, vợ anh Luận nhớ lại: “Khi có tin báo nhà tôi (anh Luận) hy sinh bên nước bạn Campuchia, tôi đã không tin đó là sự thực. Tôi đã nuôi hy vọng họ báo tử nhầm, chỉ đến khi, tờ giấy báo tử chính thức đến tay, UBND xã làm lễ truy điệu, tôi mới chấp nhận rằng anh đã hy sinh. Và từ đó đến nay, đã 29 năm trôi qua, chẳng ai còn nghĩ anh Luận vẫn còn sống, đứa con duy nhất của chúng tôi cũng đã xây dựng gia đình và có 2 cháu”.

Chị nghẹn ngào trong niềm vui, những giọt nước mắt hạnh phúc lăn dài trên gương mặt đã già đi vì tuổi tác và sự lam lũ. Chị Nhâm kể tiếp, khi có người đến báo tin, anh Luận vẫn đang sống khỏe mạnh bên nước bạn Campuchia, tôi không tin đó là sự thực, tờ giấy báo tử vẫn được tôi kẹp trong di ảnh của anh trên bàn thờ.

Người thân, làng xóm đến chia vui với gia đình anh Luận
Người thân, làng xóm đến chia vui với gia đình anh Luận

Từ cõi chết trở về

Bám víu vào một thông tin mong manh, người em trai Lê Văn Nhậm đã tìm cách liên lạc qua điện thoại được với anh Luận. Anh Nhậm kể lại: “Người đến báo tin chỉ cho gia đình số điện thoại của một cán bộ lãnh sự quán nước ta tại Campuchia, sự hồ nghi thì lớn, nhưng gia đình cũng như tôi vẫn quyết tâm tìm anh. Cuối cùng, tôi cũng đã được nói chuyện với anh tôi sau 29 năm”.

Anh Nhậm nhớ lại, khi đứng chờ tín hiệu điện thoại kết nối, anh run rẩy đến suýt đánh rơi tai nghe, anh nói không lên lời. “Khi đường dây đã được kết nối, phía bên kia có tiếng người nói, tim tôi như muốn nghẹt thở, song, sau ngần ấy năm xa cách, ngay bản thân tôi cũng không còn nhận được giọng nói của anh trai mình.

Anh trai tôi bị thương, do sức ép của mìn nên gần như bị tê liệt trí nhớ, anh không nhớ được gì nhiều, nhưng khi tôi hỏi đến mảnh vườn xưa kia, nơi 2 anh em từng trèo cây hái quả, chặt củi thì anh ấy lại nhớ như in. Tôi vỡ òa vì hạnh phúc, bởi người ở đầu dây bên kia, người đang đứng nói chuyện với tôi, cách tôi hàng nghìn kilômét đúng là anh trai tôi”.

Sau khi biết chính xác người đàn ông đang bán nước mía sinh sống bên Campuchia chính là liệt sỹ Lê Văn Luận, người em trai út và đứa con trai anh đã lên đường tìm anh, tìm cha. Đối diện với người đàn ông gầy gò, tóc bạc trắng đang đẩy xe nước mía, người con trai đã nhào đến ôm bố, nỗi mất mát dồn nén 30 năm nay mới vỡ òa trong niềm hạnh phúc tột cùng. Hai bố con anh đứng chết lặng, ôm nhau khóc như 2 đứa trẻ.

Chiều 15-8, Lê Văn Luận trở lại quê hương đầy lạ lẫm và bỡ ngỡ, ngay đến người mẹ già, người vợ đã chung thủy, tần tảo nuôi đứa con trai khôn lớn, anh cũng không còn nhận ra.

Trong lần đi truy quét tàn quân năm 1981 ấy, chiếc xe ôtô chở anh Luận và các chiến sỹ khác bị vướng mìn phục kích. Tỉnh dậy trong bệnh viện, Luận hay tin các đồng đội của anh đã hy sinh. Nhưng cũng từ lúc ấy, Luận không thể nhớ được tên người thân, địa chỉ ở quê. Mọi dấu vết ký ức đều bị xóa sau tiếng nổ định mệnh. Lê Văn Luận dần bình phục trong sự chăm sóc của người dân bản địa, sau đó anh kết hôn với một cô gái trong phum sóc nơi anh được cứu sống.

Thỉnh thoảng, anh Luận lại nhớ ra một điều gì đó về cuộc sống của anh trước đây, nhưng chỉ là những mảnh ký ức chớp nhoáng, chắp vá. Tình cờ tháng 6 vừa qua, người vợ Campuchia của anh Luận bị ốm, anh đèo vợ đến khám tại phòng khám của bác sỹ Tùng, Hội trưởng Hội Việt kiều tại Siêm Riệp.

Tại đây, qua câu chuyện với anh Trần Công Thịnh - Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Battambang - Campuchia, biết trường hợp đặc biệt của Luận, anh Thịnh đã giúp Luận chắp nối lại các mẩu thông tin và tìm lại đơn vị cũ xác minh giúp anh, chuyển thông tin về gia đình tại quê.

Giờ đây, trở về giữa vòng tay của những  người thân yêu song anh Luận vẫn chưa thể nhận ra, mỗi cảnh vật, con người trong trí nhớ của anh chỉ là những mảnh vụn rời rạc. Ngày nào anh cũng đi loanh quanh tìm đến nhà những người thân trò chuyện để có thể nhanh chóng khôi phục lại hoàn toàn trí nhớ. Người thân, hàng xóm láng giềng ngày nào cũng đến chật nhà anh, ai cũng muốn được sờ vào người anh, cầm tay anh để tin rằng, người đàn ông này chính là Lê Văn Luận, người con của xóm làng, người mà đã có giấy báo tử cách đây 29 năm, nay vẫn còn sống. 

Hải Dương