Làm giấy tờ giả, thế chấp vay tiền rồi trốn không trả nợ, trách nhiệm ra sao?

ANTĐ - Vào ngày 28-12-2013, bà Phạm Thị Na (SN 1965, trú tại quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh)  dẫn một phụ nữ tên Trần Thị Chiều (SN 1957, ngụ phường Lái Thiêu, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương) có đem theo giấy tờ tùy thân và sổ đỏ đến nhà chị Dung vay 40 triệu đồng, thời hạn vay ba tháng, lãi suất mỗi tháng là 7%, tổng cộng 8,4 triệu đồng tiền lãi. Chị Dung lấy số tiền lãi ra trong 40 triệu đồng, còn lại 31,6 triệu đồng đưa cho Chiều và có viết giấy biên nhận. 
Làm giấy tờ giả, thế chấp vay tiền rồi trốn không trả nợ, trách nhiệm ra sao? ảnh 1

Tương tự như vậy, Na đã dẫn 6 người tiếp theo đến vay tiền của chị Dung, tổng cộng chị Dung cho vay là 340 triệu đồng. Một thời gian sau, chị Dung gọi điện hỏi thăm, nhưng điện thoại của các con nợ đều không liên lạc được. Kiểm tra các loại giấy tờ đang giữ của 7 người thì chị Dung nghi vấn đều là giả. Không biết xử lý thế nào, chị đành làm đơn gửi đến cơ quan công an cầu cứu.

Tiến hành giám định các loại giấy tờ, cơ quan điều tra phát hiện có dấu hiệu làm giả các giấy tờ thế chấp. Tại cơ quan công an, Phạm Thị Na khai: Vào tháng 12-2013, có một phụ nữ xưng tên Tâm, là người chuyên cò nhà đất ở huyện Củ Chi hỏi Na có biết ai cầm giấy tờ và sổ đỏ cho vay tiền thì giới thiệu. Biết chị Dung là người cho vay nặng lãi nên Na giới thiệu. Việc giấy tờ thế chấp là giả thì Na khai không biết, những người đến nhờ Na dẫn qua nhà chị Dung vay tiền chỉ liên lạc qua điện thoại, Na không hề biết chỗ ở của họ... Qua điều tra, bước đầu Công an quận Thủ Đức xác định thủ đoạn của bọn lừa đảo là dùng giấy CMND, sổ hộ khẩu và sổ đỏ thật của những người bị mất trộm mang về dán lại hình ảnh trong CMND và sử dụng công nghệ in ấn, làm giả chữ ký con dấu, đánh máy thêm nội dung sang nhượng của những người bị mất sổ đỏ sang tên chủ sở hữu qua cho người bị mất CMND, sau đó đem thế chấp vay tiền của chị Dung. 

Ngày 9-12 vừa qua, nữ đối tượng Thanh Tâm (SN 1968) đã sa lưới. Tâm là người đưa bà Trần Thị Chiểu giả (tên thật là Kim) đi lừa bà Dung và cũng trực tiếp vay tiền bà Dung. Đối tượng Tâm khai, mọi chuyện là do Na “đạo diễn” lấy tiền của bà Dung thì chuyển cho Na và chia cho đồng bọn. Na dặn dò đồng bọn nếu có ai hỏi thì nói chỉ đưa cho bà ta 2 triệu đồng một trường hợp lừa được.

Vấn đề cần trao đổi là các đối tượng trong vụ án có thể đã phạm tội theo tội danh nào và ai phải chịu trách nhiệm trả tiền cho chị Dung?

Đây là một tổ chức lừa đảo 

Theo đúng nội dung vụ án, có dấu hiệu tất cả các đối tượng này đều nằm trong một tổ chức lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Có thể chị Dung chỉ là một nạn nhân, còn nhiều nạn nhân khác chưa trình báo công an. Chúng đã lợi dụng lòng tin của chị Dung, dùng giấy tờ giả để lấy tiền của nạn nhân. Cần nghiêm trị các tội  phạm này theo tội danh Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo điều 139 Bộ luật Hình sự, với những tình tiết tăng nặng, gây án có tổ chức. Nghi can Na là người tổ chức, đưa người và giấy tờ giả đến với chị Dung, cần truy tố với vai trò đầu vụ. Các  nghi can khác là đồng phạm với nghi can Na. 

