Bắt bệnh luật sư

(ANTĐ) - Khi có va chạm với pháp luật, tìm đến luật sư để nhờ bào chữa, bảo vệ quyền lợi dường như là một ứng xử văn minh, trong thời buổi thượng tôn pháp luật, “khôn không qua lẽ, khỏe không qua lời” này. Thế nhưng, “nói vậy mà không phải vậy”, đã không ít thân chủ khốn khổ, thậm chí điêu đứng vì… luật sư của mình. Hãy cảnh giác khi làm việc với luật sư có lẽ là một phương châm “không giống ai”, nhưng lại rất cần thiết ở xứ ta hiện nay.

Bắt bệnh luật sư

(ANTĐ) - Khi có va chạm với pháp luật, tìm đến luật sư để nhờ bào chữa, bảo vệ quyền lợi dường như là một ứng xử văn minh, trong thời buổi thượng tôn pháp luật, “khôn không qua lẽ, khỏe không qua lời” này. Thế nhưng, “nói vậy mà không phải vậy”, đã không ít thân chủ khốn khổ, thậm chí điêu đứng vì… luật sư của mình. Hãy cảnh giác khi làm việc với luật sư có lẽ là một phương châm “không giống ai”, nhưng lại rất cần thiết ở xứ ta hiện nay.

Luật sư… hôi quá

Là một nông dân miền Tây chất phác, nên khi là bị đơn trong một vụ tranh chấp đất đai, ông Hai Mỳ tìm đến một ông luật sư đứng tuổi ở thị xã Vĩnh Long để nhờ cậy. Sau vài lần đi lại, kể hết sự tình, ông Hai Mỳ dù không tránh khỏi cảm giác xót xa khi phải nộp hơn chục triệu đồng, nhưng cũng thấy chấp nhận được khi ông luật sư rất đồng cảm với nỗi bức xúc của mình, luật sư cũng tức điên lên, hứa sẽ bảo vệ ông đến cùng. Đến ngày xét xử, ông Hai Mỳ và luật sư gặp nguyên đơn ở sân tòa. Bất ngờ, luật sư chỉ mặt nguyên đơn: “Tao nói cho mày biết nha, gặp tao là mày tiêu đời rồi con ơi, mày cãi với ai chứ với tao thì mày hết đường”… Thế là hai bên lao vào nhau, mọi người phải xúm vào can ngăn mãi mới lôi được hai bên ra.

Vai trò của luật sư ngày càng được khẳng định trong việc bảo vệ lẽ phải và sự công bằng (Ảnh minh họa)

Vai trò của luật sư ngày càng được khẳng định trong việc bảo vệ lẽ phải và sự công bằng (Ảnh minh họa)

Vào phiên tòa, ông luật sư vẫn hung hăng như thế, nhưng lý lẽ không có bao nhiêu. Đến khi Thẩm phán đang phân tích, hòa giải thì bất chợt nguyên đơn đứng dậy, đi ra ngoài. Thẩm phán hỏi: “Tòa đang phân tích sao nguyên đơn bỏ ra ngoài?”. “Thưa Tòa, tôi không chịu được vì ông luật sư kia hôi hám quá trời. Tòa không tin thì mời Tòa xuống ngồi cạnh ổng xem có chịu được năm phút không?”. Cả phiên tòa cười ồ, chủ tọa ra lệnh mở tung các cửa sổ và bật quạt trần mạnh lên… Phiên tòa được tiếp tục nhưng ông luật sư “mất lửa”. Ông Hai Mỳ ngậm đắng nuốt cay vì hơn chục triệu đồng trao vào tay một ông luật sư chỉ để làm trò cười.

Ngược lại với ông luật sư bị chê “viêm nặng” này, nhiều trường hợp khác thân chủ lại “chết” vì những luật sư đầu chải mượt, xức nước hoa thơm lừng nhưng lại hay mượn phiên tòa để “nổ” nhằm tạo ấn tượng mạnh. Trong giới luật sư không ít giai thoại về việc luật sư chất vấn ngược lại Tòa, thậm chí lớn tiếng nhắc “Thẩm phán nên đọc lại luật” hay nói với giọng khích bác công tố viên và Hội đồng xét xử… Những người dự khán từng trải nói: Cãi kiểu ông này thì thân chủ sướng tai nhưng thân chủ “chết”.

Luật sư thiếu trách nhiệm

Những chuyện trên đây chỉ là một vài trong vô số câu chuyện về văn hóa pháp đình ở ta hiện nay, trong đó có nguyên nhân từ Hội đồng xét xử, từ công tố viên đến luật sư… nhưng chuyện đạo đức nghề nghiệp mới là điều nhức nhối hơn.

