Đỏ mắt tìm thôn nữ

(ANTĐ) - Cận Tết, lẽ ra ở những vùng nông thôn miền Tây rộn ràng cảnh các cô gái quê phụ việc đồng áng trong các gia đình hay chuẩn bị quét dọn nhà cửa, xay gạo nếp gói bánh. Ngược lại, đâu đâu cũng thấy một quang cảnh vắng vẻ, đỏ con mắt cũng không tìm đâu ra một bóng hồng...

Đỏ mắt tìm thôn nữ

(ANTĐ) - Cận Tết, lẽ ra ở những vùng nông thôn miền Tây rộn ràng cảnh các cô gái quê phụ việc đồng áng trong các gia đình hay chuẩn bị quét dọn nhà cửa, xay gạo nếp gói bánh. Ngược lại, đâu đâu cũng thấy một quang cảnh vắng vẻ, đỏ con mắt cũng không tìm đâu ra một bóng hồng...

Những vùng quê miền Tây chỉ còn lại ông già, bà lão, trẻ con, phụ nữ có chồng đứng tuổi và những anh trai làng chỉ biết tìm vui với những… cuộc nhậu bí tỉ. Vậy những cô gái nông thôn miền Tây ở độ tuổi 16-25 đi về đâu?

“Cô Thắm” rửa sạch chân quê

Một thực tế đáng buồn là hiện nay những vùng nông thôn miền Tây như Sóc Trăng, Vĩnh Long, Trà Vinh, An Giang, Cần Thơ, Bạc Liêu, Cà Mau, Tiền Giang, Bến Tre, Long An… diện tích đất trồng lúa đã bị thu hẹp dần để quy hoạch thành khu nuôi tôm, nuôi cá. Tình trạng chuyển đổi vật nuôi cây trồng mang tính bột phát nên xảy ra được mùa thì mất giá, mất mùa thì tán gia bại sản.

Môi trường nước và cả môi trường đất bị ô nhiễm trầm trọng do chất thải từ các ao nuôi và hóa chất xử lý còn tồn dư một thời gian dài đất đai nằm chết cứng không khai thác được gì thêm.

Những gia đình nông dân lâm cảnh trắng tay, nợ nần chồng chất, lao động không có việc làm, thanh niên chơi bời nhậu nhẹt suốt ngày. Các cô gái chân quê thì mơ ước một cuộc đổi đời, thoát khỏi cảnh cắt lúa, chèo ghe, làm mướn theo mùa vụ…

Thế nên nếu trong xóm, trong làng có một cô gái mới lớn tìm được dịp may, cơ hội bất ngờ để bỏ quê lên thành phố… bán cà phê, làm công nhân ở các công ty, xí nghiệp may một thời gian có tiền, thay đổi bộ cánh, rửa sạch gót chân quê, vòng vàng đeo xủng xoẻng trở về thăm nhà, giúp gia đình trả được nợ, sửa được nhà cho cha mẹ, ăn sung mặc sướng, là niềm mơ ước của các cô gái khác.

Thế là chẳng có gì khó hiểu khi các cô gái quê mới lớn đi theo “thần tượng” của mình để làm một cuộc đổi đời nhanh chóng. Các cô có biết đâu rằng việc đi “bán cà phê” hay làm ở “công ty may” chỉ là bức bình phong để che giấu một thực trạng đau lòng.

Thực ra các cô gái quê trình độ văn hóa chưa hết cấp 1, còn cấp 2 là trường hợp rất hiếm (trừ khi các cô khai gian trong hồ sơ hợp đồng lao động) thì việc bán cà phê, hay làm ở công ty may chỉ là một bước đệm cho cuộc dấn thân vào chốn tệ nạn xã hội mà môi trường trung chuyển là nhà hàng “bia ôm”, hớt tóc thanh nữ, tiệm gội đầu massage…

Những điểm hút gái quê không đáy

Theo thống kê chưa đầy đủ thì TP Hồ Chí Minh có 25.000 cơ sở kinh doanh, hoạt động loại hình nhạy cảm như: Nhà hàng karaoke, vũ trường, hớt tóc gội đầu nam, massage các kiểu… Chính những điểm này đã hút một lượng gái miền Tây “bỏ quê lên tỉnh” rất lớn và gần như không đáy vì hết thế hệ này đến thế hệ khác khi các cô gái quê kịp lớn lên theo gót “đàn chị mưu cầu” một cuộc đổi đời.