Nguyễn Bích Lam (P6, Q3 TP Hồ Chí Minh)

Các nghi can phạm tội làm và sử dụng giấy tờ giả

Điều 267 Bộ luật Hình sự quy định: Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân, thì phạm tội theo tội danh: Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.

Ở đây, các nghi can đã làm giả Chứng minh nhân dân, làm giả Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và nhà ở là các giấy tờ do cơ quan Nhà nước cấp. Chưa kể các nghi can này đã sử dụng giấy tờ giả để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, giá trị lớn, chỉ riêng việc làm giấy tờ giả đã là một trọng tội. Chi tiết hơn, người nào thuê người khác làm giả các chứng minh thư và sổ đỏ sẽ bị truy tố đã đành, những người cung cấp ảnh để làm giấy tờ giả để lừa đảo cũng là đồng phạm với tội danh Tội làm giả con dấu và tài liệu của cơ quan và tổ chức.

Lê Văn Lan (P Hàng Bông, Q. Hoàn Kiếm, Hà Nội)

Người cho vay nặng lãi cũng vi phạm pháp luật

Chị Dung là nạn nhân của vụ lừa đảo này. Tuy nhiên bà Dung bị lừa cũng do tham tiền và các nghi can cũng lừa đảo thành công nhờ đánh vào lòng tham chủa bà Dung. Cho vay với lãi suất 7%/tháng, nghĩa là 84%/năm. Cần xem xét lãi suất ngân hàng thời điểm chị Dung cho các nghi can vay tiền, nếu lãi suất chị Dung cho vay cao gấp 10 lần lãi suất ngân hàng, chị Dung cũng có khả năng bị truy tố theo tội danh cho vay nặng lãi.

Phạm Minh Vương (P Cái Khế, TP Cần Thơ)

Người nào ký giấy vay phải trả tiền cho bà Dung

Các nghi can lừa đảo tiền của bà Dung, sau đó chia nhau tiêu. Đến bây giờ lại đổ cho nhau. Như vậy là rất ngoan cố. Theo đúng các quy định pháp luật, ai ký giấy vay tiền và nhận tiền từ chị Dung, phải có trách nhiệm trả tiền cho bà Dung. Thỏa thuận quy định vay có lãi suất, vì vậy, các nghi can phải trả cả gốc lẫn lãi cho chị Dung. Đó là luật pháp và cũng là

luật đời.

Trần Thị Chín (Hà Trung, Thanh Hóa)

Bình luận của luật sư 

Xem xét nội dung vụ án, chúng ta nhận thấy ở đây có hai hành vi có dấu hiệu vi phạm các điều luật của Bộ luật Hình sự. Hành vi đầu tiên là hành vi chiếm đoạt tài sản của chị Dung, nạn nhân. Hành vi thứ hai là làm và sử dụng các giấy tờ giả. 

Trước tiên, nói về hành vi làm giả giấy tờ con dấu của các cơ quan, tổ chức. Làm giả  giấy tờ là hành vi của người không chức vụ, quyền hạn cấp các giấy tờ đó nhưng đã tạo ra các giấy tờ đó giống như thật bằng những thủ  đoạn, phương pháp khác nhau. Các giấy này có thể là giả từng phần hoặc giả toàn bộ. Sử dụng giấy tờ giả là hành vi dùng các giấy tờ đó vào một mục đích nhất định. Các hành vi làm giả giấy tờ hoặc sử dụng giấy tờ giả chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 267 BLHS, nếu người phạm tội tiến hành các hành vi này nhằm mục đích thực hiện hành vi trái pháp luật. Nếu người làm giả giấy tờ sử dụng các giấy tờ giả đó để thực hiện hành vi trái pháp luật mà hành vi đó cấu thành tội độc lập thì người sử dụng giấy tờ giả đó bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo nguyên tắc phạm nhiều tội. Nếu các hành vi này được thực hiện nhưng không nhằm để lừa dối thì không bị coi là phạm tội. 

