“Em bé Phúc Tân”- ngày ấy và bây giờ

(ANTĐ) - Thời gian trôi không ngừng nghỉ. Em bé trong bức ảnh “Phúc Tân kêu gọi trả thù” năm nào của nhà nhiếp ảnh, phóng viên Vũ Ba giờ đã lên chức bà ngoại...

“Em bé Phúc Tân”- ngày ấy và bây giờ

(ANTĐ) - Thời gian trôi không ngừng nghỉ. Em bé trong bức ảnh “Phúc Tân kêu gọi trả thù” năm nào của nhà nhiếp ảnh, phóng viên Vũ Ba giờ đã lên chức bà ngoại...

Cô bé ngày ấy, người chồng của cô hôm nay và cả những người hàng xóm xung quanh sống cùng cô đi hết nửa đời người, không ai có thể nghĩ rằng, bức ảnh bình thường ấy lại hết sức có giá trị vào thời điểm đầy đau thương và mất mát của cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Lai lịch một bức ảnh

Bức ảnh đã 42 năm tuổi đời này không xa lạ gì với giới nhiếp ảnh Việt Nam, bởi số phận thăng trầm của nó... Bức ảnh đen trắng đó chụp một bé gái mắt hướng về phía xa và đang gào khóc, phần hậu cảnh là những khung nhà đang cháy rực...

Bé gái trong bức ảnh là Dương Thị Bé (lúc đó 11 tuổi) dù đang gào khóc thất thần nhưng khuôn mặt vẫn toát lên một vẻ đẹp đơn sơ với những nét đặc trưng của trẻ em vùng châu thổ sông Hồng. Chị Bé kể, xóm nhà tranh mái lá của chị ở bãi bồi sông Hồng (vị trí gần cầu Chương Dương bây giờ). Buổi xế trưa định mệnh ấy (ngày 17-5-1966), mẹ chị đi lấy trấu ở tận Nhà máy Lương Yên còn chị vừa ra chợ Hàng Bè mua rau cho lợn về.

Ngang qua nhà đứa bạn hàng xóm tên Thêm, hai người mới chào hỏi dăm câu thì máy bay Mỹ ào đến bỏ bom, cả hai bèn kéo nhau chui xuống gầm giường núp. Rồi bỗng nghe tiếng hô hoán: “Cháy! Cháy!”, Bé vùng chạy về nhà mình.

Bức ảnh “Phúc Tân kêu gọi trả thù”
Bức ảnh “Phúc Tân kêu gọi trả thù”

Cửa nhà đã bị cột chặt nhưng Bé luôn nhớ lời mẹ căn dặn: “Nhớ nhé! Phải “cứu” lấy sổ gạo, sổ hộ khẩu trước tiên!”. áo quần thì lúc nào cũng đã gói ghém, sẵn sàng để sơ tán. Bé phá cửa vào nhà, ngoài những gì mẹ đã dặn dò còn gặp cái gì cứ chuyển hết lên mặt đê cách đó khoảng 200 mét.

Chạy quýnh quáng đến cả mấy chục chuyến, không ít lần té sấp mặt trong khi ở phía sau lửa đang cháy cuồn cuộn... Trận bom ấy, khu vực quanh xóm bãi sông cháy đến hơn 360 nóc nhà...

Còn nghệ sỹ nhiếp ảnh Vũ Ba khi đó là phóng viên ảnh Báo Quân đội Nhân dân. Từ trên đê nhìn xuống xóm bãi thấy lửa cháy ngút trời. Chạy nhanh về phía ấy, ông thấy một cháu bé đang đứng gào khóc: “Mẹ ơi! Mẹ ơi!”. Cô bé cứ nấc lên, tức tưởi trông rất tội nghiệp. Ông đưa máy lên chụp đúng một kiểu rồi chạy tiếp xuống phía lửa cháy để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ của mình.

Tìm người trong ảnh

Những con ngõ ngoắt ngoéo của khu tập thể Tân Mai đưa tôi đến thăm gia đình chị Dương Thị Bé và anh Đào Hữu Thịnh. Cô bé Phúc Tân trong bức ảnh ngày ấy giờ đã bước sang bên kia đỉnh dốc của cuộc đời.

Không còn đâu là hình ảnh cô bé gầy guộc, khoác trên mình bộ quần áo lụa tơ tằm của người cha may cho, vừa đi chợ Hàng Bè mua rau lợn, đang đứng kêu khóc trên bờ đê gọi mẹ vì nhà đã cháy hết. Thay vào đó là một người phụ nữ vẻ mặt duyên dáng, phúc hậu và cũng phải vật lộn với cuộc sống hàng ngày.

Gia đình chị Dương Thị Bé hiện nay
Gia đình chị Dương Thị Bé hiện nay

Cuộc sống của anh Thịnh và chị Bé cũng không khác gì nhiều so với những người sống trong khu dân cư lao động này. Những khó khăn với những thay đổi chóng mặt buộc con người ta phải thích nghi và xoay nhiều nghề để sống.

