Một con ruồi, 500 triệu đồng và một vụ án cưỡng đoạt tài sản

ANTĐ - Chuyện một khách hàng phát hiện một con ruồi bên trong chai nước ngọt Number One liên hệ với công ty Tân Hiệp Phát thông báo sự việc và đòi 1 tỷ  đồng bồi thường rồi vướng vào vòng lao lý khi bị cho là tống tiền doanh nghiệp bằng một chai nước có ruồi đang gây chú ý của dư luận với nhiều cách nhìn trái chiều.

Một con ruồi, 500 triệu đồng và một vụ án cưỡng đoạt tài sản ảnh 1Võ Văn Minh cùng tang vật vụ án

Vụ việc bắt đầu khi anh Võ Văn Minh - môt người bán hàng bị bị cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Tiền Giang bắt giữ ngày 27-1 liên quan đến chai nước giải khát của Công ty Tân Hiệp Phát có một con ruồi ở trong.

Theo gia đình anh Minh, khi anh Minh bán chai nước cho khách thì khách hàng phát hiện bên trong có ruồi và trả lại cho anh. Anh Minh đem cất chai nước, sau đó gọi điện phản ảnh đến nhà sản xuất là Công ty Tân Hiệp Phát với yêu cầu kèm theo là phải bồi thường 1 tỉ đồng. Anh Minh có nói nếu không trả 1 tỉ đồng thì sẽ giao chai nước có ruồi cho báo chí và in tờ rơi để phát tán cho nhiều người cùng biết. Nếu như vậy, công ty Tân Hiệp Phát sẽ thiệt hại nghiêm trọng, thương hiệu bị ảnh hưởng, doanh số bán hàng sẽ giảm.... Công ty Tân Hiệp Phát cử ngay người đến gặp anh Minh để kiểm tra chai nước và thương lượng bồi thường. Sau hai lần gặp gỡ tại một quán nước gần nhà anh Minh, hai bên thống nhất số tiền Công ty Tân Hiệp Phát trả cho anh Minh là 500 triệu đồng. Ðến thời điểm hẹn giao nhận tiền thì anh Minh bị Công an Tiền Giang bắt.

Hiện tại, cơ quan CSĐT tỉnh Tiền Giang đã có quyết định khởi tố bị can và bắt tạm giam Võ Văn Minh về hành vi cưỡng đoạt tài sản. Được biết, Viện KSND tỉnh Tiền Giang cũng đang xem xét phê chuẩn và cho biết cơ quan điều tra Công an tỉnh Tiền Giang sẽ tiến hành trưng cầu giám định xem con ruồi đó có sẵn trong chai trước khi anh Minh đem về bán và phản ánh với Công ty Tân Hiệp Phát để vòi tiền hay là có tác nhân bên ngoài đưa vào. Từ kết quả giám định này thì cơ quan điều tra mới có hướng xử lý tiếp theo.

Dư luận không thống nhất khi đánh giá sự việc này. Nhiều ý kiến cho rằng, việc đòi hỏi bồi thường một số tiền nhất định cho những sự thiệt hại trong kinh doanh của anh Minh là hợp pháp. Theo Luật bảo vệ người tiêu dùng, khi nhà sản xuất gây thiệt hại cho người tiêu dùng, người tiêu dùng có quyền thương lượng với nhà sản xuất. Thương lượng là bước đầu tiên trong quá trình khiếu nại đòi bồi thường. Luật quy định trong thương lượng, anh Minh có quyền sử dụng mọi biện pháp mà pháp luật không cấm, đồng thời có quyền đưa ra số tiền tùy ý.

Cũng từ vụ việc chai nước ngọt có ruồi mà đã đã trở thành đề tài “nóng” của cộng đồng mạng. Những ý kiến khẳng định hành vi của ông Minh là hợp pháp thì cho rằng thực tế, người tiêu dùng có quyền cung cấp thông tin cho báo chí, có quyền liên hệ với nhà sản xuất để khiếu nại sản phẩm, được quyền thương lượng và nhận tiền bồi thường trên cơ sở các thiệt hại thực tế. Mọi tổ chức, cá nhân đều có quyền tố cáo hành vi trái pháp luật. Công ty Tân Hiệp Phát lựa chọn phương thức giải quyết thông qua thương lượng thì phải tuân thủ các quy định liên quan phương thức này. Mức bồi thường tùy vào đạo đức và suy tính của từng người. Trong việc này, về mặt luật pháp khách hàng của Tân Hiệp Phát không sai, nhưng về mặt đạo đức thì chưa được bởi mức yêu cầu bồi thường rất lớn.

