Bài 3: đâu là nguyên nhân?

(ANTĐ) - Bất cứ hiện tượng nào đều có nguyên nhân khách quan, chủ quan của nó, và tội phạm chống người thi hành công vụ cũng không nằm ngoài quy luật này. Câu trả lời “đâu là nguyên nhân khiến hiện tượng chống người thi hành công vụ gia tăng?” không khó, song khó hơn cả là thái độ, biện pháp để ngăn chặn cơ bản biểu hiện gây nhức nhối dư luận, ảnh hưởng xấu đến TTATXH này.

Chống người thi hành công vụ - loại côn đồ mới:

Bài 3: đâu là nguyên nhân?

(ANTĐ) - Bất cứ hiện tượng nào đều có nguyên nhân khách quan, chủ quan của nó, và tội phạm chống người thi hành công vụ cũng không nằm ngoài quy luật này. Câu trả lời “đâu là nguyên nhân khiến hiện tượng chống người thi hành công vụ gia tăng?” không khó, song khó hơn cả là thái độ, biện pháp để ngăn chặn cơ bản biểu hiện gây nhức nhối dư luận, ảnh hưởng xấu đến TTATXH này.

>>> Bài 1: manh động và liều lĩnh

>>> Bài 2: Khi bị hại là cán bộ thi hành án

Giáo dục pháp luật: nói dễ, làm không dễ

Không ngẫu nhiên mà trong 498 đối tượng chống người thi hành công vụ bị các lực lượng CATP Hà Nội xử lý trong 5 năm qua, tỷ lệ người có trình độ đại học vi phạm thấp nhất: với 7 trường hợp; trình độ trên đại học không có người nào vi phạm hành vi này. Điều này cho thấy trình độ học vấn có liên quan đến ý thức xã hội, ý thức pháp luật và tác động rõ nét đến hành vi của cá nhân. Chính vì vậy mà khi trao đổi với PV ANTĐ, các chuyên gia, điều tra viên đều nhấn mạnh yếu tố đầu tiên, quan trọng để ngăn chặn hiện tượng chống người thi hành công vụ, là công tác giáo dục pháp luật. Trung tá Trương Thọ Toàn - Phó Trưởng phòng PC14 - CATP Hà Nội cho biết, các vụ chống người thi hành công vụ mà Phòng PC14 thụ lý thời gian gần đây, đối tượng phạm pháp thường tỏ thái độ ân hận thực sự khi đã... bị tạm giữ.

Trình độ văn hóa thấp, cộng với việc bị ảnh hưởng bởi mặt trái xã hội, hoặc bị xúi giục bởi đám đông, bởi chất kích thích, đó là những tiền đề dẫn đến hành vi chống người thi hành công vụ. Có đối tượng chống người thi hành công vụ gây hậu quả nghiêm trọng, sau khi bị bắt giữ đã “hồn nhiên” tâm sự với điều tra viên: “Cháu phạm tội lần đầu nên có ra tòa cũng chẳng thể xử nặng cháu được”.

Xét xử 2 bị cáo bị truy tố về tội chống người thi hành công vụ
Xét xử 2 bị cáo bị truy tố về tội chống người thi hành công vụ

Công tác giáo dục giữ vai trò quan trọng hình thành ý thức chấp hành pháp luật trong mỗi người dân. Nhưng thực tế, biện pháp thực hiện lâu nay chưa hiệu quả, nặng về hình thức. Có đối tượng hoàn toàn mù tịt về luật; cũng có đối tượng nắm luật lơ mơ nên vẫn cố tình vi phạm. Trung tá Trương Thọ Toàn nhận xét: “Chúng ta đang thực hiện giáo dục pháp luật một cách đại trà. Đối tượng được hưởng thông tin, giáo dục ấy mới là học sinh, sinh viên, trong khi những thành phần cần nhận được giáo dục thường xuyên là lao động cá thể, không nghề nghiệp, thanh thiếu niên đã bỏ học... lại rất ít được tiếp cận với những thông tin cần thiết ấy”.

Tác phong - quân kỷ tốt sẽ giảm nguy cơ

“Một chi tiết tưởng như rất nhỏ, nhưng tác động không hề nhỏ đến thái độ, phản ứng của người dân trong quá trình tiếp xúc với lực lượng chức năng. Đó là tác phong, điều lệnh của người làm nhiệm vụ”, ông Đoàn Văn Báu - giảng viên Khoa Tâm lý trường Đại học An ninh nhân dân nhận xét.

Có thể thấy, cử chỉ, lời nói không đúng mực của lực lượng chức năng tuy không phải là phổ biến nhưng cũng... không hiếm. Giảng viên Đoàn Văn Báu dẫn chứng, đa số CBCS CSGT, CSCĐ hiện nay tuổi đời còn rất trẻ, nhiều người chỉ mới qua đào tạo sơ học hoặc trung học, chưa được bồi dưỡng về kỹ năng giao tiếp, vì vậy dễ dẫn đến những trường hợp cư xử không đúng mực với người vi phạm. Và khi người vi phạm đã có ấn tượng không tốt về lực lượng làm nhiệm vụ, thì một hành vi, cử chỉ không đúng chuẩn mực sẽ như giọt nước tràn ly, tác động khiến người vi phạm ức chế, không tự chủ được bản thân dẫn đến những hành vi bột phát; mức độ thấp nhất là tỏ thái độ bất hợp tác, cao hơn là có hành vi chống đối lại lực lượng đang thực thi nhiệm vụ.

 Đồng quan điểm với giảng viên Đoàn Văn Báu, một cán bộ Đội Điều tra tổng hợp - CAQ Hoàng Mai cho biết, “quá trình thụ lý các vụ án chống người thi hành công vụ thời gian gần đây, không ít trường hợp cơ quan Công an nhận ra, lỗi đầu tiên là quy trình xử lý chệch chuẩn của lực lượng chức năng”.

