Ebola khoét sâu hố đói nghèo

ANTĐ - Đại dịch Ebola hoành hành từ đầu năm tới nay không chỉ cướp đi sinh mạng của khoảng 5.500 người mà còn trở thành một mối đe dọa lớn đối với kinh tế, khoét sâu thêm hố đói nghèo tại các quốc gia Tây Phi nằm trong “ổ dịch”.

Ebola khoét sâu hố đói nghèo ảnh 1Đại dịch Ebola đã làm gia tăng đói nghèo tại khu vực Tây Phi

Chương trình phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) ngày 24-11 đã lên tiếng cảnh báo rằng, đại dịch chết người Ebola có nguy cơ làm gia tăng đói nghèo tại châu Phi, đặc biệt là khu vực Tây Phi - nơi dịch bệnh đang hoành hành. Theo UNDP, sự bùng phát và lây lan nhanh chóng của dịch Ebola khiến cuộc sống của nhiều hộ gia đình, nhất là hộ nghèo và người nông dân, gặp nhiều khó khăn hơn khi giá cả các mặt hàng và dịch vụ tăng cao.

Trong nghiên cứu công bố cùng ngày, nhà kinh tế trưởng của UNDP tại văn phòng khu vực ở châu Phi Ayodele Odusola cho biết, các biện pháp phòng chống dịch Ebola như đóng cửa biên giới, siết chặt đi lại… cùng với hoạt động nông nghiệp chững lại đã khiến giá thực phẩm leo thang. Cuộc sống của cộng đồng dân cư tại vùng hẻo lánh ở các nước vùng dịch bị ảnh hưởng nghiêm trọng hơn cả do cước phí vận chuyển tăng trong khi thu nhập từ sản xuất nông nghiệp lại giảm. 

Thu nhập giảm sút đã khiến những người tại vùng hẻo lánh cắt giảm chi tiêu, nhiều hơn so với người ở khu vực thành thị. Nghiên cứu của UNDP đánh giá, kể từ khi dịch Ebola bùng phát mạnh mẽ từ tháng 3 năm nay, Sierra Leone - quốc gia được coi là một “ổ dịch” ở Tây Phi, ghi nhận sức tiêu dùng sụt giảm tới 20% trong khi đó mức này tại Liberia là hơn 25%. 

Trước UNDP, Chương trình Lương thực thế giới (WFP) cũng có cảnh báo tương tự khi cho rằng các quốc gia vùng dịch Ebola đang phải đối mặt với nguy cơ thiếu lương thực nghiêm trọng, gây ảnh hưởng tới hoạt động kinh tế và an sinh xã hội. WFP cho biết, tình trạng thiếu lương thực tại các nước đang bị dịch Ebola hoành hành dữ dội nhất như Guinea, Liberia và Sierra Leone đang diễn ra ở nhiều cấp độ. 

Theo WEP, nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus Ebola, chính quyền các nước đã tiến hành phân vùng cách ly nhiều khu vực cộng đồng, khiến nông dân không thể canh tác và chăn nuôi gia súc. Kể từ tháng 4 tới nay, WFP đã phải phân phát hơn 9.000 tấn lương thực cho gần 530.000 người dân Tây Phi bị ảnh hưởng bởi dịch Ebola.

Theo số liệu mới nhất của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), sự bùng nổ của dịch Ebola làm hơn 1.500 người mắc bệnh, trong đó gần 5.500 người đã tử vong. Ngân hàng thế giới (WB) cảnh báo nếu dịch Ebola tiếp tục lây lan nhanh chóng ở các “điểm nóng” như Guinea, Liberia và Sierra Leone và lan sang các nước láng giềng thì thiệt hại về tài chính khu vực trong 2 năm 2014 và 2015 có thể lên đến 32,6 tỷ USD.

Cho dù LHQ, EU, Mỹ… viện trợ hàng tỷ USD cho Tây Phi “chiến đấu” chống lại đại dịch Ebola song nỗ lực chính vẫn là phải của các quốc gia trong “ổ dịch”. Nhà kinh tế trưởng Ayodele Odusola cho rằng, các nước vùng dịch cần có hành động phối hợp nhằm ổn định giá và đảm bảo thị trường lương thực. Các nước này cũng cần mở cửa biên giới nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho lưu thông hàng hóa, thực phẩm; các mạng lưới an sinh xã hội cần trợ cấp nông nghiệp để giúp cải thiện cuộc sống của người nghèo; hỗ trợ người nông dân trong hoạt động sản xuất nông nghiệp; ổn định thị trường tiền tệ, giá cả hàng hóa… nhằm đảm bảo cuộc sống của người dân.