Đến với những người dễ bị tổn thương

ANTĐ - Nguyễn Tùng Vũ sinh năm 1987, quê Chương Mỹ, Hà Nội. Tốt nghiệp ngành Công nghệ Thông tin, nhưng chàng trai trông có vẻ thư sinh này lại đang làm một công việc chẳng có gì liên quan tới cái ngành mà anh theo học. “Mặt trận” anh tham gia là “cuộc chiến” đẩy lùi HIV/AIDS. Trò chuyện để hiểu hơn về lý do vì sao nhiều người trẻ nặng lòng với hoạt động xã hội “xông” vào những công việc khó khăn như vậy.

Đam mê

Trong những tháng ngày còn ngồi trên giảng đường đại học, tình cờ Nguyễn Tùng Vũ được một người bạn giới thiệu vào cộng tác với vai trò là một tuyên truyền viên cho dự án liên quan đến phòng chống HIV/AIDS. Với suy nghĩ ban đầu chỉ đơn giản là tham gia để kiếm thêm thu nhập, nhưng chẳng ngờ “điểm đến” lại có một sức hút níu chân anh đến vậy. “1 năm sau cái ngày đầu tiên tham gia tôi đã cảm thấy vô cùng yêu thích và muốn gắn bó với hoạt động xã hội rất có ý nghĩa này, thoắt một cái đã 5 năm rồi...”, Vũ chia sẻ. 

Hiện nay nhóm các bạn nam quan hệ tình dục đồng giới đang phải chịu nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS rất cao. Theo số liệu trong một nghiên cứu gần đây cho thấy ở 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM thì tỉ lệ lây nhiễm đã lên tới 17%. Việc chia sẻ những thông tin liên quan đến phòng, chống HIV/AIDS là điều cần thiết để giúp đỡ các bạn trẻ, các bạn đồng tính nam có những kiến thức căn bản lẫn kỹ năng phòng tránh. Có lẽ chính vì điều này mà nhóm có tên “Ước mơ tuổi trẻ” đã được Vũ thành lập. Vũ cho biết: “Trước đây, tham gia với vai trò là một tuyên truyền viên tôi cảm thấy nhóm các bạn “dễ bị tổn thương” thiếu những nơi để giúp kết nối các bạn lại, chia sẻ kiến thức, vì vậy tôi đã quyết định thành lập một câu lạc bộ, nơi để các bạn trẻ có thể hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau, chia sẻ về cuộc sống, những kỹ năng liên quan đến phòng, chống HIV/AIDS; tuyên truyền chống kỳ thị đối với những người nhiễm HIV, quan hệ tình dục đồng giới, song tính và chuyển giới…”.

Dấn thân

 

Mới  đầu, trong vài trò của một cộng tác viên dự án, Vũ đã không ngại khó ngày ngày bám sát và tìm cách tiếp cận các tụ điểm phức tạp về mại dâm, quán massage, nhà hàng, khách sạn, các địa điểm công cộng để tuyên truyền phòng chống HIV, các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục và vận động họ sử dụng các biện pháp dự phòng lây nhiễm. Vũ cho biết: “Lúc đó không ít bạn sinh viên có những hiểu biết chưa đúng, đến gần 50% cho rằng chỉ quan hệ tình dục với gái mại dâm và tiêm chích ma túy mới có nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS còn lại quan hệ với người yêu thì không thể lây nhiễm. Trước nhận thức này, chúng tôi đã nghĩ ra nhiều hình thức khác nhau để chuyển tải những thông điệp, kiến thức phòng tránh HIV đến các bạn sinh viên. Sau những nỗ lực của tất cả thành viên trong nhóm, con số đã được đẩy lên đến gần 80% các bạn trẻ hiểu được những nguy cơ lây nhiễm HIV do quan hệ tình dục không an toàn và không còn chủ quan với HIV như trước”. 

