“Bà tiên” của người nghèo

(ANTĐ) - 76 tuổi, làm việc thiện trên khắp cả 64 tỉnh, thành của đất nước hơn ba mươi năm, cuộc đời bà Mai Quỳ (tên thật là Nguyễn Vũ Quỳ Mai, sinh năm 1933 tại Hà Nội) gắn với những người nghèo trên khắp đất nước.

“Bà tiên” của người nghèo

(ANTĐ) - 76 tuổi, làm việc thiện trên khắp cả 64 tỉnh, thành của đất nước hơn ba mươi năm, cuộc đời bà Mai Quỳ (tên thật là Nguyễn Vũ Quỳ Mai, sinh năm 1933 tại Hà Nội) gắn với những người nghèo trên khắp đất nước.

Những chuyến đi về miền núi

Một người dân ở gần ngã tư Hào Nam - La Thành (Hà Nội) đã kể tôi nghe câu chuyện về bà Mai Quỳ giúp đỡ người nghèo. Đó là những năm đất nước trước thời kỳ đổi mới, nhiều người đói khổ không đủ cơm ăn. Ngày nào bà Mai Quỳ cũng nấu bốn nồi cháo to đặt ở gần chợ giúp những người bị đói.

Mái tóc trắng như cước, khuôn mặt hiền từ, nụ cười đôn hậu. Bà Mai Quỳ khiến tôi liên tưởng tới hình ảnh bà tiên trong các câu chuyện cổ tích.

Bà Mai Quỳ vẫn nói: “Bản thân mình vươn lên, tự giải quyết khó khăn mới là điều quyết định”
Bà Mai Quỳ vẫn nói: “Bản thân mình vươn lên, tự giải quyết khó khăn mới là điều quyết định”

Thấy tôi đề cập đến việc bà làm từ thiện, bà nói ngay: “Mai bác đi Mù Cang Chải, cháu giúp bác chuẩn bị đồ đạc rồi đi lên đó luôn. Càng nhiều người cùng làm từ thiện càng tốt”. Tôi tranh thủ nói chuyện với ông Trần Văn Huyền, người giúp bà Mai Quỳ đưa chiếc xe tải vào ngõ để chuyển gạo, hàng hóa lên xe chuẩn bị cho chuyến đi ngày hôm sau. Ông Huyền kể: “Ai mà quan tâm đến việc từ thiện của bà cụ cũng bị cuốn theo. Tôi chẳng có quan hệ họ hàng gì nhưng thấy bà cụ già rồi mà nhiệt tình với công việc nên tôi cũng giúp, giúp rồi thành say”.

Chuyến đi Mù Cang Chải của bà Mai Quỳ thật ấn tượng. Đúng vào ngày 8-3. “Đang là tháng giáp hạt nên tranh thủ đi giúp đỡ bà con vùng xa trước đã”. Bà Mai Quỳ phải chống gậy đi bộ (bà bị thoái hóa cột sống nên việc đi lại khó khăn) đến từng nhà bà con người dân tộc thiểu số. Đến nhà ai bà cũng hỏi han, đi thăm chỗ ăn chỗ ở của bà con. Bà con dân tộc thiểu số ở đây đã quen với cảnh này vì hai ba năm gần đây, năm nào bà Mai Quỳ cũng đến thăm hỏi rồi tặng quà như thế. Họ nói chuyện thân tình, động viên nhau như những người bạn tri kỷ.

Những nơi xa xôi như Mèo Vạc (Đồng Văn), Mù Cang Chải (Yên Bái), các huyện miền núi khó khăn của Nghệ An, Hà Tĩnh… đều đã in dấu chân của bà Mai Quỳ suốt hơn 30 năm qua. Bà đi, xông xáo như thể chưa bao giờ biết mệt. Vừa ăn tết xong bà đã đến thăm và giúp đỡ hơn 20 người bị bệnh phong ở huyện Xuân Thủy, Nam Định. Bà nhớ lại đợt gần Tết Âm lịch vừa qua, khi bà đi Yên Bái: “Đúng vào đợt rét đậm, rét hại nhất. Tôi đã chuẩn bị mọi thứ rồi nhưng con cái không cho tôi đi vì sợ tôi không chịu được rét. Nghĩ đến bà con dân tộc trên đó tết đến không có gạo ăn, rét không có chăn ấm, tôi không đành lòng ở Hà Nội. Vậy là tôi cấp tốc mang 50 cái chăn, 3 tấn gạo và quần áo cho bà con trên đó”.

Làm việc thiện cần có trí tuệ và sức khỏe

Bà Mai Quỳ mang gạo đi tặng người nghèo

Bà Mai Quỳ mang gạo đi tặng người nghèo

“Tôi đi giúp đỡ người khó không phải cứ đưa tiền cho họ là xong. Cũng phải bỏ công sức, trí tuệ để làm cho tốt”, bà Mai Quỳ tâm sự. Mỗi năm bà lấy của nhà hơn một tỷ đồng để mang đi giúp đỡ người khác. Vốn là một nhà kinh doanh, bà Mai Quỳ không muốn tiền mình bỏ ra không chỉ giải quyết vấn đề trước mắt mà phải có tính lâu dài. Mỗi lần làm từ thiện là một chuyến “công tác” thực sự của bà. Bà nghiên cứu kỹ tình hình của từng địa phương, từng gia đình cần sự giúp đỡ. Sau đó bà tính toán xem có thể giúp đỡ họ như thế nào để họ thoát ra cảnh khổ. Khi bà xây nhà tình nghĩa giúp đỡ các gia đình khó khăn, bà sẽ giúp họ mua những công cụ cần thiết để sản xuất. Bà kể kỷ niệm của bà khi về thăm lại Triệu Sơn, Thanh Hóa, một đôi vợ chồng đã ôm bà mà khóc: “Mẹ ơi, mẹ đã sinh con ra lần thứ hai, nhờ có mẹ mà con được ở nhà tốt, thóc đầy trong rương”.

Ngày 19-1 vừa qua, Trạm Y tế xã Cảm Nhân, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái vừa được khánh thành và đưa vào sử dụng. Đây là 1 trong 5 trạm y tế được bà Mai Quỳ cùng các con tài trợ kinh phí xây dựng. Chị em phụ nữ trong xã rất phấn khởi vì được khám bệnh ngay ở xã mà không phải mất công lên huyện xa xôi. Chị Thắm tâm sự: “Trước kia bà con chúng tôi bị ốm chỉ có ở nhà, chẳng biết bị bệnh gì. Cứ để bệnh tự khỏi, không khỏi thì thôi. Giờ có trạm y tế, bác sĩ bảo chúng tôi ăn ở để tránh bệnh. Bác sĩ còn khám bệnh, chúng tôi không sợ bị con bệnh làm khó nữa”.

30 năm qua, bà Mai Quỳ đã xây tặng hơn 30 nhà tình nghĩa cho những gia đình khó khăn ở khắp nơi. Năm 2008, bà lại nhận đỡ đầu cho hơn 80 trẻ em khuyết tật và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn với mức trợ cấp từ 100.000 đến 300.000 đồng/tháng. Bên cạnh sự giúp đỡ về vật chất, bà Mai Quỳ thường nói với những người được bà giúp đỡ: “Người khác chỉ giúp đỡ mình được một phần nhỏ thôi, bản thân mình vươn lên, tự giải quyết mọi khó khăn mới là điều quyết định”. 

Đặng Tuyền