Việt kiều thuê người bắt cóc con đẻ, phạm tội gì?

ANTĐ - Chị Trần Thị P.D. có một thời gian chung sống như vợ chồng với ông X. là một người Australia gốc Việt vẫn còn bố mẹ ở Phan Thiết. Hai người có một con chung là bé B. (2 tuổi). Do có mâu thuẫn hai người chia tay nhau, chị P.D chung sống với người khác và có thai đến ngày sinh nở. Chị P.D có thuê một người giúp việc tên là Đ. Ngày 13-8, chị P.D. vào bệnh viện chờ sinh nở, công việc chăm sóc đứa con trai, chị giao lại cho bà Đ.Chiều hôm ấy, bà Đ đón bé B. rồi đưa đứa bé đi mất. Sáng hôm sau, chị P.D trở dạ sinh con mà trong lòng như lửa đốt vì không liên lạc được với bà Đ. Những ngày trong bệnh viện, chị liên tục gọi cho bà Đ nhưng vô vọng, tin tức con trai bặt tăm. Sinh đứa thứ hai được 4 ngày, chị liên lạc với gia đình bà Đ để mong có thông tin thì chị được biết, bà Đ nhắn lại rằng bé B đã được đưa về phía bên nội. Chị P.D. tức tốc liên lạc với người chú của con ở Phan Thiết thì nhận được những câu trả lời qua loa, khi thì phủ nhận mọi chuyện, khi thì nói rằng con chị đã được đưa qua Úc với cha của bé, khi thì lại nói con của chị đang nằm bệnh viện. Chị P.D. vội vàng báo cơ quan công an.

Ảnh minh họa

Cáo trạng của VKSND tỉnh 

Trên cơ sở điều tra của Công an TP, đã xác định như sau: Từ đầu năm 2013, ông X đã liên hệ và thuê Đ bắt cháu B. để giao cho ông. Thù lao của việc này là 2.000 USD. Nhân cơ hội chị P.D. vào bệnh viện sinh đẻ, Đ đã bế bé B giao cho M là em họ của ông X. và đã nhận của ông X số tiền 43.000.000 VNĐ tương đương 2.000 USD qua tài khoản. 

Cơ quan điều tra cũng xác định, ông X là cha bé B. và chị P.D. cũng xác nhận điều này. Ông X. và gia đình chưa bao giờ có ý kiến với chị P.D. về việc đón bé B. về nuôi dưỡng và chị P.D. cũng không đồng ý để gia đình ông X đón bé B. về nuôi dưỡng. 

Phía ông M khai với cơ quan điều tra, ông không biết về việc thuê mướn giữa ông X. và Đ. Ông chỉ nhận cháu ông do ông X nhờ cậy qua điện thoại và Đ bế cháu đến giao cho ông. Xét thấy ông M. tuy có tham gia vào vụ án nhưng không biết rõ đây là hành vi vi phạm pháp luật, khi bị phát hiện đã cộng tác tốt với cơ quan điều tra vì vậy cơ quan điều tra đề nghị không truy cứu trách nhiệm hình sự với ông M. 

Về ông X. Do ông X. không phải là công dân Việt Nam, hiện ông X không có mặt trong nước, cơ quan điều tra không triệu tập được để lấy được lời khai của ông X. nên cơ quan điều tra tách hành vi của ông X. riêng ra để tiếp tục làm rõ, xử lý sau. 

Căn cứ vào chứng cứ và những tình tiết nêu trên, Viện KSND kết luận: Đ lợi dụng sơ hở của chị Trần Thị P.D. để mang bé B. con chị P.D cho gia đình ông X. để lấy một số tiền lớn, gây nguy hiểm cho bé B. và gây tổn thất cả về sức khỏe và vật chất cho gia đình chị Trần Thị P.D. Đủ căn cứ để xác định bị can Đ có lý lịch như trong hồ sơ, bị bắt tạm giam từ ngày 1-10 đã phạm vào tội “Mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em” theo khoản 2, điều 120 Bộ Luật hình sự: 1. Người nào mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em dưới bất kỳ hình thức nào, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:

A) Có tổ chức;

B) Có tính chất chuyên nghiệp;

C) Vì động cơ đê hèn;

D) Mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt nhiều trẻ em;

Đ) Để đưa ra nước ngoài;

Vì các lẽ trên: Quyết định truy tố bị can Đ. có lý lịch như trong hồ sơ trước Tòa án nhân dân để xét xử về tội “Mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em” theo khoản 2, điều 120 Bộ luật Hình sự.

Luật sư bảo vệ quyền lợi cho bị hại 

Bị cáo là người ít học, từ nhỏ sống ở vùng sâu vùng xa, hoàn cảnh gia đình khó khăn, phải đi làm giúp việc, không hiểu biết về pháp luật, lại bị quyến rũ bởi số tiền lớn, nên có hành vi phạm tội. Mặt khác, cháu B. đã được đưa trả lại gia đình, không bị ảnh hưởng đến sức khỏe. Hành vi bắt cháu B. cũng không phải để bán mà chỉ để giao lại cho cha đẻ của cháu. Vì vậy chúng tôi thấy truy tố bị cáo Đ khoản 2 điều 120 Bộ luật Hình sự là quá nặng. Đề nghị truy tố bị cáo khoản 1 điều 120 là hợp lẽ. 

Gia đình bị cáo rất khó khăn, bị cáo không có thân nhân, nay lại phải chịu án hình không có điều kiện chịu trách nhiệm dân sự. Đề nghị Hội đồng xét xử xem xét.