Bởi thế nên có nhiều trường hợp rất “hoàn cảnh”, dân chơi đi đâu cũng gặp đồng hương miền Tây, nhiều cô gái trẻ măng, chân chưa kịp rửa sạch phèn, phát âm còn đặc sệt tiếng địa phương đầy trong các nhà hàng “bia ôm”, quán cà phê trá hình, tiệm massage gội đầu hay các vũ trường.

Và cứ theo quy luật đào thải của thời gian và nhan sắc các cô gái quê đi từ vạch xuất phát ở các quán cà phê-tiệm gội đầu massage-nhà hàng bia ôm-vũ trường rồi quay trở lại và ngày trở lại có thêm một vạch mới ở cuối đường, đó là ra… vỉa hè làm gái mại dâm bình dân.

Một con số thống kê khá đau lòng rút ra được từ báo cáo của cơ quan chức năng: Trong 5 năm thực hiện Pháp lệnh Phòng chống mại dâm, toàn thành phố có đến 64,6% gái mại dâm đa số từ các tỉnh miền Tây. Trong đó có giai đoạn tăng rất cao và rất nhanh là từ 2005-2006, con số này lên đến 87% trong tổng số 12.000 gái mại dâm.

Nếu nhìn địa bàn xa hơn thì trên cả nước như các tỉnh phía Bắc: Từ vùng Tây Bắc đến Hà Nội, dọc dài vào miền Trung, Tây Nguyên, vượt biên giới sang cả Campuchia, Lào, Thái Lan, Trung Quốc, Singapore… ở bất cứ điểm ăn chơi nào cũng đều bắt gặp gái miền Tây.

Một đi không trở lại

Nếu các cô gái nông thôn miền Tây không bị hút vào những hố sâu không đáy như vừa nêu trên thì lại do hoàn cảnh mà rẽ sang một lối khác. Đó là lấy chồng ngoại mà phần lớn là lấy chồng Hàn Quốc, Đài Bắc (Trung Quốc).

Theo thống kê chưa đầy đủ trong các năm qua đã có hàng trăm nghìn cuộc hôn nhân giữa gái Việt Nam lấy chồng Hàn, chồng Đài, và hàng chục nghìn cuộc hôn nhân giữa gái Việt Nam và chồng Singapore, Malaysia. ở thành phố Hồ Chí Minh người ta không còn lạ gì cảnh các cô gái Việt Nam xếp hàng rồng rắn trước lãnh sự quán Hàn Quốc chờ làm thủ tục kết hôn với chồng Hàn.

Làm gì để ngăn chặn làn sóng các cô gái nông thôn miền Tây bỏ quê đi khắp nơi, kể ra một số nước trên thế giới mà nếu may mắn có một tấm chồng thì chưa chắc đã sống trong hạnh phúc.

Còn nếu số phận không may mắn thì sa vào con đường mại dâm cho đến khi nhan sắc tàn phai, bị đào thải và bi thảm hơn còn mang chứng bệnh thế kỷ HIV/AIDS? Chỉ có một con đường là thúc đẩy miền Tây nhanh chóng ra khỏi tình trạng kém phát triển, có kế hoạch khai thác tiềm năng con người, tiềm năng xã hội để đưa kinh tế miền Tây phát triển đúng hướng chứ không phải ở trong tình trạng manh mún, tự phát hoặc nếu có quy hoạch thì cũng không mang tính bền vững.

Nếu không làm được vấn đề này thì miền Tây sẽ còn luẩn quẩn trong đói nghèo, lạc hậu và… buồn tẻ khi hầu như các khu vực nông thôn có nhiều vùng đỏ mắt cũng không tìm đâu ra một thôn nữ. Những “cô Thắm” chân quê ấy đã một đi không trở lại.

Qúy Nhâm