Song bên cạnh đó, một luồng ý kiến khác từ dư luận lại cho rằng hành vi của anh Võ Văn Minh là vi phạm pháp luật, hành vi này đã cấu thành tội cưỡng đoạt tài sản, và việc cơ quan CSĐT Công an tỉnh Tiền Giang ra quyết định khởi tố đối với anh  Võ Văn Minh là đúng. Theo luật sư Nguyễn Văn Hướng (đoàn luật sư Hà Nội) thì thương lượng hiểu theo nghĩa thông thường là hành vi và quá trình mà hai bên muốn điều hòa quan hệ, thông qua hiệp thương mà đi đến thống nhất. Xin lưu ý, trong vụ án này, chưa có sự thiệt hại vật chất do sai sót (chưa kiểm chứng) của nhà sản xuất. Nguyên tắc đầu tiên của thương lượng là tự nguyện. Ở đây không có sự tự nguyện, nhưng lại có yếu tố đe dọa.

Theo các hướng dẫn của TANDTC, hành vi đe dọa có dấu hiệu như sau:  Hành vi đe dọa sẽ gây thiệt hại về tài sản, danh dự, uy tín bằng bất cứ thủ đoạn nào nếu người bị uy hiếp không thỏa mãn yêu cầu về tài sản của người phạm tội. Hành vi này có khả năng khống chế ý chí của người bị đe dọa, mà chưa đến mức làm cho người bị đe dọa bị tê liệt ý chí. Hành vi uy hiếp tinh thần này có thể được thực hiện dưới một trong các dạng: Đe họa hủy hoại tài sản của người bị đe dọa, Đe dọa tố giác hành vi phạm pháp hoặc vi phạm đạo đức của người bị đe dọa, Đe dọa công bố những tin tức thuộc đời tư mà người bị đe dọa muốn giữ kín... Trong vụ án này, anh Minh đã đe dọa gây thiệt hại nghiêm trọng  (có thể coi là hủy hoại) tài sản là công việc kinh doanh của Công ty Tân Hiệp Phát. Mặt khách quan đã đáp ứng khi ông Minh có hành vi đe dọa phát tán thông tin hàng hóa bị hỏng (dù thông tin này chưa hề được kiểm chứng) nhằm làm mất uy tín Công ty Tân Hiệp Phát (người bị uy hiếp).

Về mặt chủ quan, các hành vi đe dọa của anh Minh nhằm làm cho Công ty Tân Hiệp Phát phải đưa cho mình một số tiền lớn, mục đích chiếm đoạt tài sản đã rõ. Anh Minh không chỉ đòi và trên thực tế đã nhận của nhà sản xuất 500 triệu đồng. Số tiền mà anh Minh bắt buộc nhà sản xuất đưa cho mình lớn gấp 50.000 lần sản phẩm bị hư hỏng. Tất cả các yếu tố cấu thành tội phạm: Khách thể, Chủ quan, Chủ thể đã thỏa mãn dấu hiệu của một vụ án chiếm đoạt tài sản. Điều 135. Bộ Luật Hình sự quy định:  Người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản thì phạm tội theo tội danh: Tội cưỡng đoạt tài sản. Hành vi của anh Minh đã có dấu hiệu phạm tội Cưỡng đoạt tài sản. Cơ quan điều tra khởi tố anh Minh theo điều 135 BLHS là phù hợp. 

Đây là bài học cần thiết cho những người lợi dụng khó khăn của người khác để chiếm đoạt tài sản. Anh Minh cũng là người bán hàng cho Công ty Tân Hiệp Phát, lẽ ra, khi gặp tình trạng có sản phẩm hư hỏng lọt ra thị trường, anh Minh còn có trách nhiệm báo ngay với nhà sản xuất và thương lượng để đền bù thiệt hại cho khách hàng. Nhưng anh Minh lại lợi dụng tình trạng này để chiếm đoạt tiền của nhà sản xuất. Về mặt đạo đức, hành vi này cũng không chấp nhận được.