Vụ “đầu gấu” định cướp hàng lậu: Có căn cứ xử lý hình sự

ANTĐ - “Theo quy định, các trường hợp buôn bán, vận chuyển rượu lậu, rượu giả trị giá 100 triệu đồng trở lên sẽ được chuyển đến cơ quan tố tụng để xem xét, xử lý hình sự”, chỉ huy Đội QLTT số 1 - Chi cục QLTT Hà Nội cho biết.

Cán bộ Đội QLTT số 1 kiểm đếm rượu lậu thu giữ

Đối chiếu quy định này với vụ gần 400 chai rượu lậu phát hiện tại ga Gia Lâm hôm 20-11 (Báo ANTĐ đã đưa tin), có thể thấy, vụ việc đã “hội đủ” yếu tố để cơ quan chức năng xử lý hình sự, sau khi Đội QLTT số 1 hoàn tất việc giám định, kết luận tem nhãn trên các chai rượu bị thu giữ, cũng như xác định chủ sở hữu số rượu trên.

Trao đổi với PV, chỉ huy Đội QLTT số 1 nhìn nhận: vụ việc phát hiện tại ga Gia Lâm là biểu hiện cụ thể cho những phức tạp của hoạt động phạm tội buôn lậu, buôn bán hàng giả khi dịp tết đang cận kề. Nếu như trước kia, hoạt động buôn lậu chủ yếu thực hiện qua đường bộ, bằng ô tô, thì hiện nay, tội phạm buôn lậu, buôn bán hàng giả sử dụng vận tải bằng đường sắt, để vừa tránh sự kiểm tra, phát hiện của lực lượng chức năng, vừa vận chuyển được số lượng hàng hóa lớn.

Trực tiếp kiểm tra, lập biên bản tạm giữ 392 chai rượu “nghi vấn” tại ga Gia Lâm trưa 20-11, một thủ đoạn khá tinh vi của các đối tượng buôn lậu nói chung và buôn rượu lậu, rượu giả nói riêng là hình thức sử dụng tem, nhãn giả “đính” vào hàng hóa; thậm chí, trên một số chai rượu có dấu hiệu quay vòng tem nhập khẩu để lưu thông. Gần 400 chai rượu trên được vận chuyển từ miền Trung về và nếu không bị phát hiện, số hàng trị giá gần 500 triệu đồng đó sẽ được đưa lên Lạng Sơn bằng tàu hỏa, từ đó chuyển tiếp ra nước ngoài.

Sáng 23-11, trao đổi với đại diện ga Gia Lâm xung quanh vụ việc trên, vị đại diện này cho rằng: “Do bị lực lượng chức năng truy đuổi gắt gao nên đối tượng vận chuyển rượu lậu mới tìm cách chạy vào sân ga. Còn bình thường, người và hàng hóa vào được ga phải có vé, phải qua sự kiểm soát của nhân viên bảo vệ” (!)