Nhà thuốc không đạt chuẩn - SOS<STRONG><FONT color=#000000 size=2> </FONT></STRONG>! 

(ANTĐ) - Bộ Y tế đang xúc tiến việc nâng cấp chất lượng của các cơ sở bán lẻ thuốc theo quy chuẩn chung của quốc tế, phấn đấu đến năm 2011 tất cả các cơ sở bán lẻ thuốc trên cả nước phải đạt GPP (tiêu chuẩn nhà thuốc thực hành tốt). Tuy nhiên tại thời điểm này, hoạt động kinh doanh, bán lẻ thuốc vẫn diễn ra lộn xộn, không đảm bảo chất lượng.

Nhà thuốc không đạt chuẩn - SOS

(ANTĐ) - Bộ Y tế đang xúc tiến việc nâng cấp chất lượng của các cơ sở bán lẻ thuốc theo quy chuẩn chung của quốc tế, phấn đấu đến năm 2011 tất cả các cơ sở bán lẻ thuốc trên cả nước phải đạt GPP (tiêu chuẩn nhà thuốc thực hành tốt). Tuy nhiên tại thời điểm này, hoạt động kinh doanh, bán lẻ thuốc vẫn diễn ra lộn xộn, không đảm bảo chất lượng.

Mắc bệnh vì quá tin vào... nhà thuốc tư

Nguyễn Thu Hương - sinh viên năm cuối trường Đại học Sư phạm I vào BV Mắt Trung ương điều trị ngày 14-3-2008 trong tình trạng mắt bị bỏng rát và không nhìn thấy gì. Phải mất hơn một tuần điều trị, mắt của Hương mới có thể nhìn mờ mờ trở lại, nhưng vẫn còn nguyên những vết sẹo dưới mi mắt.

Theo lời Hương kể, do bị đau mắt nên Hương đã tìm đến một hiệu thuốc tư nhân để mua thuốc điều trị. Mặc dù không có kê đơn của bác sĩ, cũng không qua thao tác khám bệnh, nhân viên bán hàng ở hiệu thuốc tư này bán cho Hương một lọ Collydexa và hướng dẫn “cứ về nhỏ vào mắt sẽ khỏi”.

Thế nhưng sau một vài ngày nhỏ thuốc, Hương thấy mắt đau rát, rồi mờ dần... Trong Khoa Mắt mà Hương đang nằm điều trị, có 3 trường hợp khác cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự, trong đó có một người đã phải mổ mắt...

Nhà thuốc bên cạnh quán cơm phở chật chội
Nhà thuốc bên cạnh quán cơm phở chật chội

Trao đổi với chúng tôi, TS Lê Kim Xuân - Phó Trưởng khoa Mắt trẻ em, BV Mắt Trung ương khẳng định, thuốc Collydexa là thuốc bán theo kê đơn của bác sĩ, người dân không nên tự ý mua về điều trị.

Một bác sĩ khác của BV này cho biết thêm, Collydexa là một loại kháng sinh tổng hợp, có hàm lượng Dexamethason (có tác dụng kháng viêm mạnh), chỉ dùng trong trường hợp mắt bị viêm cấp. Nếu như mắt chỉ bị đau thông thường mà sử dụng thường xuyên loại thuốc này rất dễ dẫn đến bệnh glocom, nếu không tiến hành mổ kịp thời sẽ dẫn đến mù mắt.

Cũng theo bác sĩ này, thuốc kháng sinh là một trong 7 nhóm thuốc đã được Bộ Y tế quy định bắt buộc phải bán theo đơn, gồm: Thuốc điều trị tim mạch, thuốc kháng sinh, thuốc gây nghiện, thuốc nội tiết, thuốc độc..., thế nhưng có nhiều loại thuốc kháng sinh, trong đó có Collydexa vẫn được bán khá phổ biến ở các nhà thuốc tư trên thị trường.

Xảy ra chuyện, biết kêu ai?        

Ghi nhận của chúng tôi tại nhiều nhà thuốc tư nhân trên địa bàn Hà Nội, hoạt động bán lẻ thuốc ở rất nhiều nhà thuốc diễn ra một cách lộn xộn. Có rất nhiều nhà thuốc không đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, diện tích, môi trường, vệ sinh hoặc dụng cụ bảo quản thuốc.

