Báu vật của đại dương

(ANTĐ) - Cảng biển Vân Đồn ngay từ sáng sớm đã nhộn nhịp những tàu đánh cá cập bến, tanh nồng vị biển cùng các loại thủy sản. Tiếng người ồn ào, gọi nhau í ới gợi cho mỗi người nỗi nhớ về một Vân Đồn thương cảng xa xưa, thuyền buôn từ khắp nơi đổ về. Và lẫn trong những người buôn bán ấy là từng tốp công nhân, áo xanh vội vàng miếng bánh chưng, “chít” xôi nhỏ... để tiện lên tàu, dập dìu sóng xanh đến với “công trường” nuôi ngọc trai.

Báu vật của đại dương

(ANTĐ) - Cảng biển Vân Đồn ngay từ sáng sớm đã nhộn nhịp những tàu đánh cá cập bến, tanh nồng vị biển cùng các loại thủy sản. Tiếng người ồn ào, gọi nhau í ới gợi cho mỗi người nỗi nhớ về một Vân Đồn thương cảng xa xưa, thuyền buôn từ khắp nơi đổ về. Và lẫn trong những người buôn bán ấy là từng tốp công nhân, áo xanh vội vàng miếng bánh chưng, “chít” xôi nhỏ... để tiện lên tàu, dập dìu sóng xanh đến với “công trường” nuôi ngọc trai.

Đầu tư cao, hiệu quả lớn

Ngọc trai được sản sinh theo nguyên lý phát triển của con trai, là tổng hợp thức ăn, tạo ra lớp cacbonat calcium (xà cừ) làm lớp vỏ bề ngoài. Khi có một dị vật rơi vào cơ thể, theo phản xạ tự nhiên, lớp vỏ xà cừ ấy bao bọc lấy dị vật và từ đó tạo ra ngọc trai tự nhiên. Không ai biết giá trị thật của ngọc trai vì đó hoàn toàn do đánh giá thẩm mỹ của mỗi người.

Thời gian và sức sử dụng của con người đã khiến ngọc trai tự nhiên hiếm dần. Nghề nuôi trai lấy ngọc ra đời từ những năm 1960, với lợi thế tận dụng hơn 3.000km bờ biển, và “nổi danh” nhất từ đó đến nay là Vân Đồn, nằm trong quần thể vịnh Bái Tử Long, tỉnh Quảng Ninh. Đó cũng là điều dễ hiểu vì từ hàng trăm năm về trước, Vân Đồn đã nổi tiếng với ngọc trai quý hiếm. 

Những người dân ở Vân Đồn kể, nơi đây, không dưới 50 người muốn thành lập công ty để nuôi trai cấy ngọc, nhưng quả thật với sức và người Việt Nam thì đó là điều cực khó. Muốn đầu tư để có một khu nuôi trai, bỏ rẻ cũng phải triệu đô để có cơ sở vật chất, và rồi trong quá trình sinh trưởng để có ngọc cũng phải từng ấy tiền. Thế nên, hiện nay ở Vân Đồn, chỉ tồn tại có hai đại gia Nhật Bản, dám “dũng cảm đương đầu” với số vốn khổng lồ ấy.

Không giống các loại châu báu khác, ngọc trai được sinh ra từ một sinh vật sống, được bù đắp theo năm tháng, đặc biệt nhất là một thứ châu báu không chỉ mang màu sắc lung linh mà có cả sự sống trong đó. Tuổi thọ trung bình của viên ngọc khoảng 150 năm, đến năm thứ 60, 70 thì bắt đầu lão hóa và mờ dần đi.

Ngọc trai có vẻ sang trọng lại không như kim cương hay vàng bạc không sử dụng trong lễ hiếu, đám tang... cho nên nó hầu như chứng kiến các thời điểm quan trọng trong cuộc sống, gắn liền với đời sống tinh thần, tâm tư tình cảm của người sử dụng nó, vì vậy ngọc trai không phải là vật mua đi bán lại. Anh Nguyễn Ngọc Kiên, một nhân viên kinh doanh của Spica Việt Nam, công ty hàng đầu đang sản xuất ngọc trai tại Vân Đồn kể: Chuỗi ngọc trai đắt nhất Việt Nam là 60 triệu đồng đã thuộc về một người phụ nữ thích sưu tập ngọc trai, riêng với Spica Việt Nam chị đã phải “chi” hết khoảng 60.000 USD cho cái thú tiêu dao của mình.