Ở vụ án này, các nghi can đã sử dụng chứng minh thư lấy cắp được, thay ảnh khác, sổ đỏ lấy được, đánh máy thêm các phần chuyển nhượng giả. Như vậy đây là hành vi làm giả từng phần giấy tờ do các cơ quan Nhà nước cấp. Các nghi can làm giả các giấy tờ trên nhằm vay tiền rồi trốn, một hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Vì vậy, các nghi can có dấu hiệu phạm tội và có thể bị truy tố theo Điều 267 BLHS với tội danh: Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức: Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. Phạm tội nghiêm trọng có thể bị phạt tù tới bảy năm. 

Cũng theo các quy định pháp luật, người làm giả giấy tờ sử dụng các giấy tờ giả đó để thực hiện hành vi trái pháp luật mà hành vi đó cấu thành tội độc lập thì người sử dụng giấy tờ giả đó bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo nguyên tắc phạm nhiều tội. Các nghi can đã sử dụng giấy tờ giả để vay tiền, để chiếm đoạt tiền của nạn nhân là chị Dung. Theo Điều 139 BLHS, lừa đảo chiếm đoạt tài sản là người phạm tội đã dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác. Thủ đoạn gian dối ở đây, chính là việc sử dụng giấy tờ giả. Như vậy ngoài tội danh Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức, các nghi can Na và đồng bọn sẽ bị truy tố thêm theo Điều 139 BLHS, tội danh Lừa đảo chiếm đoạt tài sản: Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. Phạm tội thuộc trong các trường hợp nghiêm trọng, có thể bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Lưu ý, trong vụ án này, cơ quan điều tra mới bắt giữ hai nghi can, và cũng chỉ mới có lời khai mâu thuẫn của hai nghi can. Theo các quy định pháp luật, lời khai của các nghi can chỉ là một trong các chứng cứ vụ án, vì vậy để có thể xác định trách nhiệm hình sự của từng nghi can, cần phải có quá trình điều tra xác định được sự thật vụ án. Nếu kết quả điều tra cho thấy, nghi can Na không biết các nghi can khác có động cơ lừa đảo chị Dung, mà chỉ giới thiệu các nghi can đến vay tiền để lấy công (hoa hồng) thì nghi can Na không phạm tội. Nhưng nếu xác định được nghi can Na là người đạo diễn, các nghi can thực hiện các việc lừa đảo theo chỉ đạo của nghi can Na và sau đó chuyển tiền lừa đảo được cho Na, hoặc chia tiền theo yêu cầu của Na, thì nghi can Na là đầu vụ, đóng vai trò chủ mưu, các nghi can khác là đồng phạm. Người nào trực tiếp thay ảnh trong chứng minh thư, chữa tên trong sổ đỏ, mặc dù không tham gia đi vay tiền, cũng là đồng phạm trong vụ án này.

Về trách nhiệm dân sự, tất cả những người chiếm hưởng tài sản bị chiếm đoạt phải có trách nhiệm hoàn trả cả gốc lẫn lãi cho nạn nhân. Trong trường hợp không có đủ căn cứ xác định người chiếm hưởng, ai ký giấy và nhận tiền của nạn nhân phải hoàn trả cả gốc và lãi cho nạn nhân.

Đối với nạn nhân, chị Dung, do lòng tham mà bị lừa cũng cần rút kinh nghiệm sâu sắc. Cần phải nói rõ, BLHS, tại Điều 163.1, Tội cho vay lãi nặng, có quy định: Người nào cho vay với mức lãi suất cao hơn mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định từ mười lần trở lên có tính chất chuyên bóc lột, thì bị phạt tiền từ một lần đến mười lần số tiền lãi hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến một năm. Chị Dung cho vay với lãi suất 7%/tháng, lấy lãi trước, như vậy lãi suất thực cho vay lên đến 106%/năm, vào thời điểm 12-2013 đã vượt trên 10 lần lãi suất cho vay theo quy định của Ngân hàng nhà nước. Chị Dung có thể bị phạt tiền vì hành vi cho vay này.

Luật sư Nguyễn Văn Hướng (Đoàn Luật sư Hà Nội)