Tại trước cửa BV Nhi Trung ương, nhiều nhà thuốc tư nhân có diện tích rất hẹp, chỉ chừng 8-10m2. Thậm chí, nhà thuốc T.T. nằm cạnh ngay một quán cơm, bún, phở nhưng chỉ có một tấm vách mỏng để ngăn cách với quán ăn này, phía trước cửa nhà thuốc, rác thải, nước thải của quán cơm bày ra rất bẩn thỉu, mất vệ sinh.

Hầu hết các nhà thuốc trong khu vực này không có dược sĩ đứng bán thuốc mà chỉ là những dược tá. Việc kê đơn bán thuốc chủ yếu dựa trên lời kể bệnh của bệnh nhân mà ít khi theo chỉ định kê đơn của bác sĩ, nhiều khi ai muốn mua loại thuốc gì cũng được.

Đáng nói hơn, việc mua bán thuốc như vậy không hề có hóa đơn, chứng từ, nếu người bệnh xảy ra chuyện thì chẳng biết kêu ai.

Sẽ xử lý thật nặng

Ông Trần Quốc Hùng - Trưởng phòng Quản lý Dược, Sở Y tế Hà Nội, khẳng định, nếu không có kê đơn của bác sĩ mà các nhà thuốc vẫn tự ý bán các loại thuốc nằm trong danh sách thuốc bắt buộc kê đơn thì cần phải xử lý nghiêm khắc.

Bán thuốc chủ yếu dựa trên lời kể bệnh hơn là kê đơn (ảnh có tính minh họa)
Bán thuốc chủ yếu dựa trên lời kể bệnh hơn là kê đơn (ảnh có tính minh họa)

Việc quản lý hoạt động kinh doanh của các cơ sở bán lẻ thuốc trên địa bàn thành phố đã được phân cấp cụ thể, theo đó nếu phát hiện các nhà thuốc ở quận, huyện nào sai phạm thì đơn vị quản lý ở quận, huyện đó phải chịu trách nhiệm.

Ông Hùng còn cho biết thêm, không chỉ vấn đề chất lượng mà cả vấn đề giá thuốc cũng có quy định rất chặt chẽ, tất cả các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh thuốc phải kê khai giá với cơ quan quản lý y tế và không được bán thuốc cao hơn giá kê khai đó. Giá thuốc kê khai này sẽ được niêm yết trên từng sản phẩm đối với các loại thuốc bán lẻ.

Trên thực tế, trong tổng số 1.989 cơ sở bán lẻ thuốc trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện nay, mới chỉ có 30 cơ sở đạt tiêu chuẩn GPP (nhà thuốc thực hành tốt) và 24 cơ sở đạt tiêu chuẩn GDP (thực hành phân phối thuốc tốt), hầu hết các cơ sở kinh doanh thuốc, nhà thuốc còn lại vẫn hoạt động theo những quy định cũ, do đó việc quản lý hoạt động này rất khó khăn.

Thậm chí có cả nhà thuốc đã được cấp giấy chứng nhận tiêu chuẩn GPP nhưng sau đó lại vi phạm các tiêu chuẩn quy định, trong đó có một nhà thuốc đã bị Sở Y tế Hà Nội thu hồi lại giấy chứng nhận GPP.

Ông Lê Anh Tuấn - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, theo lộ trình của Bộ Y tế, đến 1-1-2011, tất cả các cơ sở bán lẻ thuốc đều phải đạt tiêu GPP, các cơ sở chưa đạt hoặc không đạt chuẩn này sẽ bị thu hồi giấy phép và không được tiếp tục kinh doanh.

Đây là một quyết định đúng đắn nhằm đảm bảo chất lượng cũng như kỹ năng phân phối thuốc để phục vụ nhân dân tốt hơn. Cũng theo ông Tuấn, trong thời gian này sẽ có sự tồn tại song song giữa hai loại hình nhà thuốc, nhà thuốc GPP và nhà thuốc hoạt động theo giấy phép hành nghề cũ (theo thông tư 02).

Việc thanh, kiểm tra nhà thuốc sẽ được tiến hành định kỳ, nếu phát hiện các cơ sở kinh doanh thuốc vi phạm các quy định đã ban hành thì sẽ xử lý nghiêm khắc. Đáng nói nhất là có không ít người dân vẫn còn tâm lý ngại mua thuốc ở các nhà thuốc đạt tiêu chuẩn, do đó cần phải thay đổi được thói quen này.

Tiến Hưng