Hiện tượng khá phổ biến là thói vô trách nhiệm với thân chủ. Chị Liên, một người dân ở ngoại thành Hà Nội là nguyên đơn trong một vụ kiện, sau khi ký hợp đồng với luật sư, suốt nửa năm trời hai bên không thấy mặt nhau. Có gì chỉ trao đổi qua điện thoại. Ngoại trừ một lá đơn 2 trang giấy, chưa bao giờ luật sư đi cùng thân chủ đến làm việc với Tòa. Mấy lần Tòa có giấy triệu tập, chị báo cho luật sư thì đều thấy hứa hôm đó sẽ đến nhưng đến ngày thì luật sư cáo bận, lúc thì “Em đang ở Tây Nguyên” lúc thì “Em đang bận phiên tòa ở Bắc Giang. Em quên mất không báo chị trước”… Tiền đã nộp, hồ sơ đã đưa nhưng gặp ông này, chị Liên chỉ có nước kêu trời.

Câu chuyện này khiến người ta nhớ đến vụ luật sư Hoàng Cao Lực ở Cà Mau bị tố cáo không thực hiện nghĩa vụ bảo vệ cho ông Lê Chánh. Ông Chánh được Trung tâm trợ giúp pháp lý tỉnh giới thiệu đến luật sư Lực. Quá trình tham gia vụ kiện, mỗi lần Tòa triệu tập, ông Chánh đều đến văn phòng luật sư Lực thông báo ngày, giờ Tòa đưa ra xét xử nhờ luật sư có mặt để bảo vệ. Tuy nhiên, vị luật sư này đều nói Tòa đã đình chỉ việc xét xử và luật sư sẽ kiến nghị ra Hà Nội. Do không đến Tòa theo giấy triệu tập, vụ kiện đã bị TAND tỉnh Cà Mau ra quyết định đình chỉ, ông Chánh uất ức mà khó khắc phục hậu quả.

Không những thế, ông luật sư này còn “nổi tiếng” vì lợi dụng sự thiếu hiểu biết pháp luật, ít có điều kiện đi lại của thân chủ để yêu cầu thân chủ phải cắt đất cho luật sư lô đất tương đương 10 cây vàng… gây xôn xao dư luận.

Vì thế, người cẩn thận phải tìm hiểu về luật sư mình định nhờ cậy một cách kỹ càng trước khi gửi gắm niềm tin. Có lẽ tìm gặp một vài người từng là thân chủ của vị luật sư là có thể rút ra được kết luận.

Nghe luật sư thì… chết

Tình trạng luật sư chạy sô như ca sĩ, bỏ mặc thân chủ với Tòa là chuyện không hiếm hiện nay, nhưng hiện tượng thông đồng với Tòa, lừa thân chủ mới là hiện tượng đáng kinh hãi nhất.

Ông Sơn là một người bị thu hồi đất đang ở hợp pháp những không có quyết định, trong khi đang khiếu nại thì UBND Quận lại ra quyết định cưỡng chế. Ông Sơn khởi kiện ra Tòa. Được Tòa án thụ lý là một lối thoát cho ông Sơn, vì Quận sẽ không thực hiện được quyết định cưỡng chế nữa. Nếu Tòa không thụ lý, vụ việc vẫn trong tay cơ quan hành chính thì ông Sơn khó tránh khỏi bị phá dỡ nhà oan uổng, khi chứng minh được là cưỡng chế sai thì cũng khó khắc phục được hậu quả.

Thẩm phán gợi ý từ nặng đến nhẹ, từ xa đến gần để ông Sơn rút đơn với lý do Quận sẽ hủy quyết định bị kiện. Ông Sơn cho rằng chưa nhận được quyết định hủy đó nên không rút đơn. Vậy mà không hiểu sao, chính cô luật sư lại tiếp tục thay Thẩm phán dỗ dành ông Sơn rút đơn, để cho nhanh chóng, cô luật sư còn dùng máy tính của Thẩm phán đánh máy, in ra đơn xin rút đơn khởi kiện rồi bảo ông Sơn ký và nộp ngay tại Tòa.

Ông Sơn lập tức có đơn từ chối luật sư này. Ông nói:” Tôi mà nghe theo cô luật sư thì giờ này tôi đã mất nhà, có khi chả sống được nữa mà theo kiện”.