Đến nay, khi đã là Chủ nhiệm CLB “Ước mơ tuổi trẻ” 5 năm tuổi, Vũ vẫn chưa dừng công việc của một tình nguyện viên dự án như ban đầu. Anh vẫn cùng các bạn tình nguyện viên, cộng tác viên đến các trường trung học, cao đẳng, đại học… để tuyên truyền phòng, chống HIV cho thanh thiếu niên. Bởi với anh, mỗi thông điệp được phát đi sẽ cứu rất nhiều người thoát khỏi “con virus” giết người. Dẫu biết công việc không mang lại lợi nhuận về vật chất nhưng nó mang ý nghĩa tinh thần rất to lớn cho cộng đồng, Vũ lại tiếp tục cùng những bạn trẻ tâm huyết triển khai “Mạng lưới Thanh niên Việt Nam phòng chống HIV/AIDS” trên phạm vi toàn quốc. 1 năm tuổi, mạng lưới mà anh là điều phối viên các hoạt động đã mở rộng ra 8 tỉnh thành: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, TP.HCM, Cần Thơ… với hàng trăm tình nguyện viên phòng, chống HIV/AIDS cho những nhóm: Người sống với HIV/AIDS trẻ; Mại dâm trẻ; Tiêm chích ma túy trẻ; Đồng tính nam; Chuyển giới… 

Hành động 

Theo đánh giá chung hiện nay có khoảng 1,6 triệu người đồng tính, song tính và chuyển giới trên cả nước. Trong đó, nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới và nhóm chuyển giới từ nam sang nữ phải đối mặt với nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS cao. Để đẩy lùi nguy cơ này, Vũ cho biết: “Nhóm đã trực tiếp tiếp cận những điểm “nóng” mà các bạn hay đến như các cơ sở vui chơi giải trí để chia sẻ thông tin. Đã có rất nhiều những buổi chia sẻ theo nhóm nhỏ khoảng 10 người cùng thảo luận với nhau về 1 chủ đề để giúp các bạn có những kỹ năng an toàn phòng, chống HIV. Hoạt động tiếp theo là tổ chức các buổi giao lưu đều đặn hàng tháng giữa các bạn trong cộng đồng, khoảng 30 đến 50 bạn trẻ gặp gỡ, chia sẻ những vấn đề khúc mắc gặp phải trong cuộc sống, đây là thời điểm câu lạc bộ và mạng lưới lồng ghép những thông điệp như tư vấn xét nghiệm HIV, khám và điều trị những bệnh lây truyền qua đường tình dục cho các bạn trẻ. Ngoài ra còn tổ chức những sự kiện ngoài cộng đồng để giúp xã hội hiểu hơn, chống kỳ thị phân biệt đối với những nhóm “dễ bị tổn thương” để hỗ trợ họ trong việc phòng chống HIV, đẩy lùi căn bệnh thế kỷ…

Hiện nay vẫn còn rất nhiều khó khăn, đầu tiên đó là hầu hết các thành viên trong mạng lưới, câu lạc bộ đều còn rất trẻ, thứ nữa là ngày xây dựng những viên gạch nền đầu tiên không phải ai cũng hiểu, vẫn có người không đồng thuận. Nay mọi thứ đã thay đổi, nhưng đó không phải là điều chúng tôi quan ngại bằng sự kỳ thị của cộng đồng vẫn còn lớn đối với những nhóm dễ bị tổn thương. HIV đã khiến cho cơ hội của họ được tiếp cận với những dịch vụ y tế bị hạn chế. Không ít bạn trẻ đã tâm sự với chúng tôi rằng chính sự kỳ thị khiến họ e ngại đến khám và chữa bệnh tại các cơ sở y tế. Nhưng chúng tôi không dừng lại, mà tiếp tục xây dựng phát triển bền vững để tạo một “sân chơi” - nơi mà các bạn thanh niên có thể gửi gắm, tin tưởng cùng tham gia phòng, chống HIV/AIDS. Thực tế, việc khảo sát, đánh giá nhu cầu của các thành viên trong các nhóm “dễ bị tổn thương” mới thấu hiểu hết những mong muốn rất thực, rất con người của họ như muốn công khai với gia đình bản thân mình là người đồng tính, muốn tới khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế”…

