Sáng kiến hay thế đường cùng?

ANTĐ - Mặc dù phải vài ngày tới mới có được câu trả lời cuối cùng nhưng đề xuất hòa bình cho khu vực miền Đông Ukraine do Tổng thống Pháp F. Holland và Thủ tướng Đức A. Merkel đưa ra tại cuộc gặp Tổng thống Nga V. Putin đang tạo niềm hy vọng chấm dứt cuộc xung đột đẫm máu ở Ukraine. 

Sáng kiến hay thế đường cùng? ảnh 1Người dân Debaltseve đang chờ được đưa đi sơ tán

Trong cuộc gặp ngày 6-2 vừa qua tại Mátxcơva, Nga, Pháp và Đức đã thảo luận xung quanh sáng kiến mới nhằm tránh xung đột tại miền Đông Ukraine leo thang thành một cuộc chiến toàn diện. Theo một số nguồn tin phương Tây, sáng kiến này bao gồm lệnh ngừng bắn ngay lập tức, rút vũ khí hạng nặng, đóng cửa biên giới và phóng thích tất cả tù binh. Các bên cũng bàn về đề xuất một khu vực phi quân sự mở rộng từ 50-70 km. 

Tháng 9 năm ngoái, tại Thủ đô Minsk của Belarus, dưới sự trung gian hòa giải của Nga và tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE), các bên xung đột ở Ukraine đã ký thỏa thuận ngừng bắn. Thế nhưng, cam kết này nhanh chóng chết yểu và cuộc xung đột tại miền Đông Ukraine ngày càng diễn biến phức tạp. Với nhiều loại vũ khí hạng nặng đã được sử dụng, các bên tham chiến đều ráo riết động viên thêm quân và hàng ngày vẫn có nhiều dân thường thiệt mạng. 

So với thỏa thuận ngừng bắn Minsk, sáng kiến mới cơ bản lặp lại các cam kết cũ. Điểm mới duy nhất là chính quyền Kiev sẽ trao quyền tự trị rộng hơn và trên diện tích lãnh thổ lớn hơn cho lực lượng đòi độc lập so với thỏa thuận Minsk hồi tháng 9 năm ngoái. Giải thích cho sự thay đổi này, Tổng thống Pháp F. Hollande cho rằng, với tình hình giao tranh hiện nay, sẽ rất khó để khu vực miền Đông Ukraine tiếp tục có “một cuộc sống chung” với chính quyền Kiev, vì thế vùng Donetsk và Lugansk cần được trao quyền tự trị “khá mạnh mẽ”. 

Tuy nhiên, giới phân tích phương Tây nhận định rằng, chính thắng lợi quân sự của lực lượng đòi độc lập ở miền Đông Ukraine và nguy cơ sụp đổ của chính quyền Kiev đã buộc Đức và Pháp phải đưa ra sáng kiến hòa bình mới. Còn nhớ, khi xung đột mới nổ ra và Kiev đang thắng thế, phương Tây chẳng mấy quan tâm đến đòi hỏi của người dân khu vực miền Đông Ukraine. Nay, khi phe đòi độc lập lật ngược tình thế, đẩy quân chính phủ vào thế phòng ngự, nhất là khi thị trấn Debaltseve - khu vực đầu mối giao thông đường sắt trọng yếu sắp thất thủ, phương Tây mới chịu đổi giọng. 

Theo nhật báo Đức Sueddeutsche Zeitung, giải thích cho sáng kiến mới của mình, Tổng thống Pháp và Thủ tướng Đức cho rằng, Kiev cần hiểu rõ, đây có thể là “cơ hội cuối cùng” để tránh một thất bại quân sự và sụp đổ kinh tế đối với chính quyền Trung ương Ukraine. Trao quyền tự trị rộng hơn và trên một khu vực lãnh thổ lớn hơn cho lực lượng đòi độc lập là sự phản ánh thực tế tương quan lực lượng trên chiến trường giữa hai phe hiện nay. Chính vì thế, nhiều nhà phân tích đánh giá, đề nghị của Pháp và Đức không phải là sáng kiến mà là giải pháp trong thế đường cùng của Kiev. 

Có điều, trong bối cảnh đã có hơn 5.350 người thiệt mạng trong 9 tháng xung đột ở miền Đông Ukraine, sáng kiến mới nếu được các bên nhất trí sẽ giúp tạm thời chấm dứt xung đột, mở đường cho các giải pháp hòa bình tiếp theo. Trước mắt, các đoàn xe nhân đạo đã tiến vào thị trấn Debaltseve để đưa người dân sơ tán sau khi quân đội Chính phủ Ukraine và lực lượng đối lập nhất trí ngừng bắn tạm thời. 

Hy vọng các bên đối đầu sẽ tận dụng cơ hội hiếm hoi này bởi nếu không thể đi đến một thỏa hiệp hay một thỏa thuận hòa bình lâu dài, kịch bản tiếp theo sẽ là chiến tranh toàn diện.