Lận đận nghề nặn tò he

(ANTĐ) - Dịp “Kỷ  niệm 10 năm văn hóa Việt Nam - Hoa Kỳ (tổ chức tại Mỹ) và hội chợ Quốc tế Expo - Aichi (Nhật) cách đây 2 năm, nghề nặn tò he được đại diện cho các nghề truyền thống của Việt Nam “xuất ngoại” để giới thiệu nét đặc sắc văn hóa Việt Nam cho bạn bè quốc tế. Thế nhưng số phận tò he sao vẫn lận đận đến tận bây giờ.

Lận đận nghề nặn tò he

(ANTĐ) - Dịp “Kỷ  niệm 10 năm văn hóa Việt Nam - Hoa Kỳ (tổ chức tại Mỹ) và hội chợ Quốc tế Expo - Aichi (Nhật) cách đây 2 năm, nghề nặn tò he được đại diện cho các nghề truyền thống của Việt Nam “xuất ngoại” để giới thiệu nét đặc sắc văn hóa Việt Nam cho bạn bè quốc tế. Thế nhưng số phận tò he sao vẫn lận đận đến tận bây giờ.

Tò he sang Mỹ, sang Nhật

“Người ta nhìn thấy mình nặn xe loan, ông tiên nhưng vẫn không phục lắm. Họ chỉ tay lên con vật được gọi là Pokémon và bảo mình nặn. Cũng thấy run vì từ bé đến lớn mình chưa thấy con vật đó bao giờ. Mình nặn y chang, mà người ta còn bảo đẹp hơn hình Pokémon ở hội chợ”. Đó là kỷ niệm của ông Nguyễn Văn Thuận, nghệ nhân nặn tò he của thôn Xuân La, Phượng Rực, Phú Xuyên, Hà Tây khi tham dự hội chợ Expo-Aichi (từ ngày 1 đến 26-9-2005 tại Nhật Bản).

Cũng năm 2005, ông Thuận đã mang “con” tò he sang Mỹ tham dự lễ “Kỷ niệm 10 năm văn hóa Việt Nam-Hoa Kỳ” (từ ngày 5 đến 5-7-2005). Tại đây, những người bạn Mỹ cũng đã trầm trồ vì bàn tay khéo léo, óc tưởng tượng, sáng tạo của nghệ nhân nặn tò he Việt Nam.

Những con tuần lộc, ông già Noel là những hình ảnh mà ông gặp lần đầu tiên ở đó nhưng khi được yêu cầu ông đều nặn được  hết. Có người yêu cầu nặn chân dung ông cũng nhận.

Người Mỹ cứ nghĩ ông Thuận giống như nhà ảo thuật biết biến hóa những mẩu bột thành những hình ngộ nghĩnh vì ông làm nhanh quá, họ chẳng kịp học được cái gì. Có người xin học, ông dạy nhưng họ vẫn không thể làm được.

Bí quyết của ông Thuận hết sức đơn giản: Chỉ một nắm bột nếp được đánh nhuyễn, nấu đủ chín (không được chín quá, nhưng không được sống sượng quá), dẻo mà không dính tay. Ba loại màu cơ bản trộn với bột sau đó trộn thành những màu khác nhau rồi véo mỗi cục chỉ hơn đầu ngón tay cái một ít, để riêng ra.

Cùng với những cái que được vót khoảng 20cm, một cái lược nhỏ, rồi nặn, rồi lại pha bột, mỗi thứ chỉ véo một tí tẹo, vê vê chỉ bằng ngón cái và ngón trỏ, lấy cái lược di di, miết miết mà thành tôn ngộ không, Thánh Gióng và đủ thứ trong cuộc sống. “Phải ăn cơm, uống nước của làng Xuân La từ nhỏ mới có thể nặn được tò he”, Giáo sư Tô Ngọc Thanh, người nghiên cứu về chất liệu để làm tò he đã nhận xét vậy.

Những nghệ nhân nặn tò he không còn nhiều
Những nghệ nhân nặn tò he không còn nhiều

Nghề đặc biệt, số phận đặc biệt

Nghề nặn tò he tính đến đời nghệ nhân Nguyễn Văn Thuận là được 9 đời. Mà kỳ lạ, suốt mấy thế kỷ, nghề đó không thất truyền mặc dù những người nặn tò he cứ “tha phương” khắp nơi kiếm sống, họ cũng không hề giấu nghề. “Thương hiệu tò he” nghiễm nhiên được đặt cho làng Xuân La.