Với chị đó như một thứ của quý, để nâng niu, để gìn giữ và trân trọng chứ chưa ai thấy chị đeo một chuỗi nào. Xếp thứ tự các loại châu báu quý hiếm trong tự nhiên ngọc trai được xếp trên cả vàng bạc, nhưng một đặc điểm  mà các loại châu báu khác không có, đó là ngọc trai là loại châu báu mang sự sống.

Cử nhân báo chí nuôi trai

Điều mới mẻ nhất mà tôi khám phá được ở đây là anh - một cử nhân báo chí. Thôi thì anh ngại lên báo, tôi cũng chả dám nêu tên anh, nhưng gặp anh ở Vân Đồn, giữa mênh mông những bãi nuôi trai cấy ngọc, không nói đôi điều về anh thì quả là thiếu sót. Anh là bậc tiền bối, anh đến với nghề trước tôi. Khi lũ chúng tôi nhập trường còn đang lơ ngơ thì anh đã trưởng thành là người lính biên phòng trên đồn Pò Hèn - cái nơi đèo heo hút gió nhưng lại được đến hai lần phong anh hùng, là đảng viên dìu dắt lũ đoàn viên vui nhộn.

Rồi khi chúng tôi tập tành những cái tin đầu tiên thì anh đã kịp lăn mình qua hết những cung đường Tây Bắc, để đi, để trải nghiệm và để vững tay hơn trong nghề viết. Nhưng rồi, gia đình anh có việc, anh không thể ở lại Hà Nội, làm việc cho một tờ báo cũng có danh trong làng báo mà trở về quê hương, nhưng vẫn nguyên một chữ tâm dành cho nghề viết báo.

Long đong, lận đận, anh không xin được việc với cái nghề của mình và nuôi trai cấy ngọc đã mở rộng vòng tay để anh chuyển sang một đam mê khác... Anh bảo khi đó 7 phần là vì kinh tế, nhưng 3 phần còn lại  do anh là người con của Vân Đồn, sinh ra ở đây, được mảnh đất này nuôi dưỡng và bồi đắp nên hình người, thì nuôi trai cấy ngọc cũng là một công việc anh trả nợ cho quê hương.

Anh như một kho tư liệu về nuôi trai cấy ngọc ở Vân Đồn. Anh cho tôi biết thế nào là xêm, xếp trai, rồi vệ sinh trai, trai nuôi lấy ngọc phải theo quy trình thế nào hệt như một kỹ sư của nghề. Trai sau khi được vệ sinh sạch sẽ, được phân loại chia về các lồng buộc dây thả xuống biển, tùy vào kích cỡ cho số lượng trai tại mỗi lồng.

Đến một thời điểm trai lớn nhất định, người công nhân sẽ mở miệng trai, bơm vào túi sinh dục của trai, nơi tiết ra nhiều calcium nhất một loại nhân thường được nhập khẩu từ Nhật Bản, Australia, ấn độ... để bắt đầu một quy trình hình thành ngọc. Sau đó là chăm bẵm, nuôi nấng để trai sinh trưởng bình thường và cho ra ngọc. Nói thì dễ, nhưng làm thì cực nhọc vô cùng. Công trường trai ngoài biển xa, những ngày cực nóng, và cực lạnh, người làm trai chỉ ngồi chơi xơi nước, vì có cấy cũng chẳng thu được gì.

Vân Đồn đang ở những ngày nhiều gió, thuyền công nhân ra bãi dập dềnh không phải ai cũng đủ sức khỏe. 62,7% những người lao động với nghề trai là nữ, bỏ nghề nhiều mà theo nghề thì ít vì khổ quá, vất vả quá. Lao đao với sóng với gió, chút thức ăn nhỏ mang theo có khi cũng trả với biển nếu hôm nào yếu người. Ngày nào cũng lên xuống với những lồng nuôi trai, tuân thủ theo các phương pháp khoa học kỹ thuật hiện đại một cách ngặt nghèo trong suốt hàng năm trời ròng rã nhưng đến khi thu hoạch chưa bao giờ có chuyện trúng mùa ngọc cả.

  Trai sống thì ít, chết thì nhiều, cấy được 1 tháng chết 20%, 6 tháng thành 50%, 1 năm sau, kỳ thu hoạch nhiều nhất còn 30%, nhưng không phải viên nào cũng đều chằn chặn như nhau. Những người công nhân thường đùa với nhau rằng, nuôi trai như nghề làm đậu phụ, tôi cho anh cùng một túi đậu, nhưng mỗi thanh đậu ra lại khác nhau, miếng rắn, miếng mềm, miếng bùi, miếng khô... tất cả đều do tay người.