Chị Bé mở một quán hàng nhỏ, bán vài thứ quà lặt vặt phục vụ cho những người dân quanh xóm, chiều tranh thủ chạy thêm lên chợ Mơ cũng bán thứ hàng dành cho người bình dân - tai lợn và ngẩu pín. Chồng chị - anh Thịnh tranh thủ vừa trông nhà, dạy dỗ con cái vừa làm thêm vài cuốc “xe ôm”, rồi lại thêm trông xe qua đêm.

Cũng nhì nhằng để lo cho cái gia đình có 5 thành viên. Giờ chị Bé anh Thịnh cũng đỡ vất vả hơn vì các con của anh chị phần nào cũng đã trưởng thành. Và bức ảnh của chị chụp khi mới 11 tuổi ấy, dù nổi tiếng ra ngoài nước Việt Nam thì vẫn chỉ là một kỷ niệm của thời thơ ấu, bởi cái mà chị Bé lưu giữ được, chỉ là một mẩu báo nhỏ xíu, ố vàng qua thời gian và cũng lẫn lộn ở đâu đó trong ngôi nhà mới được xây dựng khang trang từ năm 2007.

Cuộc hội ngộ sau 41 năm

Ngay sau khi nhà báo Vũ Ba chụp ảnh Dương Thị Bé và đặt cho bức ảnh tên gọi sơ khai là “Phải chăng đây là mục tiêu quân sự của Johnson?” nhưng sau này đổi thành “Phúc Tân kêu gọi trả thù”, được giải thưởng lớn của Báo Sự thật (Liên Xô, 1967), đã quay xuống bãi Phúc Tân để tìm Bé.

Nhưng đến năm 1980, khi cầu Chương Dương được xây dựng, ngôi nhà của 3 mẹ con phải di dời, được chuyển xuống khu Tân Mai, nhà nhiếp ảnh Vũ Ba và chị Dương Thị Bé thất lạc nhau từ đó. Ông Vũ Ba chuyển vào TP.HCM công tác, những lần ra Hà Nội đều cố công đi tìm nhân vật trong bức ảnh để đời của mình, nhưng đều không thành công.

Chị Dương Thị Bé với quán hàng nhỏ của mình Cuộc hội ngộ sau 41 năm ra đời bức ảnh “Phúc Tân kêu gọi trả thù” Chị Dương Thị Bé với quán hàng nhỏ của mình Cuộc hội ngộ sau 41 năm ra đời bức ảnh “Phúc Tân kêu gọi trả thù”
Chị Dương Thị Bé
với quán hàng nhỏ của mình
Cuộc hội ngộ sau 41 năm ra đời bức ảnh “Phúc Tân kêu gọi trả thù”

Không hiểu lý do gì đã thôi thúc ông đi tìm chị Bé như vậy, phải chăng chỉ là để cảm ơn, hay là một việc làm nào đó để cô bé đó thoát khỏi cảnh khó khăn. Cuối cùng, bằng cách gửi đến ủy ban phường thời đó một bức thư với nội dung nhờ tìm giúp chị Bé. Và vào một ngày, khi chị Bé đang bán hàng ở chợ thì những người cán bộ của ủy ban phường Phúc Tân tìm đến đưa cho chị lá thư và lời nhắn gửi của nghệ sỹ nhiếp ảnh Vũ Ba.

Lần lữa mãi, sau rất nhiều lời mời vào TP.HCM của nghệ sỹ nhiếp ảnh Vũ Ba, mãi đến tháng 6 năm ngoái, anh Thịnh và chị Bé mới có dịp gặp lại cố nhân sau hơn 40 năm bức ảnh ra đời. Ông Vũ Ba giờ tuổi cũng đã  cao, lại  nhiều bệnh tật, nhưng ý chí lạc quan thì vẫn còn tươi nguyên.

Ông nói với chị Bé, bức ảnh Phúc Tân kêu gọi trả thù có một giá trị lớn lao nhưng không phải ai cũng thừa nhận nó. Lần đoạt giải thưởng lớn của Liên Xô, tác giả chưa kịp mừng thì đã bị quy chụp bởi những quan điểm thiển cận khiến ông suy sụp tinh thần.

Phải đến năm 1979, khi xuất hiện một bài viết trên Báo Nhân dân đòi phục hồi lại giá trị của bức ảnh thì tác giả mới được tôn vinh, được... đi nhận giải! Chị Bé không hiểu nhiều về những điều ông nói, cũng chẳng biết thế nào là tinh thần nọ, tinh thần kia, chị chỉ biết, bức ảnh cũng khiến ông Vũ Ba bị sao đó, còn bây giờ đã được minh oan và ông Vũ Ba cho chị đến... 1 triệu đồng gọi là để “hưởng lộc” cùng ông.

Bức ảnh “Phúc Tân kêu gọi trả thù” đã đưa nghệ sỹ nhiếp ảnh Vũ Ba đến Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. Còn chị Dương Thị Bé, nhân vật chính của bức ảnh đi qua cuộc chiến tranh với lời nhận xét hài hước: Bom đạn nó tránh mình hay sao ấy, vẫn sống hết sức bình thường giữa những người dân lao động và thỉnh thoảng lại được gặp các nhà báo về bức ảnh đặc biệt của mình. Với chị đó là niềm vui mà không phải bất cứ người dân bình thường nào khác cũng có được.

Yên Hưng