Ngày Tết ở làng trẻ

(ANTĐ) - Không hiểu sao cứ mỗi khi tôi đến những nơi nuôi dưỡng trẻ em mồ côi, khuyết tật, hay không nơi nương tựa trời thể nào cũng mưa phùn gió bấc và rét căm căm. Song kỳ lạ một điều đó là khi ra về lúc nào trong lòng mình cũng rất thanh thản và ấm áp. Có lẽ bởi tôi được chứng kiến những tình cảm, sự hy sinh và rất nhiều tâm huyết của người mẹ với người con, dù đó không phải là những người con dứt ruột đẻ ra.

Ngày Tết ở làng trẻ

(ANTĐ) - Không hiểu sao cứ mỗi khi tôi đến những nơi nuôi dưỡng trẻ em mồ côi, khuyết tật, hay không nơi nương tựa trời thể nào cũng mưa phùn gió bấc và rét căm căm. Song kỳ lạ một điều đó là khi ra về lúc nào trong lòng mình cũng rất thanh thản và ấm áp. Có lẽ bởi tôi được chứng kiến những tình cảm, sự hy sinh và rất nhiều tâm huyết của người mẹ với người con, dù đó không phải là những người con dứt ruột đẻ ra.

Hà Nội có nhiều làng trẻ lắm. Báo chí nói cũng nhiều, song trong khuôn khổ hạn hẹp của bài viết này, chúng tôi chỉ muốn nói đến hai làng vừa qua tuổi đôi mươi và là hàng xóm của nhau - làng SOS và Birla.

SOS là cả một hệ thống trải dài khắp đất nước, có quy mô lớn với cả trường học Herman Gmainer để cho trẻ trong làng đến lớp. Làng Hà Nội hiện nay có 148 cháu trong độ tuổi từ 3 đến 18 tuổi với sự trông nom của 16 mẹ. Ngoài ra còn có 46 cháu là những con đã trưởng thành của làng đang đi học và làm việc bên ngoài theo chế độ bán tự lập.

Ngày Tết là ngày xum họp của cả làng, cả các con đã trưởng thành lấy vợ lấy chồng sinh con đều quay về vì nơi đây chính là gia đình của họ. Cũng chính vì lý do này mà ngày Tết Nguyên đán, Ban giám đốc đều hướng các em đến nét đẹp cổ truyền là mái ấm gia đình. Mấy năm trước, ngày Tết thường tập trung các em để liên hoan văn nghệ, ăn uống tập thể nhưng không được các em hào hứng đón nhận.

Đón Tết ở làng trẻ em Birla
Đón Tết ở làng trẻ em Birla

Thế nên đã nhiều năm nay, lãnh đạo làng đã quyết định Tết nhà ai làm nhà ấy, để các em thấy gia đình trong làng cũng không khác những gia đình ngoài là mấy. Thạc sỹ Nguyễn Tiến Dũng - Giám đốc làng trẻ SOS Hà Nội cho biết: Làng chúng tôi có 16 nhà, mỗi nhà ngót nghét 10 đứa con, cả làng đều đón Tết ở đây vì các cháu đều là trẻ mồ côi và không nơi nương tựa.

Thế nên năm nào Tết cũng bắt đầu từ ngày ông Công ông Táo về trời. Các mẹ đều cúng lễ cẩn thận để hướng dẫn các con. Rồi cũng như rất nhiều những em học sinh khác, quãng đến 27 Tết mới được nghỉ thì cùng mẹ rửa lá, gói bánh chưng, măng miến nói chung là đầy đủ như một cái Tết của gia đình bình thường bên ngoài.

Vì làng chỉ có 4 nồi luộc bánh nên mỗi nhà đều chia nhau nổi lửa, đến đêm 30 Tết là xong khoản bánh chưng để lên bàn thờ. Bữa cơm tất niên nhà nào cũng nhiều người, có nhà lên đến 30 người lớn chưa kể trẻ con vì ngoài con của làng thì còn có cả con dâu, con rể, cháu nội, cháu ngoại của làng...

Được sự quan tâm của Nhà nước, của các nhà hảo tâm, Tết năm nay, chúng tôi cũng cố gắng mỗi cháu ngoài tiền ăn hàng tháng thì mấy ngày Tết cũng cố gắng được khoảng từ 150-200.000/cháu. Tết này, làng có thêm một chuyện mới, ấy là mới tuyển được “dì”. Dì là người sẽ thay mẹ, đỡ đần mẹ trong những lúc ốm đau, và cũng là để kế cận một đội ngũ mẹ chuẩn bị về hưu. Có dì trẻ lắm, năm nay mới 26 tuổi thôi.

Làng Birla là một món quà đến từ đất nước ấn Độ xa xôi. Ông Birla chính là người đã tặng cơ sở vật chất đầu tiên, xây dựng hai ngôi nhà cho làng và đã qua đời ngay khi chưa kịp khánh thành làng. Birla hôm nay đã có thêm 1 nhà mới nhưng số lượng cháu nhận vào đây khá lớn nên rất chật chội. Chỉ có 3 nhà nhưng có đến 110 cháu. Mỗi nhà có 2 mẹ, và số lượng con dao động từ 35-38 cháu.

Các mẹ ở Birla không còn trẻ, người ít tuổi nhất cũng đã sinh năm 1964, lại có vài mẹ ngấp nghé nghỉ hưu nhưng việc tuyển người vào đây thật khó. Chúng tôi đến thăm Giám đốc Chu Đình Điệp khi anh đang bận giải quyết một “đứa con” của anh bị bạn xui đốt pháo và nhà trường có ý định kỷ luật về hành vi này. Anh bảo, con dại thế thì biết làm thế nào, đánh mắng nó thì cũng không giải quyết được vấn đề. Với những người mẹ ở đây, mỗi khi con phạm lỗi, cách tốt nhất để “trị” đó là dùng tình cảm để khuyên nhủ.

Tết ở Birla lại khác với SOS. Cũng là những đứa con trở về, cũng là mỗi con có thêm chút tiền Tết, nhưng ở Birla, các mẹ và những đứa con đã trưởng thành cùng nhau làm một mâm cơm tất niên tập thể vào ngày 25 âm lịch. Bữa cơm hoành tráng ấy có số lượng 50 mâm, do chính tay những người con của làng nấu nướng, vì có người đã trưởng thành, làm bếp trưởng ở những nhà hàng, khách sạn lớn.

Sau đó là chờ đến ngày các con nghỉ học để thông báo cho gia đình. Trẻ em vào làng là những cháu mồ côi cả bố lẫn mẹ nhưng vẫn còn họ hàng, hay những cháu mất một trong hai người thân và người còn lại gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Số lượng các cháu trong làng luôn bó buộc là 110 cháu, nếu có các cháu ra thì mới tìm các cháu khác ở các quận huyện thuộc Hà Nội để đưa vào.

Vì vậy, sau khi các con được nghỉ học, làng sẽ liên lạc với người thân để đón các cháu về ăn Tết cùng gia đình, dù biết rằng, khi các cháu lên, mọi quy luật sinh hoạt sẽ bị phá vỡ và các mẹ lại phải gò lại từ đầu.

Ngày Tết ở những làng trẻ cũng ấm áp như mùa xuân ở khắp mọi nơi trên đất nước Việt mình. Song để lo cho các em đủ đầy, không bị thiệt thòi nhiều hơn những bạn cùng trang lứa là một sự nỗ lực lớn của lãnh đạo các làng. Và hơn tất cả đó là sự chung tay của cộng đồng để các em không bị tủi phận là trẻ mồ côi.                          

Châu Anh