Nghề nặn tò he khởi đầu từ đất sét, rơm rạ. Nghệ nhân Đặng Văn Tố, người có công gìn giữ, lưu truyền nghề này kể: “Ngày xưa, làng Xuân La nghèo lắm. Đến Tết Trung thu, trẻ con không có quà để chơi. Ông cha ta mới nghĩ ra cách lấy đất sét, nặn những con giống, lấy rơm rạ nung, rồi lấy gạch non quét màu, phơi khô mang cho trẻ con chơi.

Bọn trẻ chơi thổi kêu toe toe nên người ta gọi là tò he”. Sau đó một thời gian, người ta dùng  bột nếp nặn tò he, trẻ con chơi xong có thể ăn con giống. Thời trước, khi đồ chơi cho trẻ con chưa nhiều, người lớn hay mua tò he cho trẻ con vừa để làm đồ chơi vừa là một thứ quà bánh.

Đến làng Xuân La, chúng ta chỉ thấy lèo tèo ít trẻ con, người già. Gần như cả làng  mỗi người sắm một cái xe đạp cà tàng, một cái hộp nhỏ, vài bộ quần áo cũ là đi khắp nơi trên đất nước. Trước đây không có xe đạp, người ta còn bồng bế con cái, nồi xoong… đi kiếm sống.  Đến vụ cấy người ta mới về.

Tại Xuân La trẻ con cứ 7-8 tuổi là được dạy cách nặn tò he. Tha hương khắp nơi. Con trai ông Nguyễn Văn Thuận cũng đang vào tận thành phố Hồ Chí Minh hành nghề, 5 năm rồi mà vẫn chưa về nhà được.

Những năm trước thời kỳ đổi mới, nghề tò he còn bị cấm vì bị cho rằng gây lãng phí. Theo cụ Đặng Văn Tố, mỗi ngày một người nặn tò he của làng cụ dùng ít nhất 1kg gạo nếp. Có khoảng hơn 200 người đi nặn tò he. Vậy nên nghề nặn tò he bị cấm.

Người Mỹ nhìn nghệ nhân Nguyễn Văn Thuận như một nhà ảo thuật thổi hồn vào những mẩu bột tí hon
Người Mỹ nhìn nghệ nhân Nguyễn Văn Thuận như một nhà ảo thuật thổi hồn vào những mẩu bột tí hon

Tò he và ý nghĩa văn hóa

Theo nghệ nhân Nguyễn Văn Thuận và nghệ nhân Đặng Văn Tố, nặn tò he không theo một khuôn nhất định. Đó là nghề tái tạo cuộc sống. Người ta cứ nhìn thấy cái gì là nặn cái đó. Ngay cả cách pha bột cũng không thể dạy được. Chỉ có thể tự cảm thấy thế nào là vừa, thế nào là đủ mà thôi.

Trước xu thế hội nhập, nghề tò he đang có dấu hiệu mai một vì sự manh mún. Mỗi người chạy một nơi, tha phương cầu thực mà không đủ ăn. Có những người làm cả năm đến Tết vẫn không được về nhà. ở nơi đất khách quê người không đủ tiền sắm một cái tết.

Anh Nguyễn Văn Việt, nguyên Trưởng thôn Xuân La tâm sự: “Thật sự bây giờ thế hệ trẻ ở làng có biết nặn tò he nhưng chúng tôi khuyến khích các cháu đi học nghề khác và học đại học để thay đổi bộ mặt của làng. Chúng tôi vẫn tự hào về nghề truyền trống nhưng giờ nó chỉ có ý nghĩa văn hóa mà thôi”.

Những người như nghệ nhân Nguyễn Văn Thuận vẫn ngày ngày đạp xe đến những chỗ có lễ hội, công viên để nặn tò he cho khách đi đường. Mọi người vẫn cứ trầm trồ khen người nghệ nhân khéo tay nhưng những con giống tò he không cạnh tranh được với đồ chơi điện tử Trung Quốc vì tò he tiếng là ngồi ven đường nhưng lại cần sự nâng niu, thưởng thức. Đó là nét đẹp, bản sắc của văn hóa Việt Nam.                                  

Đặng Tuyền