Bình luận về chuyện này, một vị nguyên là Thẩm phán TANDTC nói: Các luật sư thường có mối quan hệ thân thiết với Tòa án, họ không muốn mất lòng Tòa nên sẵn sàng hy sinh lợi ích của thân chủ. Trong trường hợp này Tòa muốn cứu UBND nên luật sư phải giúp thẩm phán.

Hy sinh lợi ích thân chủ vì quan hệ với Tòa - chuyện vô đạo đức này khó bị phanh phui nhưng lại không khó thấy dấu hiệu của nó xuất hiện ở vụ này vụ khác. Bài học rút ra là trong những vụ án hành chính, không nên mời luật sư cùng địa bàn, tốt nhất là mời luật sư ở tỉnh khác, càng xa càng tốt. Có như thế may ra luật sư mới có thể vô tư, không sợ mất lòng Tòa.

Lừa thân chủ

Câu chuyện dưới đây lại phản ánh một khía cạnh khác, làm bài học xương máu cho những ai đặt lòng tin nhầm chỗ. Bà Xiêm là nguyên đơn trong một vụ kiện đòi quyền sử dụng đất, Tòa án cấp sơ thẩm xử cho nguyên đơn thắng kiện, lên cấp phúc thẩm thì nguyên đơn thua kiện. Là nông dân quanh năm không ra khỏi lũy tre làng, qua hai phiên tòa bà Xiêm chả hiểu pháp luật quy định thế nào là đúng là sai, chỉ biết mình bị thiệt thòi. Anh con rể bảo, phải nhờ luật sư.

Luật sư xem hồ sơ xong phán, án xử sai rồi, nhất định phải kháng nghị giám đốc thẩm… với điều kiện phải có tiền. Anh con rể thay mặt mẹ vợ chạy đôn chạy đáo nộp tiền cho luật sư, có lúc thì ghi biên nhận, có khi thì không… Dần dà, năm này qua năm khác, cùng với những lời hứa, số tiền đưa cho luật sư lên tới hơn 100 triệu đồng.

Một hôm, luật sư gọi về cho thân chủ bảo: Mang lên 100 triệu nữa, ngay trong ngày thì có kháng nghị. Nếu mai mới có là thua. Yêu cầu này như đánh đố người nông dân hiền lành ven sông Hồng. Hôm sau lên, luật sư bảo “Thua rồi. Thôi để tôi tiếp tục khiếu nại lên… Trung ương (?!)”.

Mang tập hồ đi hỏi người có kiến thức pháp luật mới biết, ngày ông luật sư hô thêm 100 triệu cũng là ngày bản án phúc thẩm tròn 3 năm, hết thời hạn kháng nghị giám đốc thẩm. Trong ba năm đó, “nhờ” luật sư mà đương sự hai lần nhận được giấy báo của Tòa Dân sự TANDTC là đã nhận được đơn nhưng không có bản án… Thế ra, ông luật sư chỉ gửi đơn chay, không có bản án cũng như những chứng cứ liên quan kèm theo như lẽ thông thường…

Bây giờ bản án có dấu hiệu oan sai đó đã được báo chí lên tiếng nhưng để có được quyết định tái thẩm thì “khó hơn đường lên trời” mà đòi lại được tiền của ông luật sự kia cũng mờ mịt lắm. Bà  đang chuẩn bị khởi kiện ông luật sư nọ ra Tòa.

Những chiêu lừa đảo kiểu này cũng dễ gây hiểu lầm cho người dân đối với Tòa án, Kiểm sát, làm suy giảm lòng tin của người dân đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật.

* * *

Lợi dụng lòng tin và sự thiếu hiểu biết của thân chủ để trục lợi bằng nhiều cách là một trong những vấn nạn thuộc lĩnh vực đạo đức của giới luật sư hiện nay. Hiện tượng tiêu cực này cũng  làm hoen ố hình ảnh của giới luật sư và làm buồn lòng những luật sư chân chính. Để nâng cao vị thế của luật sư trong công cuộc cải cách tư pháp hiện còn quá nhiều việc phải làm, nhiều vấn đề phải giải quyết, nhưng vấn đề đạo đức có lẽ phải đặt lên hàng đầu.

Đối với người dân khi có nhu cầu mời luật sư, theo kinh nghiệm của một người đã có những trải nghiệm chua xót, là đừng tin tuyệt đối, nếu có thể hãy tìm một người am hiểu pháp luật khác để giám sát, thẩm định những ý kiến tư vấn, những văn bản luật sư soạn thảo, để tránh rơi vào bẫy của những thủ đoạn không ngờ, trước khi quá muộn như bà Xiêm ở ven sông Hồng, ông Chánh ở xứ Cà Mau.…

Chân Thư