  

Mong ước 

Gặp, trò chuyện với Nguyễn Tùng Vũ bất kỳ ai cũng sẽ tin những điều anh nói và những việc anh đang làm. Bởi với niềm đam mê, tâm huyết và tấm lòng vì cộng đồng của anh và các bạn tình nguyện viên, cộng tác viên còn rất trẻ trên khắp mọi miền đất nước sẽ góp phần đẩy lùi căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS mà cả thế giới đang nỗ lực “tuyên chiến”. Qua hoạt động xã hội của CLB “Ước mơ tuổi trẻ” nói riêng và “Mạng lưới Thanh niên Việt Nam phòng chống HIV/AIDS” đã khiến nhóm “dễ bị tổn thương” trong xã hội ngày càng muốn thể hiện bản thân mình hơn. Nhóm những người sống với HIV đã tự tin nói rằng họ là những người bị nhiễm HIV nhưng vẫn sống khỏe, có ích cho bản thân, gia đình và xã hội. Hay nhóm những người tiêm chích ma túy là nhóm bị pháp luật cấm, nhưng với chiến dịch hỗ trợ điều trị methanol đang triển khai ở một số địa phương đã giúp họ có điều kiện tiếp cận, tham gia điều trị methanol không tiêm chích ma túy nữa, cuộc sống của họ trở lại với bình thường, sống tích cực hơn, học tập, làm việc khiến gia đình ngày càng tin tưởng. Còn đối với nhóm những người đồng tính nam sẵn sàng công khai trên các phương tiện truyền thông đại chúng họ là người đồng tính nhưng vẫn sống tốt, tích cực tham gia rất nhiều các hoạt động từ thiện trong cộng đồng, đóng góp cho xã hội...

Vũ bảo, anh mong ước trong tương lai gần sẽ hướng đến việc giúp đỡ các dịch vụ y tế như trung tâm xét nghiệm, các phòng khám ngoại trú, phòng khám tư nhân… - “Chúng tôi muốn hợp tác với họ để khi “chuyển, gửi” những “khách hàng” của các nhóm thành viên đến các cơ sở này sẽ được tiếp nhận với thái độ thân thiện, chất lượng phục vụ tốt hơn, tuyệt nhiên không để có sự kỳ thị. Trong cuộc sống, sự kỳ thị sẽ đẩy các bạn trong nhóm này đến gần hơn với những nguy cơ nhiễm HIV/AIDS ngày càng cao mà cộng đồng không phải ai cũng hiểu được sự nguy hiểm của nó. Một hệ quả tất yếu, sự kỳ thị sẽ khiến họ cảm thấy tự ti, bị dồn đến chân tường, không còn lối thoát nên không quan tâm đến sức khỏe của bản thân, đến việc phòng chống HIV/AIDS. Sự kỳ thị tại các cơ sở y tế khiến họ ngại đến đây dẫn đến việc không có điều kiện điều trị các căn bệnh lây truyền qua đường tình dục, không có cơ hội xét nghiệm HIV để biết được tình trạng sự khỏe, lây nhiễm của mình như thế nào. Sự kỳ thị làm những người nhiễm HIV rơi vào tình trạng điều trị muộn khiến những bệnh nhiễm trùng cơ hội phát triển, sức khỏe, tâm lý ngày càng bị tổn thương nặng nề. Trong khi điều trị tốt cũng là biện pháp dự phòng lây nhiễm cho những người xung quanh”. Nếu vẫn có những cái nhìn kỳ thị, phân biệt đối xử với những nhóm dễ bị tổn thương thì chính chúng ta đang đẩy họ tới bước đường cùng. Và vô hình trung cũng làm tăng tỉ lệ lây nhiễm HIV trong xã hội.