Hàng Thái Lan sẽ tràn ngập thị trường Việt Nam?

ANTĐ - Tập đoàn Central của gia đình tỷ phú Thái Lan Chirathivat vừa mua lại 49% cổ phần của công ty sở hữu chuỗi Siêu thị điện máy Nguyễn Kim, đánh dấu sự thâm nhập ngày càng sâu của nhà đầu tư này vào thị trường bán lẻ Việt Nam. Chỉ trong một thời gian ngắn, các nhà đầu tư Thái Lan đã hướng đến Việt Nam với hàng loạt vụ mua bán doanh nghiệp lớn.

Hàng Thái Lan sẽ tràn ngập thị trường Việt Nam? ảnh 1Nguyễn Kim là nhà bán lẻ tên tuổi tại Việt Nam

Thị trường điện máy tiềm năng…

Việt Nam được biết đến là thị trường bán lẻ đầy tiềm năng nên việc các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm là hoàn toàn dễ hiểu. Tháng 4-2014, Central Group bước vào thị trường Việt Nam bằng việc khai trương Trung tâm mua sắm Robins tại TP. HCM và Hà Nội. Nhưng đầu tư vào lĩnh vực điện máy trong bối cảnh kinh tế khó khăn, hàng loạt siêu thị điện máy phải đóng cửa lại đặt ra nhiều câu hỏi. Tại Hà Nội, một số doanh nghiệp điện máy đã ngừng hoạt động như Ebest, Việt Long… Hiện nay, các siêu thị điện máy còn lại vẫn đang cạnh tranh khốc liệt, khuyến mãi “sốc” quanh năm nhằm thu hút khách hàng. 

Theo ông Trần Kinh Doanh - Tổng giám đốc của Thế giới di động - nhà bán lẻ cũng tham gia vào lĩnh vực điện máy, năm 2014, mảng kinh doanh điện máy của doanh nghiệp này chưa đạt kết quả như kỳ vọng, doanh thu còn khiêm tốn. Tuy nhiên, điện máy vẫn là mảng kinh doanh màu mỡ đối với các doanh nghiệp. Chỉ riêng với sản phẩm tivi, hiện nay, dòng tivi siêu mỏng, công nghệ hiện đại vẫn còn nhu cầu rất lớn, là cơ hội cho các doanh nghiệp khai thác. 

Liên quan đến việc Central Group Thái Lan mua lại cổ phần của Nguyễn Kim, trao đổi với báo chí, đại diện Central Group tại Việt Nam cho hay, hợp tác chiến lược này sẽ giúp Tập đoàn mở rộng hệ thống bán lẻ điện máy tại Việt Nam cũng như trong khu vực. Nguyễn Kim hiện có 21 siêu thị điện máy trên khắp cả nước. Phải chăng, nhà đầu tư Thái Lan nhìn xa, trông rộng và bất chấp khó khăn hiện tại?

Mở rộng cơ hội cho hàng Thái Lan

Năm 2014, thị trường bán lẻ Việt Nam ghi nhận dấu ấn đậm nét của các nhà đầu tư Thái Lan. Điển hình là thương vụ tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi đã chi hơn 800 triệu USD mua lại hệ thống siêu thị Metro tại Việt Nam. Sau đó, nhà đầu tư này tiếp tục mua 11% cổ phần của Công ty sữa Việt Nam (Vinamilk) và ngỏ ý mua lại Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco)... 

Trong bối cảnh hội nhập, việc mua bán, sáp nhập doanh nghiệp có sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài là xu hướng tất yếu. Nhưng thời điểm các nhà đầu tư Thái Lan tham gia vào thị trường bán lẻ Việt Nam lại khá “nhạy cảm”. Năm 2015, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) sẽ chính thức được thành lập, cùng với việc cắt giảm hàng loạt dòng thuế. Đây là cơ hội cho hàng hóa từ các nước ASEAN nói chung và Thái Lan nói riêng vào thị trường Việt Nam một cách thuận lợi. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng sẽ mở cửa hoàn toàn thị trường bán lẻ từ năm nay theo cam kết WTO. Thế nên, sự có mặt của các nhà đầu tư Thái Lan tại Việt Nam thông qua việc mua bán, liên doanh với nhà bán lẻ đã có tên tuổi ở trong nước làm dấy lên mối lo, hàng Thái sẽ tràn ngập thị trường Việt Nam. 

Lâu nay, một cách lặng lẽ nhưng chắc chắn, hàng tiêu dùng Thái Lan, đặc biệt là đồ gia dụng, quần áo thời trang, hóa mỹ phẩm… đã có mặt tại Việt Nam và được ưa chuộng. Giá cả hợp lý, mẫu mã đẹp, chất lượng đáp ứng yêu cầu là ưu thế cạnh tranh của hàng Thái so với hàng Việt cùng chủng loại, phân khúc. Nay, khi có thêm nhà đầu tư Thái Lan vào lĩnh vực điện máy, rất có thể, những sản phẩm của các công ty đa quốc gia như Sharp, Electrolux, Candy… sẽ “xôm tụ” hơn tại các siêu thị điện máy tại Việt Nam, đặc biệt là tại hệ thống cửa hàng của Nguyễn Kim với giá cả cạnh tranh vì được ưu đãi.

Bình luận về sự có mặt của nhà đầu tư Thái Lan vào lĩnh vực bán lẻ, đại diện Sở Công Thương Hà Nội cho biết: “Sẽ có hàng rào kỹ thuật cho hàng nhập khẩu vào Việt Nam”. Nhưng đến hiện tại, trong cả “sân chơi” bán lẻ và AEC, dường như Việt Nam vẫn đang ở thế bị động.