Chấn chỉnh cảnh sát xứ sương mù

ANTĐ - Sau nhiều vụ tai tiếng và bê bối diễn ra trong đội ngũ cảnh sát, nước Anh quyết ra tay chấn chỉnh nhằm làm trong sạch cũng như nâng cao hiệu quả và sự minh bạch của lực lượng bảo vệ pháp luật xứ sở sương mù.

Chấn chỉnh cảnh sát xứ sương mù ảnh 1Anh sẽ triển khai các biện pháp chấn chỉnh kỷ luật trong bộ máy cảnh sát nước này

Bộ trưởng Nội vụ Anh Theresa May ngày 18-11 đã công bố một loạt biện pháp chấn chỉnh kỷ luật trong bộ máy cảnh sát nước này. Những biện pháp được đưa ra sau nhiều vụ tai tiếng, bê bối liên quan tới lực lượng cảnh sát Anh cũng như hiệu quả hoạt động của lực lượng này trong việc bảo đảm trật tự, an toàn cũng như an ninh cho đất nước và người dân đảo quốc sương mù.

Dù nữ Bộ trưởng Theresa không nêu rõ các vụ tai tiếng khiến người dân Anh bất bình với lực lượng cảnh sát nhưng có thể thấy nhiều sự vụ “đình đám” ảnh hưởng khá nặng nề tới uy tín của lực lượng này. Một trong những vụ bê bối gây xôn xao dư luận Anh là một báo cáo độc lập công bố hồi tháng 8 vừa qua cho thấy thực trạng đau lòng khi có tới 1.400 trẻ em bị lạm dụng tình dục, hãm hiếp ở khu vực Nam Yorkshire trong thời gian từ năm 1997 đến 2003 làm dấy lên làn sóng bất bình về hiệu quả hoạt động của cảnh sát.

Trước đó, cả Giám đốc và Phó giám đốc Sở Cảnh sát London cùng buộc phải từ chức do “dính” tới vụ bê bối chấn động nghe trộm điện thoại và tham nhũng tại báo “News of the World” của ông trùm truyền thông Rupert Murdoch. Sở Cảnh sát London đã nhận được những nghi vấn, cáo buộc về việc tờ báo này tổ chức nghe lén điện thoại đi động của nhiều chính khách, nhân vật nổi tiếng, các nạn nhân trong nhiều vụ án và cả người thân của những binh sĩ Anh tử trận… song không hiểu vì sao lại không mở cuộc điều tra trong khi Giám đốc Sở Cảnh sát London Paul Stephenson được cho có “quan hệ thân tình” với Phó chủ bút của tờ báo.

Khi tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng trỗi dậy trở thành một hiểm họa toàn cầu thì dư luận nước Anh lại sốc với thông tin cảnh sát Anh đã để lọt nghi phạm theo chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan dù trước đó họ đã bắt được, sau đó thả ra để nghi phạm này trốn sang Syria gia nhập IS. Sự việc nghiêm trọng tới mức Bộ trưởng Quốc phòng Anh Philip Hammond phải lo ngại rằng những thành viên IS này có thể trở lại Anh, mang theo mầm mống khủng bố, đe dọa an ninh của Anh và cả châu Âu.

Chính vì thế, theo Bộ trưởng Nội vụ Anh Theresa May, nước này sẽ triển khai một loạt biện pháp mới, trong đó có việc tổ chức công khai các buổi điều trần, chấm dứt trả tiền thôi việc cho những quan chức cảnh sát cấp cao vi phạm kỷ luật, không để người tố cáo tham nhũng trong hàng ngũ quan chức cảnh sát bị trả thù hay trù dập, loại bỏ cảnh sát tiêu cực... nhằm chấn chỉnh lực lượng cảnh sát nước này. Bà Theresa May cho biết, các biện pháp mới sẽ được đưa ra lấy ý kiến trong vòng 6 tuần tới và sẽ được thực hiện trước khi diễn ra cuộc tổng tuyển cử ở Anh vào tháng 5-2015.

Nữ Bộ trưởng Nội vụ Anh tin rằng, những biện pháp này sẽ có tác động đáng kể giúp Anh có được bộ máy cảnh sát hiện đại, năng động, độc lập và minh bạch hơn. Trong khi đó, Chủ tịch Hiệp hội giám thị cảnh sát Irene Curtis đã ủng hộ và cho rằng việc chấn chỉnh kỷ luật trong bộ máy cảnh sát giúp nâng cao hiệu quả, hiệu lực và niềm tin của dân chúng vào lực lượng cảnh sát vốn có đa số người tốt và đáng tin cậy.