Luật sư bảo vệ quyền lợi bị cáo

Hành vi bắt cóc cháu bé 2 tuổi của bị can lúc mẹ cháu đang sinh em bé không chỉ là hành vi đê hèn mà còn là hành vi rất nguy hiểm, dễ gây tai biến, ảnh hưởng đến tính mạng của chị P.D. cùng đứa trẻ mới sinh.

Hành vi giao cháu bé không chỉ là hành vi chiếm đoạt trẻ em mà còn là hành vi mua bán trẻ em theo Thông tư 01/2013/ TTLT-TANHTC-VKSNDTC-BCA-BQP-BTP có điều khoản cụ thể: 

Điều 4: Xác định hành vi mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em:

1.Mua bán trẻ em là hành vi dùng tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất để trao đổi trẻ em (dưới 16 tuôi) như một loại hàng hóa.

2. Chiếm đoạt trẻ em là hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, bắt trộm, lừa đảo, lợi dụng tình trạng khó khăn, sự lệ thuộc của cha mẹ, người nuôi dưỡng trẻ em để chiếm giữ hoặc giao cho người khác chiếm giữ đứa trẻ đó.

3- Vì những lẽ trên, chúng tôi hoàn toàn đồng ý với cáo trạng truy tố bị can Đ.P.L khoản 2 Điều 120 Bộ luật Hình sự với mức án tăng nặng. Ngoài trách nhiệm hình sự đề nghị Hội đồng xét xử xem xét trách nhiệm dân sự của bị cáo để bù đắp thiệt hại của cháu B. và gia đình chị P.D.

Về ông X., mặc dù cơ quan điều tra đã tách ra để xử lý sau, tuy nhiên để đảm bảo an toàn cho cháu bé, đề nghị Hội đồng xét xử có chế tài để ông X. không có những hành vi gây hại đến cháu bé B. và gia đình chị P.D.

Ý kiến bạn đọc 

- Bị cáo không có điều kiện thực hiện đền bù cho chị P.D. thì đề nghị Tòa án dùng số tiền 43 triệu thu được để đền bù thiệt hại cho gia đình chị P.D.

Bạn đọc Nguyễn Thị Quỳnh (P 101 - Khu tập thể Quỳnh Mai, Hà Nội)

Bình luận của PGS.TS. Luật sư Phạm Hồng Hải

Về mặt tố tụng: Theo đúng Cáo trạng, bị cáo đã thực hiện hai hành vi phạm tội: chiếm đoạt và mua bán trẻ em, nhưng tại điều 7 Thông tư liên tịch 01/2013/TTLT đã quy định: một người thực hiện nhiều hành vi phạm tội mà hành động này là hệ quả tất yếu của hành động kia thì bị truy tố tội danh đầy đủ theo điều 120 Bộ luật Hình sự và chỉ chịu một hình phạt. Yêu cầu của Luật sư bảo vệ quyền lợi của bị hại là không cần thiết

Không thể dùng lý do không hiểu biết pháp luật để bào chữa cho các hành vi vi phạm pháp luật. Việc vì tiền mà dứt một đứa trẻ 2 tuổi ra khỏi mẹ cháu không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật mà còn là hành vi vi phạm các tiêu chuẩn đạo đức, cần có hình phạt nghiêm khắc.

Khoản tiền 43 triệu đồng là tang vật của vụ án và bị tịch thu sung công quỹ. Không thể dùng số tiền này để giao cho bị cáo thực hiện nghĩa vụ dân sự được. Trách nhiệm dân sự là của bị cáo không phải của ngân sách nhà nước. Ý kiến của bạn Nguyễn Thị Quỳnh không phù hợp với các quy định pháp luật.

Khi hai vợ chồng không sống với nhau, quyền bình đẳng của cha mẹ trong nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ em cũng là một căn cứ quan trọng để Toà án có thẩm quyền xem xét, quyết định việc giao con chung cho người vợ hay người chồng nuôi dưỡng. Nếu trẻ dưới 3 tuổi, đương nhiên người mẹ có quyền và nghĩa vụ chăm sóc cháu. Sau 3 tuổi, theo khoản 2 Điều 92 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 quy định, vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con. Trường hợp này cha đẻ cháu B đã từ chối quyền nuôi con ngay từ đầu, tuy nhiên ông X có quyền khởi kiện ra tòa để dành quyền nuôi con sau khi bé B. quá 3 tuổi. Bất cứ hành vi cưỡng đoạt hoặc giúp sức cho việc cưỡng đoạt trẻ em đều bị nghiêm trị trước pháp luật. Do có hành vi cưỡng đoạt cháu B. chắc chắn nếu ông X. ra tòa để dành quyền nuôi cháu B. các tòa án sẽ không bao giờ giải quyết yêu cầu của ông X. Đây là bài học cho tất cả những người muốn dành quyền nuôi con.

Bạn đọc có bình luận về vụ án trên Báo An ninh Thủ đô Cuối tuần, xin được gửi về địa chỉ email: anninhthudocuoituan@gmail.com.  Báo ANTĐ Cuối tuần trân trọng cảm ơn ý kiến tham gia của bạn đọc (đề nghị bạn đọc có thể để lại địa chỉ cụ thể, hoặc số tài khoản để chúng tôi gửi nhuận bút đối với những ý kiến được đăng tải trên Báo ANTĐ Cuối tuần)