Nghề trai cũng thế, từ 30% thành công ấy, được phân thành 3 loại, đầu bảng là những viên tròn, bóng, không có tỳ vết hay dị tật chiếm khoảng 30%, sau đó là loại phổ biến, hơi méo, có tỳ vết, chiếm đến 50% và vứt đi phần còn lại vì méo mó, không thể sử dụng vào việc gì. Vất vả là thế nên nó không chỉ cấu thành từ những gì tinh túy nhất của biển mà còn là mồ hôi và tâm huyết của bao con người.

Ngọc trai di cư khỏi Vân Đồn

Những người làm ngọc trai thật sự lo lắng cho tương lai của vùng biển này, nó đang bị ô nhiễm bởi sự vô ý thức của con người. Ngọc trai tuy mang lại siêu lợi nhuận nhưng lại không phải là nghề chính ở Vân Đồn mà đó là đánh bắt thủy hải sản. Học theo bạn bè, người dân khai thác thủy sản bằng cách đánh mìn, cả đại dương như chuyển động vì những cú nổ phá núi dời non như thế. Rồi lại thêm quá trình lấn biển, xung quanh Vân Đồn, biển đã không còn bờ cát vì những ngôi nhà đã mọc lên trên những kè đá.

Cùng với đó là những nhà máy từ Hạ Long, Cẩm Phả, Cửa Ông cũng đang góp phần phá hủy môi trường biển nơi đây. Môi trường biến đổi không nhanh, ngày trước ngày sau có thể nhìn thấy, nhưng đó là sự gặm nhấm vào thiên nhiên. Trải qua một quãng thời gian dài vẫn không thể phát hiện nhưng những hành động diễn ra hàng ngày thì dễ dàng đập vào mắt để biết, biển đang bị ô nhiễm. Anh Nguyễn Vĩnh Hải - Giám đốc điều hành Công ty Taiheiyo Shinju Việt Nam cho chúng tôi biết: Thật khó có thể chứng minh bằng tài liệu rằng nước trong vịnh Bái Tử Long đã bị ô nhiễm vì chưa một công trình nghiên cứu nào khẳng định điều này.

Nhưng với mắt nhìn của người con lớn lên từ miền đất này và cả những kinh nghiệm trong nghề nuôi trai đã cho thấy vùng đất này đã bắt đầu chịu ô nhiễm do tác động của con người. Ngọc trai chất lượng tốt có hai yếu tố quan trọng để cấu thành, đó là nước biển sạch và chất lượng tảo biển. Sở dĩ miền Trung biển đẹp hơn, cát mịn hơn nhưng do đều đã bị biến thành khu du lịch khiến ít nhiều bị ảnh hưởng, ngọc trai chất lượng không đạt giá trị kinh tế cao như Vân Đồn.

Thời gian gần đây, số lượng trai cấy ngọc thành công có xu hướng giảm sút, một phần nguyên nhân do chất lượng nước và nữa là tỷ lệ bùn ở Vân Đồn đang có chiều hướng gia tăng. Nghề trai đã bắt đầu có cuộc di cư ra đảo Cô Tô, cũng nằm trong quần thể vịnh Bái Tử Long, vì ở Vân Đồn dự kiến 5-7 năm nữa sẽ không thể nuôi trai cấy ngọc vì sự ô nhiễm.

Vân Đồn đang phát triển trở thành khu kinh tế trọng điểm phía Bắc với rất nhiều ngành nghề kinh doanh tổng hợp như du lịch sinh thái biển đảo chất lượng cao, cảng biển, trung tâm hàng không quốc tế, trung tâm dịch vụ cao cấp và là đầu mối giao thương quốc tế, nhưng việc bảo vệ cho môi trường nơi đây thì lại không ai quan tâm.

Trong đề án “Xây dựng Vân Đồn” trở thành khu kinh tế tổng hợp dài 47 trang, vấn đề ô nhiễm môi trường chỉ được nói tới vẻn vẹn có 6 dòng. Vấn đề suy thoái biển còn bỏ ngỏ, chưa được sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương, thực sự trở thành một vấn đề đáng lo ngại. Có thể vấn đề này hơi đi quá xa việc nuôi trai cấy ngọc nhưng đó có thể là một ẩn họa không nhỏ ảnh hưởng đến ngọc trai Vân Đồn và sự phát triển kinh tế của vùng đất giàu tiềm năng này.

Yên Hưng