Người có nhiều phát kiến

(ANTĐ) - Nhìn ông xuề xòa, ăn vận lôi thôi cứ như anh ba gác, chẳng ai nghĩ cái từ mang màu sắc khoa học lại được gắn kèm với tên tạo nên biệt danh của riêng ông: Nghĩa “sáng chế”.

Người có nhiều phát kiến

(ANTĐ) - Nhìn ông xuề xòa, ăn vận lôi thôi cứ như anh ba gác, chẳng ai nghĩ cái từ mang màu sắc khoa học lại được gắn kèm với tên tạo nên biệt danh của riêng ông: Nghĩa “sáng chế”.

Bản thân ông cũng không nhớ “nick name” ấy được đặt ra từ bao giờ, chỉ biết ông luôn gây bất ngờ cho mọi người bằng những ý tưởng chẳng giống ai.

Ông Nghĩa vốn là một kỹ sư chế tạo máy của trường ĐH Bách khoa, Hà Nội, đang dở dang bút nghiên thì nghỉ lên lớp, khoác ba lô lên đường đi bộ đội đánh Mỹ. Ông bảo: “Đáng lý ra tớ theo cái nghiệp lính chiến cơ đấy vì tớ mê đời quân ngũ lắm, ấy thế mà chẳng hiểu sao, vào lính xong, năm lần bảy lượt xin ra chiến trường mà cấp trên không chịu, lại điều mình về công binh chuyên dạy lái xe cho binh chủng.

Quanh đi quẩn lại đến khi hòa bình, mình lại về công tác tại Xí nghiệp cơ khí điện tử - Đài Tiếng nói Việt Nam”. Thế là cái nghiệp “cờ lê mỏ lết” nó cứ ám vào người.

Vốn là người hay lọ mọ, từ ngày về đây, suốt ngày ông loay hoay với máy móc, thiết bị, mày mò cải tiến cái nọ, sửa đổi cái kia nên lúc đầu không ít người tưởng ông là “gàn”. Ông Nghĩa nhớ lại, đỉnh điểm nhất của việc ông bị mọi người khẳng định như thế là khi ông sáng chế ra một cái máy độc nhất vô nhị: Máy báo... đái dầm.

Chuyện là lúc bấy giờ ông hay nhận vài ba thiết bị điện tử mang về nhà sửa kiếm thêm thu nhập. Nhưng khổ nỗi “tướng bà” của ông cứ hễ thấy chồng không vào bếp là giao ngay cho một trọng trách: bế con.

Tức mình vì cứ vài chục phút, cô con gái rượu lại khóc ré lên một lần đòi bố thay tã, thế là ông mày mò làm ngay một thiết bị cảm ứng độ ẩm đặt vào trong nôi cho đưa trẻ, cứ khi nào cô con gái bắt đầu “xả nước” là chiếc máy lại bíp bíp báo động. Nhờ thế mà ông có thời gian làm việc cho riêng mình nhưng vẫn đảm bảo hoàn thành công việc vợ giao.

Những phát kiến lạ đời của ông tính đến nay có bao nhiêu thì ông không nhớ, nhưng nổi đình đám nhất gần đây là sản phẩm đèn tín hiệu giao thông thông minh khiến không ít người giật mình: Sao vấn đề tưởng như đơn giản mà bấy lâu nay không ai nghĩ đến? Theo ông Nghĩa, công trình này ra đời bắt nguồn từ thực tế, đó là tình trạng kẹt xe của Hà Nội. Thêm nữa, tình trạng mất điện tại các điểm nút giao thông khiến vấn đề càng trở nên trầm trọng đặc biệt là vào lúc tan tầm.

Nhiều lần chứng kiến cảnh ùn tắc hỗn loạn vì mất điện, cảnh sát không thể chủ động điều khiển về thời gian của đèn tín hiệu nơi họ đang đứng sao cho phù hợp với lưu lượng người tham gia giao thông, thế là ông mày mò nghiên cứu một hệ thống đèn mà người cảnh sát hoàn toàn có thể chủ động về thời gian điều khiển kể cả những lúc mất điện.

Ông Nghĩa bảo: “Thực ra công trình này không có gì mới, nó cũng khá đơn giản vì nguyên lý hoạt động chỉ là một hệ thống mạch tự động chuyển nguồn điện xoay chiều sang nguồn một chiều khi sự cố mất điện xảy ra.

"Với một nguồn ắc quy 12V sử dụng đèn LED, chiếc đèn này có thể sử dụng liên tục trong 5 ngày với thời gian 10h/ngày và hoàn toàn có thể sản xuất trong nước với giá thành rẻ. Thậm chí, nếu sử dụng năng lượng mặt trời còn rẻ hơn gấp nhiều lần. Hơn nữa nó không tốn kém vì vẫn giữ nguyên các cột đèn cũ, chỉ cần thay các bộ phận bên trong”.

Công trình nhận được nhiều sự quan tâm tới mức, Thiếu tướng Trần Phương - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục KHKT - Bộ Công an phải thốt lên: Cần phải xem xét đến phương án này, bởi nó tiết kiệm khá nhiều tiền bạc, nhân lực, đặc biệt khi tình hình lưới điện của ta chưa ổn định. Tiến sỹ Nguyễn Văn Khải - Trung tâm tư vấn tiết kiệm điện năng “xa xôi” hơn: “Đề tài này cần mở rộng hơn sang cả những lĩnh vực khác như đường sắt và đường biển. Vấn đề tuy đơn giản, nhưng lại giải quyết được vấn đề rất lớn”.

Bây giờ thì ông Nghĩa đang “loay hoay” ở Công ty Thăng Long - Bộ Công an với đề tài cấp bộ “Nghiên cứu cải tiến, chế tạo thử nghiệm thiết bị bảo vệ mục tiêu bằng tia laser”.

Ông Nghĩa tiết lộ: “Chúng tôi chưa công bố vì còn đang hoàn thiện một số chi tiết. Nhưng chắc chắn, đây sẽ là một nghiên cứu khắc phục được hoàn toàn những nhược điểm của những thiết bị cùng loại sử dụng tia hồng ngoại như nhiệt độ, độ ẩm, giá thành...

Đặc biệt nhất là khắc phục về phạm vi chiều dài (200m so với 10m truyền thống). Với nghiên cứu này, thiết bị có thể phân biệt được người ngay, kẻ gian, có thể lắp đặt ở các công trình cần bảo vệ như trại giam, ngân hàng thông báo kịp thời tới các cơ quan bảo vệ”.

Nguyễn Long