Liên quan đến quy trình triển khai công tác của lực lượng chức năng, một thực tế là nhiều đơn vị, nhiều lực lượng trong khi thực thi nhiệm vụ thường có tâm lý chủ quan, không trang bị đủ phương tiện, công cụ hỗ trợ; không xây dựng phương án chiến đấu cụ thể mỗi khi xảy ra tình huống chống người thi hành công vụ.

Thượng tá Phạm Văn Hưng - Trung đoàn trưởng Trung đoàn CSCĐ - CATP Hà Nội khẳng định, CBCS chấp hành nghiêm quy trình tuần tra kiểm soát là yếu tố hàng đầu ngăn chặn đối tượng có hành vi chống đối. Đứng thứ hai sau CSGT về số vụ cản trở thi hành công vụ, nhưng lực lượng CSCĐ Hà Nội lại rất ít để xảy ra thương vong, kể cả trong tình huống đối tượng sử dụng hung khí. Quan điểm chỉ đạo của chỉ huy Trung đoàn CSCĐ là từng tổ công tác mỗi khi làm nhiệm vụ phải trang bị đủ phương tiện mạnh, phân công vị trí cụ thể trong các tình huống, và phải kiên quyết khống chế, bắt giữ đối tượng chống đối.

Nếu như CSCĐ luôn sẵn sàng ý thức chủ động, chuẩn bị phương tiện mạnh như trên, thì CSGT dù muốn chủ động đến mấy cũng khó. Trong khoảng 2 năm trở lại đây, CSGT là lực lượng chiếm đa số trong các vụ chống người thi hành công vụ đã xảy ra. Nhiều lần tiếp xúc với chỉ huy Phòng và CBCS CSGT làm nhiệm vụ, chúng tôi nắm được tâm tư, băn khoăn của các anh, đó là quá thiếu những thiết bị, phương tiện để xử lý hành vi chống đối hoặc để phòng vệ cho bản thân.

Mỗi khi ra đường, CSGT chỉ có còi và gậy chỉ huy giao thông làm bằng... nhựa. Trong khi điểm lại các vụ chống lại CSGT cho thấy, đối tượng sử dụng hung khí từ dao, gạch, thậm chí lao cả xe vào lực lượng chức năng. “Nhiều nước trong khu vực, CSGT được trang bị loại thiết bị có tác dụng khi “bắn” vào phương tiện, động cơ điện sẽ ngắt hoàn toàn, đối tượng vi phạm sẽ không thể bỏ chạy. Trước mắt, nếu không trang bị được phương tiện cho CSGT phòng vệ thì cũng nên có thiết bị để xử lý tại chỗ những trường hợp vi phạm giao thông. Hiện nay, CSGT hoàn toàn bị động trước các đối tượng cố ý chống đối” - một cán bộ Phòng CSGT nói.

“Rào cản” tâm lý

Khung hình phạt đối với tội danh chống người thi hành công vụ có những tình tiết tăng nặng nghiêm khắc; đối tượng không những bị xử lý về tội chống người thi hành công vụ, mà còn có thể “lĩnh” thêm một vài tội danh khác tùy theo hậu quả hành vi gây ra. Song có một thực tế là số vụ chống người thi hành công vụ bị đưa ra xét xử trước vành móng ngựa ít hơn rất nhiều so với số vụ bị CQĐT khởi tố.

 Để hoàn thành hồ sơ, truy tố đối tượng về tội danh nêu trên, cơ quan Công an phải hết sức vất vả. Những vụ việc mà tỷ lệ thương tích đủ truy tố còn dễ. Với những hành vi như lăng mạ, chởi bới, hoặc thương tích dưới 11%, “rất nhiều đề xuất xử lý nghiêm khắc nào của CQĐT không được quan điểm của VKS, Tòa án ủng hộ”, một điều tra viên Phòng PC14 cho biết. Điều này không chỉ khiến đối tượng vi phạm “thoát” việc bị pháp luật trừng trị, mà còn tạo tâm lý không tốt đối với lực lượng chức năng.

Một vấn đề tâm lý “đáng ngại” khác là vai trò của dư luận. Trung tuần tháng 2-2008, tại ngã tư Đại Cồ Việt - Lê Duẩn, tổ công tác Đội CSGT số 4 phát hiện 1 xe máy chở 3 đối tượng không đeo BKS, không đội mũ bảo hiểm. Khi một chiến sỹ giơ gậy chỉ huy yêu cầu đối tượng dừng xe, đối tượng không chấp hành, bỏ chạy, va vào người chiến sỹ CSGT. Hậu quả là xe đổ, đối tượng cầm lái bị thương ở vùng mặt.

Sự việc này sau đó nhanh chóng được người nhà đối tượng “làm ầm” lên, chụp ảnh “bị hại” và thông tin đến một số cơ quan báo chí. Một số người nhà của “bị hại” được gọi ra để làm “nhân chứng”. Và hôm sau, nhiều tờ báo đồng loạt đưa vấn đề “Cảnh sát giao thông đánh người vi phạm Luật Giao thông”. Đến giờ, vụ việc đã có kết luận chính thức của CQĐT - CAQ Hai Bà Trưng, rằng không có việc CSGT dùng gậy chỉ huy giao thông đánh người. Song, trong khoảng thời gian sự việc này loan tải trên các báo, nó đã kịp gây những ảnh hưởng không tốt đến tâm lý và uy tín của lực lượng Công an.

(Còn nữa)

Nguyễn Tuấn - Hà Trung

Bài 4: Pháp luật không thể  “nương tay”